Hai thành phố lớn nhất nước đang có chất lượng không khí thấp, người dân tại TP.HCM và Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Vậy làm sao để bảo vệ sức khỏe cho gia đình trước ô nhiễm bụi mịn?
Chất lượng không khí đo được tại Hà Nội vào cuối tháng 11 rất kém. TP.HCM cũng có những ngày bầu trời trắng đục, và chất lượng không khí cũng ở mức nguy hại cho sức khỏe. Nguyên nhân chính của tình trạng này theo Tổng Cục Môi Trường là do ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Một nguyên nhân nữa là do thời tiết, những đợt không khí lạnh ở miền Bắc có thể cuốn bụi từ nơi khác đến, hiện tượng sương mù ở TP.HCM lúc mờ sáng làm độ ẩm tăng cao và giảm sự khuếch tán. Tuy nhiên thời tiết chỉ là nguyên nhân ngắn hạn, làm tăng sự ô nhiễm chứ không phải là nguyên nhân chính.
Vì có kích thước nhỏ nên chúng dễ dàng thẩm thấu, đi sâu và lắng đọng vào máu, các phế nang phổi. Bụi mịn gây viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt nghiêm trọng với những người mắc các bệnh về tim, phổi. Quá trình hô hấp của cơ thể diễn ra với cơ chế đưa oxy vào phổi, sau đó oxy sẽ tiếp xúc với máu thông qua chất hemoglobin. Bụi mịn và các loại khí độc hại như SO2, NO2 sẽ cản trở oxy tiếp xúc với hemglobin, khiến tế bào thiếu oxy. Hậu quả là chúng ta có thể bị kích ứng mắt, mũi, họng gây hắt hơi, ho, sổ mũi, làm suy giảm chức năng của phổi, dẫn đến viêm phế quản mãn tính. Đặc biệt nguy hiểm với những người bị hen suyễn, bệnh tim.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, từ khuya đến mờ sáng, là khoảng thời gian bụi mịn lắng đọng ở tầng không khí thấp, cách mặt đất khoảng vài mét. Và đến giữa trưa, khi mặt trời lên cao, các hoạt động của con người, xe cộ khiến không khí bị "xáo trộn", bụi mịn sẽ bay lên tầng cao hơn và ở dưới thấp chỉ còn bụi thông thường.
Những ai có thói quen tập thể dục ngoài trời buổi sáng thì nên dời thời gian tập lại trễ hơn
Tùy vào độ tuổi, thể trạng và cường độ hoạt động của mỗi người mà lượng không khí hít vào sẽ khác nhau. Nếu hít phải nhiều không khí có chứa bụi mịn thì người đó có thể bị phơi nhiễm và có nguy cơ mắc các bệnh từ cấp tính đến mãn tính. Vậy làm sao để bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm bụi mịn:
Trẻ em là đối tượng bị tác động nhiều nhất, do hệ miễn dịch còn yếu nên cùng một lượng không khí ô nhiễm hít phải, trẻ có thể hấp thụ lượng chất độc gấp 2 lần người lớn. Nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường có nhiều cây xanh, tạo những chuyến đi chơi ở biển, công viên để tạo sự cân bằng.
Nên sử dụng các loại khẩu trang than hoạt tính. Nếu sử dụng khẩu trang vải thì nên giặt sạch, phơi khô, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Nên tránh ra đường vào giờ cao điểm, tránh những con đường đông đúc, dễ kẹt xe. Giảm các hoạt động thể lực ngoài trời, nên tập thể dục trong nhà, các phòng tập, nhà thi đấu,…
Bổ sung các thực phẩm cung cấp vitanmin A, C vào bữa ăn. Đặc biệt chất beca-caroten có trong các thực phẩm như: bơ, đu đủ, súp lơ xanh, cà rốt, trứng, sữa,… sẽ giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, niêm mạc đường hô hấp, tăng khả năng cung cấp oxy cho tế bào, từ đó tăng khả năng miễn dịch.
Sử dụng nước muối sinh lý, nước biển sâu để nhỏ mắt, nhỏ mũi hàng ngày.
Ngoài bị ô nhiễm bụi mịn thì chúng ta cũng đang bị ô nhiễm không khí trong nhà. Vì phần lớn thời gian một ngày chúng ta ở trong nhà (trường học, nơi làm việc). Mọi người nên:
– Giữ nhà cửa sạch sẽ, lau chùi, quét bụi thường xuyên.
– Mở cửa sổ khi chất lượng không khí ngoài trời tốt. Việc mở cửa sổ sẽ giúp thoáng khí, giảm lượng bụi tích tụ trong nhà, giảm khả năng gây nấm mốc.
– Trồng các loại cây xanh xung quanh và cây cảnh trong nhà. Những loại cây cảnh có khả năng lọc bụi tốt là: cây mẫu tử, cây thường xuân, cây cọ cảnh, cây phú quý,…
– Không hút thuốc, hạn chế thắp hương trong nhà. Nếu đốt vàng mã thì nên đốt ngoài trời, xem hướng gió để tránh khói bay vào nhà.
– Không nên dùng lò than đá, than tổ ong để sưởi ấm trong nhà vào mùa đông.
– Nếu sử dụng các loại bếp than để nấu ăn thì nên mở cửa thông thoáng.
Bụi mịn, ô nhiễm không khí đã dần trở thành "đặc sản" tại các đô thị lớn. Hy vọng những biện pháp trên sẽ giúp các bà nội trợ bảo vệ sức khỏe gia đình trước ô nhiễm bụi mịn.
Bách Nguyên (Theo suckhoegiadinh)