Rằm tháng 8 Âm lịch - Tết Trung thu là một trong những ngày được trẻ em mong đợi nhất trong năm, và cũng là ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt. Có nhiều tên gọi khác của Tết Trung thu ở Việt Nam và mỗi cái tên cho chúng ta thấy một khía cạnh ý nghĩa của ngày lễ này đối với đời sống tinh thần của người dân.
Trung thu có nghĩa là giữa mùa thu. Rằm tháng 8 Âm lịch chính là thời điểm này. Chữ "Tết" trong cụm từ "Tết" Trung thu cho thấy đây là một ngày lễ rất quan trọng, bên cạnh những cái tết khác như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên (rằm tháng 7).
Những tên gọi khác của Tết Trung thu bao gồm:
- Tết trông trăng: Cái tên này phản ánh hoạt động quan trọng của người Việt trong dịp Tết Trung thu từ xưa xưa. Vào đêm rằm tháng Tám, các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ gồm các thức quà mùa thu như cốm, quả hồng, quả bưởi, bánh nướng, bánh dẻo... và mọi người trong gia đình cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng. Ngoài người thân trong gia đình, mọi người cũng có thể dùng thưởng thức đêm rằm với bạn hữu, xóm giềng. Mùa thu tiết trời dịu mát, dễ chịu, nên việc ngắm trăng rằm là một thú vui tao nhã tuyệt vời.
- Tết đoàn viên: Việc quây quần bên mâm cỗ trông trăng giúp mọi người trong gia đình thêm gắn bó, yêu thương. Vì vậy nhiều người đi xa cố gắng về nhà trong dịp này để đoàn tụ. Tết Trung thu vì vậy cũng được gọi là Tết đoàn viên.
- Tết Thiếu nhi: Trẻ em là đối tượng được ưu tiên nhiều nhất trong ngày Tết Trung thu. Đây là ngày mà con trẻ được tặng rất nhiều loại đồ chơi, được tham gia nhiều trò vui như rước đèn, xem múa sư tử, được ăn nhiều loại bánh trái ngon lành... Ngày rằm tháng 8 Âm lịch vì vậy còn được gọi là Tết thiếu nhi, Tết của trẻ em.
Theo VTC