Tết là dịp các gia đình chuẩn bị rất nhiều thứ dâng lên ông bà, tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính. Tùy theo mỗi vùng miền mà phong tục bày mâm ngũ quả có quan niệm đôi chút khác nhau. Nhưng có những sai lầm cần tránh khi bày mâm ngũ quả ngày Tết bạn cần phải lưu ý như sau.
1. Chọn quả sai cách
Trước khi đi mua trái cây, bạn hãy xác định đúng các loại quả sẽ bày biện. Theo phong tục tập quán ở mỗi miền mà các cách chọn các loại quả khác nhau với các ý nghĩa cũng khác nhau.
Tùy từng vùng miền mà có những cách chọn quả cho mâm ngũ quả khác nhau
Đối với người miền Bắc sẽ chọn mua nải chuối xanh, bưởi, phật thủ, cam, táo, đào, nho, quýt… Bởi theo quan niệm, ngũ quả tương ứng với năm màu Đen- Đỏ- Xanh- Trắng- Vàng tượng trưng cho Ngũ hành Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đặt thêm các loại quả khác tùy theo ý nghĩa riêng của quả đó.
Đối với người miền Nam lại luôn tâm niệm "Cầu- Sung- Vừa- Đủ-Xài" theo cách nói lái đi của các loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài để mang lại sung túc, tài lộc cho cả gia đình trong năm mới.
Cần tránh những loại quả sau mà người miền Nam không đưa chúng lên bàn thờ như chuối phát âm là "chúi" thì làm ăn không cất đầu lên được, cam nghĩa là cam chịu, thiệt thòi do xuất phát từ câu "quýt làm cam chịu", lê, táo còn gọi là trái bom có nguồn gốc từ tiếng Pháp "pomme" biểu thị cho sự lê lết, đổ vỡ, quả lựu làm liên tưởng đến lựu đạn, chiến tranh, sầu riêng có tích truyện đến tên gọi đều không mang lại điều tốt lành, may mắn nên nhiều người cũng không sử dụng.
2. Chọn sai số lượng quả
Chuối cần chọn các quả không dính liền nhau, xanh mướt một màu và không dập vỏ, còn nguyên quây và số quả phải là lẻ. Nhìn nải chuối phải đều, các quả phân bổ đều nhau và hướng lên trên như bàn tay xòe ra nâng đỡ, hứng lộc và bao bọc cho toàn thể gia đình.
Khi chọn quả phật thủ, yêu cầu quả to, tay dài mập, đều nhau, da quả phải trơn, vàng chanh hoặc xanh nhạt, có mùi thơm thoang thoảng của chanh tươi.
3. Bày trái cây lên mâm ngũ quả khi vỏ còn ướt
Trái cây mua về thường được rửa cho sạch sẽ tuy nhiên cần lau cho khô hoặc để ráo nước nhưng tránh phơi nắng trái cây sẽ bị héo. Nếu những quả còn ướt mà được bày trí ngay vào mâm thì cuống trái hoặc chỗ tiếp xúc giữ các trái cây với nhau hay chỗ tiếp xúc giữa vỏ trái cây với mâm chưng sẽ dễ bị đọng nước. Do trái cây bày trong những ngày Tết thường để dài ngày, nếu để dính nước nhanh chóng gây úng, mốc hỏng.
Cần rửa sạch, để ráo khô quả rồi mới bày lên mâm ngũ quả
4. Chọn quả chín mọng để bày mâm ngũ quả
Thời gian chưng trái cây thường được kéo dài liên tục từ 30 đến hết 3 ngày Tết, thậm chí còn kéo dài hơn nữa. Nếu chọn mua trái chín mọng để chưng mâm ngủ quả thì trái cây sẽ chín quá, héo lá và lõm vỏ… trông không được đẹp và khi hạ xuống ăn không còn được ngon.
Không chọn hoa quả quá chín để chưng mâm ngũ quả
Để những ngày Tết trông trái cây chín đẹp mắt, bạn phải chọn những trái cây trong tình trạng sắp chín hoặc chưa chín để chưng. Trong những ngày này, các gia đình thường thắp hương, trái cây sẽ chín dần và vẫn giữ được trạng thái tươi tắn, tràn đầy sức sống, mang lại ý nghĩa may mắn cho cả năm.
5. Bày hoa, thực phẩm khác lên mâm ngũ quả
Các loại hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng và phong phú hơn trước nhưng không vì thế mà bày tất cả lên mâm ngũ quả. Rất nhiều người không câu nệ, cứng nhắc ngũ quả chỉ gồm 5 loại quả mà có thể bày nhiều loại quả hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý mâm ngũ quả thì chỉ bày quả chứ không nên đặt thêm hoa hoặc bất cứ thực phẩm nào khác nữa.
Mâm ngũ quả có ý nghĩa rất quan trọng trong ngày Tết. Bạn đã tìm hiểu cách lựa và bày mâm ngũ quả và lưu ý các sai lầm cần tránh khi bày mâm ngũ quả ngày Tết để năm mới được như ý.
Bách Nguyên ( Theo Suckhoegiadinh )