Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (45-69 tuổi), có tỷ lệ cao trong dân số. Rất nhiều phụ nữ suy giảm chất lượng cuộc sống và cảm thấy cô đơn trong hành trình mãn kinh của mình...
Sau mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống
Thông tin tại hội thảo, PGS.TS Lưu Thị Hồng cho hay, sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời, nhưng phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống với nhiều triệu chứng như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, đau xương khớp, loãng xương, và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ.
Phần lớn phụ nữ gặp các triệu chứng rối loạn mãn kinh lại lầm tưởng rằng những biểu hiện này có liên quan đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ xương khớp…
"Việc chưa tìm đúng chuyên khoa tư vấn, khiến phụ nữ mãn kinh chưa nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt về bệnh lý thực sự của mình. Vì vậy, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là vấn đề cấp thiết"- PGS.TS Lưu Thị Hồng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo BS Trần Thị Thu Hạnh, Phó trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ nhưng trải nghiệm của mỗi người sẽ khác nhau bởi yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, sinh học…
Họ "chịu đựng" thời kỳ này một cách âm thầm do thiếu thông tin cơ bản về các triệu chứng rối loạn mãn kinh gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Do đó, BS Trần Thị Thu Hạnh khuyến cáo phụ nữ tuổi mãn kinh hãy chủ động đến các cơ sở y tế uy tín khám và được tư vấn điều trị, để sống vui, khỏe và tự tin theo đuổi đam mê và tiếp tục chinh phục những ước mơ, hoài bão.
Giải pháp giúp cải thiện các rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh
Các chuyên gia sản phụ khoa cho hay, nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là do suy giảm estrogen. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên ở phụ nữ. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất nhanh và liên tục ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Độ tuổi trung bình bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh là 46, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của các chị em. Kinh nguyệt thường dừng lại khi ở độ tuổi 51.
Có nhiều giải pháp giúp cải thiện các rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, trong đó liệu pháp nội tiết mãn kinh đóng vai trò quan trọng, được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là giải pháp đầu tay trong điều trị mãn kinh.
Tùy theo từng cá thể, đặc điểm sinh lý, kinh tế xã hội, cũng như trình độ và lối sống, mà mỗi người phụ nữ sẽ có những biểu hiện rối loạn mãn kinh khác nhau.
Do vậy, theo các chuyên gia việc lựa chọn giải pháp nội tiết an toàn - cá thể hóa điều trị mãn kinh là vấn đề cần được các chuyên gia y tế và cộng đồng phụ nữ quan tâm.
Thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, đối với phụ nữ dưới 60 tuổi và tình trạng sức khỏe tốt, lợi ích của điều trị hormone mãn kinh vượt trội hơn so với bất kỳ nguy cơ nào.
Các chuyên gia cũng tư vấn phụ nữ chăm sóc sức khoẻ bằng cách luyện tập thể dục thường xuyên, kết hợp ăn uống và chế độ nghỉ ngơi phù hợp.
Chuyên gia cũng khuyến cáo phụ nữ nên trao đổi với chuyên gia y tế về tình trạng sức khỏe khi các rối loạn mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống để tìm giải pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin bằng cách tìm kiếm nguồn thông tin chính thống và tin cậy, nhằm đảm bảo việc hiểu rõ lợi ích và nguy cơ của liệu pháp nội tiết mãn kinh để đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu sức khỏe.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)