Gỡ lưới bắt cá linh, chèo xuồng hái bông điên điển, nhổ ấu, săn chuột đồng... là những trải nghiệm trải nghiệm bạn không nên bỏ qua khi ghé miền Tây vào mùa nước nổi.
Chèo xuồng trong rừng tràm Trà Sư
Nằm cách thị xã Châu Đốc chừng 30km, rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang mang nét đẹp điển hình của mùa nước nổi miền Tây. Thật phí phạm nếu như bạn tới miền tây mà không dành thời gian thả trôi mình với thiên nhiên mát lành nơi đây.
Dưới bóng mát của rừng tràm, chiếc xuồng lướt nhẹ trên thảm bèo xanh ngút ngàn giữa không gian hoang sơ và trong lành hiếm thấy. Có cảm giác như ta đang rẽ sóng trên biển nước đẹp như cổ tích. Thoảng trong gió là mùi hương nồng nàn của hoa tràm, hòa cùng tiếng chim ca ríu rít. Suốt hành trình, bạn sẽ được chạm vào đám bèo sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực, bông súng tím ngắt thật dễ chịu. Nếu đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, bạn còn được ngắm những đàn chim bay về tổ rợp cả bầu trời thật đẹp.
Ngắm "vũ điệu" sếu đầu đỏ nơi Tràm Chim
Nằm sâu trong vùng chiêm trũng Tam Nông, Đồng Tháp, vườn quốc gia Tràm Chim là một trong 8 khu vực bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam. Đây cũng là hệ ngập nước đồng cỏ cuối cùng của Việt Nam, nổi tiếng với loài sếu đầu đỏ – một trong những loài chim quý hiếm nằm trong sách Đỏ thế giới. Mùa nước nổi, Tràm Chim biến thành ốc đảo xanh, điểm xuyết hàng ngàn cánh cò trắng trên nền trời cao vút, cực kỳ ấn tượng. Bước lên chòi canh, phóng tầm mắt trải rộng về phía chân trời, bạn sẽ ôm vào lòng bức tranh thiên nhiên một màu xanh sống động.
Giăng lưới bắt cá linh
Cá linh là một sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân miền Tây mỗi mùa nước nổi về. Có nhiều cách để đánh bắt cá linh, như giăng lưới, đóng dớn…Sẽ mất đi một nửa ý nghĩa của chuyến trải nghiệm mùa nước nổi nếu như chưa thưởng thức món ăn từ cá linh. Nhưng nếu có điều kiện, tham gia trải nghiệm bắt cá linh, dù bằng phương thức nào đi chăng nữa, thì chuyến đi của bạn chắc chắn sẽ thú vị và đáng nhớ hơn nhiều.
Săn chuột đồng
Mùa nước nổi miền Tây tràn bờ, lũ chuột sẽ chạy tán loạn tìm nơi ẩn náu. Chúng thường chọn các ụ đất cao, bụi rậm, ngọn cây…miễn là nước không lan tới. Người nông dân đoán và chỉ việc đến nơi nhiều chuột để săn. Có nhiều cách bắt chuột đồng, như dùng cho săn, dùng xẻng đào hang, đặt ống trúm, dùng ná bắn, hun khói vào hang…
Chèo xuồng đi hái bông điên điển, hái bông súng
Vào mùa nước nổi miền Tây, bông điên điển mọc nhiều ven các bờ kênh, sát mép sông, vàng rực cả một góc trời. Chỉ cần cập xuồng vào gần bờ, rung vài cái là bông điên điển rụng xuống. Sau khi đem về nhặt nhạnh lá, cọng, là có thể chế biến thành nhiều món ăn: nấu canh chua với cá linh, làm gỏi, đổ bánh xèo, nếu nhiều có thể muối thành dưa chua.
Ngoài ra, một loài hoa khác cũng hấp dẫn không kém đó là bông súng đồng. Khắp mặt nước, đâu đâu cũng thấy hàng trăm bông súng tím, trắng khoe sắc. Những cọng bông súng vừa dài, vừa mập khiến ta mường tượng ngay những món ngon miệt vườn. Thường người dân chỉ lấy phần thân để chế biến các món ăn như bông súng mắm kho, gỏi bông súng…
Lội ruộng hái ấu
Vào mùa nước nổi miền Tây, người dân một số nơi thường trồng ấu để tận dụng diện tích ruộng đồng bị ngập nước. Củ ấu thường có vẻ ngoài xấu xí, đen đủi nhưng bên trong lại trắng ngần và ăn rất bùi. Hái ấu, bạn phải lội xuống nước, nhưng bù lại, được tự tay hái rồi nấu nồi canh thơm bùi bù lại thì còn gì bằng.
Thưởng thức đặc sản mùa nước nổi
Ngoài việc chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên cùng tham gia các hoạt động lý thú, thì việc chế biến và thưởng thức các món ăn đặc sản mùa nước nổi miền Tây là trải nghiệm không thể không thể bỏ qua.
Đặc sản nổi tiếng nhất mùa nước nổi là cá linh với nhiều món ngon: canh chua cá linh bông điên điển, kho tiêu, cá linh chiên xù… Vị ngọt của cá, của bông, vị chua dịu của me… tạo nên hương vị khó quên. Ngoài ra, còn phải kể đến những món ăn khác như lẩu mắm, chuột đồng nướng chao, gỏi sầu đâu cá sặc, cá bống kho tiêu, bánh xèo bông điên điển, cá lăng kho khóm, cá lóc đồng nướng trui, canh chua cá rô bông súng… Những món ăn thanh đạm nhưng sẽ làm bạn nhớ mãi về một miền Tây hào sảng, trù phú.
Phúc Hưng (tổng hợp)