Sống khoẻ

Những rủi ro sức khỏe khi mang thai ở tuổi mãn kinh

Mới đây, một phụ nữ ở Hải Phòng sinh con khi đã 60 tuổi được coi là trường hợp hy hữu. Nhiều người thắc mắc làm thế nào mà một phụ nữ mãn kinh coi như đã không còn khả năng sinh sản mà vẫn có thể mang thai và sinh con? Và những rủi ro thai phụ lớn tuổi dễ gặp phải khi mang thai là gì?

1. Phụ nữ mãn kinh có thể mang thai được không?

Mãn kinh là thời kỳ bắt đầu sau kỳ kinh cuối cùng 12 tháng của người phụ nữ, phổ biến nhất là ở độ tuổi 45 - 55. Khi đó, buồng trứng ngừng hoạt động vĩnh viễn, các hormone giới tính nữ (estrogen) sụt giảm trầm trọng.

Thông thường, phụ nữ sẽ chính thức mãn kinh sau 12 tháng không có kinh nguyệt và lúc này nếu có giao hợp cũng không còn khả năng mang thai nữa. Tuy nhiên, có những người vẫn có thể mang thai dù đã mãn kinh trong một số trường hợp đặc biệt:

Do nhầm lẫn giữa mãn kinh và tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian từ 2-10 năm trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài và có nhiều biểu hiện tương tự như giai đoạn mãn kinh nên nhiều phụ nữ thường nhầm lẫn. Lúc này sẽ có hiện tượng kinh nguyệt không đều thậm chí là nhiều tháng liền không có kinh nguyệt. Giai đoạn này buồng trứng chỉ là suy giảm chức năng chứ chưa hoàn toàn ngưng rụng trứng. Nhiều chị em thường cho rằng mình đã mãn kinh và chủ quan không thực hiện biện pháp tránh thai nên vẫn có thể mang thai nhưng khả năng rất thấp.

Sau mãn kinh, buồng trứng hoạt động trở lại?

Đối với những trường hợp mãn kinh chưa lâu, buồng trứng của người phụ nữ vẫn còn các nang noãn. Có một vài trường hợp đặc biệt, sau khi mãn kinh một thời gian buồng trứng bỗng nhiên hoạt động trở lại và người phụ nữ có thể mang thai dù rất hiếm.

Mang thai nhờ thụ tinh nhân tạo

Đối với những phụ nữ đã mãn kinh nhưng do hoàn cảnh gia đình và họ vẫn khao khát sinh con thì vẫn có thể thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo. Theo đó, các bác sĩ sẽ lấy trứng của một phụ nữ khác cho thụ tinh với tinh trùng của người chồng rồi cấy vào tử cung của người vợ. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia sinh sản, quá trình mang thai sẽ diễn ra bình thường và người phụ nữ đã mãn kinh vẫn được tận hưởng hạnh phúc làm mẹ khi buồng trứng đã ngừng hoạt động.

2. Mang thai khi đã mãn kinh nguy hiểm thế nào?

PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết, với phụ nữ ngoài 50 tuổi, khả năng có con tự nhiên là rất khó và rất ít trường hợp còn trứng. Do đó, quá trình thụ tinh ống nghiệm cũng khó khăn. Phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi đã lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường cao hơn bình thường. Em bé cũng gặp nhiều rủi ro.

Nguy cơ sảy thai cao

Phụ nữ mang thai và sinh con ở độ tuổi mãn kinh có thể gặp nhiều rủi ro chửa trứng và sảy thai cao. Theo một nghiên cứu từ Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, nguy cơ sảy thai ở phụ nữ từ 35 tuổi lên đến 35% và với phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh là 50%.

Dễ gặp tình trạng loãng xương

Phụ nữ mang thai khi mãn kinh thường có tỷ lệ mắc bệnh loãng xương cao. Lý do là sự sụt giảm nội tiết tố estrogen trong độ tuổi mãn kinh cũng bắt đầu một giai đoạn mất xương nhanh hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương.

Bên cạnh đó, canxi trong cơ thể còn cần phải chia sẻ cho thai nhi trong bụng. Thai nhi càng lớn thì lượng canxi tiêu hao sẽ càng nhiều. Khi hệ xương đã bị lão hóa như loãng xương, khung xương chậu không còn sự giãn nở như người trẻ nên trong quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng.

Nguy cơ sinh non

Các nghiên cứu cũng chứng minh việc mang thai vào thời kỳ mãn kinh rất dễ dẫn đến sinh non. Do sức khỏe của mẹ ở độ tuổi này không đảm bảo, kèm theo các bệnh về thận, tim, xương khớp, huyết áp, đái tháo đường... dễ khiến thai nhi chào đời sớm hơn bình thường.

Mẹ mang thai muộn, trẻ dễ bị dị tật

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Minh Phương - Chủ nhiệm khoa Phụ sản, Bệnh viện 354, phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi tuổi cao có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó có một thai kỳ an toàn. Đối với thai nhi, nguy cơ xảy ra dị tật bẩm sinh cao hơn so với khi mang thai lúc người mẹ còn trẻ như: hội chứng Down, dị tật tim, phổi, cơ xương, thai chậm phát triển, sinh non, sinh nhẹ cân, thậm chí thai lưu...

Do vậy, những phụ nữ lớn tuổi muốn sinh con cần chuẩn bị cho mình một nền tảng sức khỏe tốt. Điều quan trọng là khi mang thai và sinh con ở tuổi mãn kinh, họ luôn cần tới sự hỗ trợ y tế và việc tuân thủ theo những lời khuyên của bác sĩ là hoàn toàn cần thiết.

3. Một số giải pháp tránh thai an toàn thời kỳ mãn kinh

Theo BS. Nguyễn Thị Minh Phương, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, chị em vẫn cần thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp. Trong trường hợp có biểu hiện mất kinh nên thử thai và đi khám bác sĩ chuyên khoa sản phụ để được tư vấn biện pháp xử trí phù hợp.

Tham khảo một số biện pháp tránh thai an toàn và phù hợp cho chị em ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh:

Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết: Phương pháp này được đánh giá là an toàn cho phụ nữ ở mọi độ tuổi. Bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố bằng đường uống hoặc tiêm và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để không gây hại cho cơ thể.

Phương pháp triệt sản: Phụ nữ mãn kinh muốn tránh tuyệt đối việc mang thai ngoài ý muốn thì có thể tiến hành triệt sản bằng biện pháp thắt ống dẫn trứng. Cặp vợ chồng cũng có thể dùng phương pháp triệt sản nam là thắt ống dẫn tinh. Phương pháp tránh thai này mang hiệu quả vĩnh viễn mà lại không ảnh hưởng đến việc chăn gối.

Dùng công cụ hỗ trợ tránh thai: Hiện nay có nhiều dụng cụ hỗ trợ tránh thai như vòng tránh thai, miếng dán tránh thai, bao cao su, que cấy tránh thai... Phụ nữ mãn kinh có thể lựa chọn dụng cụ phù hợp cho mình.

Ngoài ra phụ nữ mãn kinh nên thực hành quan hệ tình dục an toàn để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ngừa khả năng mang thai dù rất thấp.

Bách Nguyên ( Theo suckhoedoisong)

 

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram