Việc chủ động bổ sung nước, không chờ đến khi khát mới uống là điều cơ bản mà mọi người cần tuân thủ để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Hình thành thoái quen uống nước tốt sẽ giúp cơ thể thêm dẻo dai, linh hoạt, sức khỏe nâng cao.
“70% trọng lượng cơ thể của chúng ta là nước” - chỉ với nhận định này thôi là đủ để nói lên vai trò của nước đối với con người.
Theo các chuyên gia sức khỏe, nước có khả năng cung cấp nguồn khoáng chất, làm trơn mạch máu giúp việc vận chuyển chất dinh dưỡng và ôxy đến các cơ quan - tế bào trong cơ thể trơn tru hơn.
Đặc biệt, nhờ vào nước, cơ thể có thể tự điều hòa thân nhiệt ở ngưỡng cân bằng (khoảng 37 độ C) khi có sự thay đổi về thời tiết hay nhiệt độ. Từ những điều trên cho thấy, nước có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe và các hoạt động sống của cơ thể.
Để tăng cao những lợi ích sức khỏe khi uống nước, các chuyên gia đã khuyên mọi người nên luyện thành thói quen với 4 điều sau đây:
1. Uống nước ngay khi ngủ dậy
Thật thiếu sót nếu ngay khi bước xuống giường, bạn làm một việc khác thay vì uống nước. Kể cả khi bạn không thấy khát, bạn cũng nên uống nước ngay sau khi ngủ dậy.
Vì nước giúp bổ sung lượng chất lỏng bị mất vào buổi đêm, hỗ trợ tăng tiết các enzym tiêu hóa, đào thải độc tố, thúc đẩy hệ tuần hoàn và hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Đặc biệt, với những ai ngủ dưới máy lạnh thì uống nước còn giúp hạn chế tình trạng đau họng.
Thêm vào đó, uống nước lọc ngay sau khi thức dậy cũng là thói quen tốt để giảm cân và chăm sóc da hiệu quả. Các bạn nữ có thể áp dụng bí quyết đơn giản này để có thể “nâng tầm nhan sắc”.
2. Uống nước kể cả khi không thấy khát
Uống nước đúng cách và đủ lượng là điều quan trọng cho sức khỏe, ngay cả khi bạn không thấy khát. Đầu tiên, việc chủ động uống đủ nước sẽ giúp duy trì lượng nước cần thiết trong cơ thể, giúp các cơ quan hoạt động một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, duy trì lượng nước cần thiết sẽ giúp tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dưỡng chất tố hơn. Làm cảm giác mệt mỏi và duy trì năng lượng cho cơ thể.
3. Không uống nước quá nhiều
Về cơ bản, chúng ta sẽ cần từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Nhưng thực tế thì nhu cầu uống nước ở mỗi người là khác nhau, nó còn tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng, tính chất công việc và sức khỏe thực tế - nên chắc chắn sẽ có người uống nhiều hơn hoặc ít hơn mức trung bình.
Tuy nhiên, đâu là giới hạn cho việc uống nước? Đó là không uống quá 5 lít nước hoặc hơn 20 cốc nước/ ngày.
Vì uống nước quá nhiều nước có thể khiến thận không thể loại bỏ lượng nước dư thừa. Hàm lượng natri trong máu trở nên loãng - hay còn được gọi là được gọi là hạ natri máu. Trong khi đó, natri là một nguyên tố quan trọng giúp giữ cân bằng chất lỏng trong và ngoài tế bào. Khi mức độ của nó giảm xuống do lượng nước trong cơ thể cao, chất lỏng sẽ xâm nhập vào bên trong các tế bào. Sau đó, các tế bào phù lên tăng nguy cơ bị co giật, hôn mê, rối loạn chức năng não, khiến ta bắt đầu rơi vào trạng thái như lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu. Nếu áp lực này tăng lên, nó có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp và nhịp tim chậm.
4. Không uống nước quá lạnh
Khi thời tiết nóng bức như hiện tại sẽ khiến nhiều người thích uống nước đá, thậm chí có xu hướng lạm dụng.
Đây chính là một thói quen uống nước sai cách rất phổ biến, có thể gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật mà đã được các chuyên gia sức khỏe cảnh báo nhiều lần.
Nguy ơ có thể xảy ra là ức chế dây thần kinh phế vị, gây hỏng răng và nguy hiểm hơn là sốc nhiệt. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình thì bạn nên hoặc cố gắng là không uống nước quá lạnh nhé.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)