Tết Nguyên Đán hay còn được gọi là Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trong những ngày Tết thường sẽ có những điều cần kiêng kị để tránh đi những điều xui rủi và có những điều nên làm để có được may mắn trong năm. Vậy ngày mùng một Tết chúng ta nên làm những điều gì để có được tài lộc, may mắn, sung túc trong năm mới?
1. Thắp hương ngày đầu năm
Từ bao đời nay, việc thờ cúng ông bà tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Trong ngày đầu năm mới, việc đầu tiên mà mỗi gia đình cần làm chính là thắp hương cho ông bà tổ tiên, dâng lên những mâm cỗ trọn đầy ấm ấp để xin cho gia đình một năm mới nhiều may mắn, bình an. Khi thắp hương vào ngày mùng một Tết, bạn nên thắp hương theo số lẻ, bởi theo quan niệm thì thắp hương theo số lẻ sẽ là số đẹp, còn số chẵn thì không.
2. Đi lễ chùa đầu năm
Từ xa xưa các cụ đã có quan niệm rằng vào dịp đầu năm mới, mọi người nên đi lễ chùa để cầu cho một năm mới êm ấm thuận hoà, xin đức phật phù hộ cho gia đình, bạn bè, cho những người thân yêu một năm mới đầy đủ, ấm no, gặp được nhiều may mắn... Đi lễ chùa trong ngày đầu năm mới là hoạt động mà mọi người thường lựa chọn làm trong sáng ngày mùng một Tết. Đó cũng là một trong những nét đẹp của văn hoá tâm linh của người Việt. Đi lễ chùa đầu năm cũng còn là một dịp tốt để bạn có thể du xuân vãn cảnh chùa và thư giãn sau một năm làm việc đầy vất vả.
3. Xông đất đầu năm
Xông đất hay còn được gọi là đạp đất là một tục lệ đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Người xưa quan niệm tằng mùng Một Tết là ngày khai xuân, mở ra một năm mới, Họ cho rằng vào ngày này mà mọi việc được diễn ra một cách suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ thuận lợi, hanh thông. Sau thời khắc giao thừa mà bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới đều được coi là đã xông đất cho gia chủ. Chính vì vậy mà người khách tới thăm nhà đầu tiên trong năm mới khá là quan trọng với gia chủ. Thường thường, vào thời điểm cuối năm mọi người sẽ cố ý tìm những người họ hàng, láng giềng có tính cách vui vẻ, xởi lởi, hoạt bát, có đạo đức, thành công hay hợp tuổi để nhờ đến xông đất đầu năm. Người đến xông đất thường sẽ đến thăm, chúc Tết và chúc cho gia chủ mọi việc trong năm thông suốt, trôi chảy.
Về việc chọn tuổi xông đất cũng có một số quy tắc chọn, cụ thể:
- Tuổi Giáp hợp với Kỳ nhưng kỵ với Canh - Mậu
- Tuổi Ất hợp với Canh nhưng kỵ với Tân - Kỷ
- Tuổi Bính hợp với Tân nhưng kỵ với Nhâm - Canh
- Tuổi Đinh hợp với Nhâm nhưng kỵ với Quý - Tân
- Tuổi Mậu hợp với Quý nhưng kỵ với Giáp - Nhâm
- Tuổi Kỷ hợp với Giáp nhưng kỵ với Ất - Quý
- Tuổi Canh hợp với Ất nhưng kỵ với Bính - Giáp
- Tuổi Tân hợp với Bính nhưng kỵ với Đinh - Ất
- Tuổi Nhâm hợp với Đinh nhưng kỵ với Mậu - Bính
- Tuổi Quý hợp với Mậu nhưng kỵ với Kỷ - Đinh
Người đi xuông đất sẽ có được niềm vui vì đã làm được việc tốt, người được xông đất cũng vui vẻ bởi niềm tin gia đạo sẽ được may mắn, hanh thông trong năm tới.
