Rượu nếp cẩm sau khi ủ hoàn thành, đúng công thức có vị ngọt thanh mát, màu sắc bắt mắt và mùi rất thơm đặc trưng của rượu gạo. Dùng rượu này để cùng nhâm nhi với người thân trong cái thời tiết se lạnh ngày đông, bên mâm cơm gia đình thì còn gì gì bằng.
Ngày Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch sắp đến, các chị em nội trợ có thể trổ tài làm món rượu nếp cẩm thơm ngon.
Nguyên liệu:
Gạo nếp cẩm ngon: 1kg
Men gạo: 50g
Rượu trắng nguyên chất: 2 lít
Cách chọn nếp cẩm ngon:
Nếp cẩm ngon có màu tím thẫm vô cùng đẹp mắt. Phần bụng nếp to, màu vàng nhạt, dáng hơi dẹt nhưng hạt vẫn đầy đặn, không quá lép.
Dùng tay bấm nhẹ thấy nếp cứng, chắc tay, không gãy nát, vỡ vụn, bở. Trên bề mặt gạo cũng không có lông tơ hay bị mùn gạo.
Nếp có hương thơm thoang thoảng đặc trưng, không nghe mùi hôi tanh lạ thường nào tỏa ra từ nếp là nếp ngon. Nếu có mùi lạ là nếp không chất lượng hoặc đã bảo quản quá lâu.
Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp cẩm vo 2 lần cho sạch, cho vào thau nước, ngâm qua đêm.
Sau khi ngâm, chắt bỏ nước ngâm, chỉ giữ lại phần gạo. Rửa sạch lại gạo bằng nước sạch.
Cho gạo nếp cẩm vào nồi cơm điện, đổ nước xâm xấp mặt gạo. Bật nồi như nấu cơm hằng ngày.
Khi nếp cẩm chín, xới toàn bộ phần cơm ra ngoài, trải đều ra mặt phẳng cho mau nguội.
Cho men rượu vào cối giã nhuyễn ra, rồi lược qua rây vài lần để lấy được men rượu nhuyễn mịn.
Cách làm:
Rắc men cơm rượu phủ lên mâm cơm nếp cẩm. Dùng tay trộn đều lên, chú ý không để cho cơm bị nát.
Chuẩn bị rổ sạch, lót 1 lớp lá chuối lên trên. Cho phần cơm gạo nếp cẩm trộn men rượu lên trên, gói kín phần lá chuối lại.
Đặt túi cơm rượu lên trên một chén rồi cho vào nồi, đậy kín nắp lại. Ủ cơm rượu ở nơi thoáng mát trong khoảng 5 – 7 ngày.
Cho phần cơm rượu đã được ủ vào bình thủy tinh lớn, tiếp tục cho 2 lít rượu trắng nguyên chất vào. Đậy kín và ủ trong 1 tháng.
Sau 1 tháng, lọc cơm rượu qua rây, lấy nước rượu cho ra ly là đã có thể uống được.
Khánh Chi