Từ lúc bệnh tình anh Tuấn trở nặng và không còn sức lao động, chị Oanh phải bươn chải đủ việc từ chạy xe ôm đến giúp việc, rửa chén, phụ bếp... để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Chị Huỳnh Thị Kim Oanh là một người phụ nữ bình thường, năm nay 57 tuổi. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Tuấn, một người đàn ông khiếm thị 37 tuổi. Gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2005, chị Oanh đem lòng yêu anh Tuấn vì anh lúc nào cũng nở nụ cười rất đẹp dù phải sống lang bạt, trong người mang bệnh hiểm nghèo như u não, suy giảm thị lực và vô sinh.. Năm 2007 cặp đôi quyết định kết hôn giữa sự phản đối của gia đình hai bên.
Sở dĩ cuộc tình của chị Oanh và anh Tuấn không nhận được sự ủng hộ từ những người xung quanh vì khoảng cách tuổi tác quá lớn giữa hai người. Gia đình chị Oanh phản đối gay gắt, thậm chí còn xoá tên chị ra khỏi hộ khẩu. Những người xung quanh thì đàm tiếu, cười chê chị Oanh "ham trai trẻ", "mê phi công"… Nhiều người cho rằng với điều kiện của chị Oanh lúc đó, chị có thể kiếm được những mối tốt hơn. Cũng không ít người tò mò, một chàng trai như vậy thì có sức hút gì.
Chị Oanh phải lòng anh Tuấn bởi nụ cười rạng rỡ ngay lần đầu gặp mặt
Thế nhưng, tình yêu vốn dĩ không đến từ những điều lớn lao. Chị Oanh kể, lần đầu tiên nhìn thấy anh Tuấn, nụ cười của anh đã mang đến cho chị rất nhiều đồng cảm. Chị yêu anh vì dù nếm đủ bao nhiêu bất hạnh trên cuộc đời này thì anh Tuấn cũng chưa bao giờ oán than một lời, lúc nào cũng cười rạng rỡ. "Anh ấy bệnh, không người thân bên cạnh, cuộc sống khó khăn đến mức từng phải đi nhặt những trái khế hư để ăn, nhưng anh vẫn cười, một nụ cười thành tâm", chị Oanh chia sẻ.
Khi mới quen nhau, bệnh tình của anh Tuấn vẫn còn hy vọng. Anh có cơ hội được đưa sang Mỹ chữa trị nhưng lại từ chối vì sợ "xa mặt cách lòng" với chị Oanh. Thậm chí, anh còn nói thà để bản thân không nhìn thấy gì suốt đời chứ không muốn đánh mất chị. Sau đó vì quá trình làm giấy tờ kéo dài nên không còn cách nào khác, chị Oanh đành tôn trọng ý kiến của anh.
Năm 2008, trước khi ca mổ cuối cùng của anh Tuấn được tiến hành tại Việt Nam, không ai nghĩ anh có thể sống sót. Bác sĩ thậm chí còn khuyên đưa anh về nhà vì khả năng cao sau khi mổ anh sẽ trở thành người thực vật. Nhưng bằng nghị lực phi thường và khát khao sống mãnh liệt, anh Tuấn đã trải qua cuộc phẫu thuật một cách nhiệm màu, dù kết quả cuộc phẫu thuật cho thấy anh khó có thể đi lại được.
Không chịu khuất phục trước số phận, chị Oanh không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào để chồng có thể hồi phục, mỗi ngày đều chở anh đến các cơ sở tập luyện đi lại. Sau 5 tuần phẫu thuật, anh Tuấn đã có thể cử động chân và hơn một năm ròng rã tập luyện, anh Tuấn đã đi lại được. Có điều, thị lực của anh ngày càng suy giảm và hiện tại anh không còn nhìn thấy được gì nữa. Theo lời chị Oanh, anh hiện vẫn mang trong người hơn 10 khối u, bị tràn dịch phổi. Các bác sĩ giờ lắc đầu, còn chị Oanh chỉ biết cầu nguyện chứ không có cách nào khác chữa trị thêm.
Không chỉ đau đớn, mệt mỏi về mặt tinh thần, chị Oanh còn nhiều lần chịu trận vì anh Tuấn không chấp nhận được việc bản thân mất khả năng "gần gũi vợ chồng" và thường xuyên không kiểm soát được hành vi của mình.
"Tôi phải trải qua những trận đòn từ lúc mới cưới nhau đến lúc anh sắp trải qua ca mổ cuối cùng vào năm 2008, đó là lúc anh căng thẳng nhất. Anh thường vác dao chém, đập vỡ mọi đồ đạc trong nhà. Thế nhưng anh không biết cũng không nhận thức được hành vi của mình. Thậm chí anh còn tự đập đầu và tự chịu đựng cơn đau", chị Oanh mắt đỏ hoe hồi tưởng lại những gì đã trải qua.
Dù thú nhận bản thân đã quá mệt mỏi, khóc nhiều đến mức chẳng còn nước mắt nữa, vì thương anh, chị chỉ còn cách phải tự đứng lên, mạnh mẽ đương đầu với mọi chuyện. Từ lúc bệnh tình anh Tuấn trở nặng và không còn sức lao động đến nay, một mình chị Oanh phải bươn chải đủ việc từ chạy xe ôm, giúp việc, rửa chén, phụ bếp hay ai kêu gì chị cũng đều làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Làm việc ngày đêm, đến khuya chị mới có thể đặt chân về đến nhà, nhưng chỉ cần anh Tuấn vẫn còn thức chờ chị về để cùng ăn bữa cơm cũng đủ làm chị ấm lòng.
Khánh Chi (tổng hợp)