4. Xuất hành và hái lộc đầu năm
Xuất hành là lần đầu tiên đi ra khỏi nhà trong năm, sẽ thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước ngày xuất hành, người ta thường sẽ chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và hướng tốt để mong gặp được các quý nhân, thần tài... Ở miền Bắc, nếu xuất hành ra đền chùa, sau khi lễ bái người ta thường có tục bẻ một cành lộc để mang về nhà lấy may được gọi là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa, đề hay si nhỏ, thường là những loại cây quanh năm xanh tươi và nảy lộc. Tục hái lộc ở các đền chùa với hàm ý mong muốn được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, hiện nay việc hái lộc này có những quan điểm không ủng hộ bởi:
- Việc hái lộc là không nên bởi những cành lộc có thể có vong (linh hồn) bám theo. Khi chúng ta hái lộc về sẽ vô tình đưa vong đó về theo, nếu như vong xấu có thể khiến gia chủ không may mắn. Đây là vấn đề mang tính duy tâm nhưng cũng có lý của nó
- Việc hái lộc còn làm ảnh hưởng đến cây xanh và cảnh quan đô thị vì tâm lý mọi người đều muốn mang thật thiều lộc về nhà cầu may, bởi vậy gây hỏng cây cối, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường
Những việc làm này không biết có thực sự đem tới may mắn không nhưng nó phản ánh mặt xấu của văn hoá ứng xử.
5. Lì xì đầu năm (mừng tuổi)
Đầu năm, người lớn sẽ thường tặng cho trẻ em tiền được bỏ vào những bao giấy đỏ, hay được gọi là hồng bao với những lời chúc tốt đẹp ngày đầu năm. Theo truyền thuyết của Trung Quốc thì trong hồng bao sẽ có 8 đồng tiền, là hoá thân của Bát Tiên, được đặt dưới gối của trẻ nhỏ để xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu bởi chúng sợ giấy màu đỏ.
Ngày nay, những bao lì xì đỏ thắm cùng với những lời chúc dành cho nhau đã trở thành một tục lệ truyền thống trong ngày Tết của người Việt. Lì xì ngày Tết là một việc làm thay cho lời chúc tài lộc và may mắn mà ông bà, cha mẹ dành cho con cháu hay là lời chúc sức khoẻ mà con cháu dành cho ông bà, cha mẹ... Những bao lì xì ấy cũng là thứ bạn bè trao cho nhau như một lời chúc an khang thịnh vượng ngày năm mới.
6. Mua muối đầu năm
Mua muối là một trong những việc làm giúp mang lại may mắn trong ngày đầu năm. Từ xưa đến nay, cứ vào sáng mùng Một Tết là các bàm các mẹ sẽ lại mua muối với mong muốn gia đình một năm mới mặn nồng và bền chặt hơn.
7. Mặc đồ màu đỏ
Người Việt ta có quan niệm rằng màu đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, vui vẻ và sung túc. Bởi vậy mà ngày mùng Một người ta tin việc mặc bộ đồ màu đỏ sẽ mang tới cho bạn nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới. Ngoài những bộ đồ màu đỏ, các gia đình còn treo những câu đối, những món trang trí màu đỏ trong nhà để cầu bình an và may mắn.
8. Ăn những món ăn mang lại may mắn
Ăn bánh chưng ngày mùng Một Tết là một tập tục truyền thống mà nhiều gia đình vẫn còn giữ đến hiện nay. Người Việt Nam quan niệm rằng ăn bánh chưng ngày đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn trong năm mới bởi món ăn này tượng trưng cho đất - nơi mang lại thức ăn, nước uống, sản vật... cho con người. Bên cạnh bánh chưng còn có một số món ăn khác cũng mang ý nghĩa tốt đẹp trong ngày Tết như bánh tét, bánh dày, xôi gấc...
Bách Nguyên (TH)