Vợ chồng Hải Yến Idol tự giữ tiền của mình và có một khoản tiền chung dành cho những chi tiêu cố định hàng tháng, hoặc những khoản lớn hơn như mua nhà, mua xe.
Trải qua 10 năm hôn nhân và có hai con nhưng vẫn giữ được sự trẻ trung, xinh đẹp, Hải Yến Idol không phủ nhận cô được chồng chăm lo chu đáo nhưng cô cũng khẳng định, muốn được như vậy thì phụ nữ phải đi làm. Nữ ca sĩ cũng giống như nhiều phụ nữ đã lập gia đình, luôn có áp lực khi phải cân chỉnh chi tiêu, giữ tiền bản thân kiếm ra và giữ cả một phần tiền của chồng để chăm lo cho gia đình. Cô nói: "Nếu phụ nữ không để cho chồng một vài quỹ đen nhỏ thì hơi ích kỷ".
Trong khi phần đông mọi người vẫn quan niệm người vợ giữ tiền chính là giữ hạnh phúc trong gia đình, Hải Yến Idol lại có suy nghĩ khác hẳn. Bà mẹ hai con chia sẻ: "Khi tôi đi lấy chồng, mẹ nói với tôi rằng tiền phải tự mình kiếm ra thì tiêu xài thế nào hay mua gì cũng không cần hỏi ai, muốn làm gì thì làm, đấy mới là đồng tiền hạnh phúc. Nếu cuộc sống có xảy ra biến cố thì bản thân phải luôn là người chủ động về tài chính. Mẹ tôi còn nói người nào giữ tiền là người đó khổ. Và với vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội hiện đại, thì quan niệm xưa không còn phù hợp".
Với 2 năm sống thử cùng chồng trước khi kết hôn, Hải Yến luôn xác định rõ ràng ngay từ đầu rằng hôn nhân không chỉ là việc của hai người mà có thể nói là "hai dòng họ lấy nhau". Trên có cha mẹ hai bên, dưới còn có con cái sau này nên cả hai có rất nhiều trách nhiệm chung gắn liền với nhau.
Cũng vì vậy mà ngay từ đầu "mô hình" tài chính trong gia đình cô cũng rất rõ ràng, tiền của chồng thì chồng giữ, tiền của vợ thì vợ giữ, tuy nhiên cả hai sẽ có một khoản tiền chung dành cho những chi tiêu cố định hàng tháng, hoặc những khoản lớn hơn như mua nhà, mua xe. Cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho người bạn đời, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho đối phương mà còn khiến Hải Yến cảm thấy bản thân có giá trị trong ngôi nhà của cô.
Nữ ca sĩ thậm chí còn cho biết, cô thấy quỹ đen của chồng nhưng phụ nữ phải biết "mắt nhắm mắt mở". Cô có những tài khoản riêng thì chồng cũng có những tài khoản riêng như vậy là chuyện rất bình thường.
Liên quan đến chủ đề tài chính trong hôn nhân, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cũng thẳng thắn cho rằng không bao giờ có chuyện "tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát". Theo chị, tiền là phương tiện chứ không phải là bản chất và không phải cứ giữ tiền thì chồng sẽ bớt đi nhậu, bớt ra ngoài "bay bướm"… Tuy nhiên, tiền trong hôn nhân gắn liền với rất nhiều thứ vì vậy nếu muốn tiền ai nấy giữ thì bản thân mỗi người phải có năng lực và bản lĩnh để có thể làm chủ "cuộc chơi lớn" này.
Tô Nhi A còn khẳng định, không có một công thức chuẩn mực nào được xem là đúng đắn trong câu chuyện tài chính gia đình vì mỗi nhà mỗi cảnh, điều tốt nhất là điều phù hợp nhất với mỗi gia đình. Và điều quan trọng không phải là ai giữ tiền, mà người giữ tiền phải là người biết cân đối chi tiêu, vận hành quỹ tiền của gia đình một cách tốt nhất để làm chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn.
Khánh Chi (tổng hợp)