Để hôn nhân mãi bền vững, bạn cần có những kỹ năng để trước và sau khi cưới có thể gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thử mường tượng xem bạn muốn lái một chiếc xe hơi, thời gian đầu điều khiển xe ra đường, bạn tham khảo kinh nghiệm của người đi trước về những nguy cơ có thể xảy ra trên đường đi. Nếu không tự mình trang bị những kiến thức ấy, bạn sẽ gặp nguy hiểm hoặc trở thành mối đe dọa gây tai nạn cho người khác.
Tương tự như thế, chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo cho rằng, trước khi được cấp giấy đăng ký kết hôn, bạn cũng cần phải tìm hiểu thật kỹ và tự giác trang bị những kỹ năng để hoàn thành tốt vai trò của mình trong đời sống vợ chồng. Nếu không được chuẩn bị trước, các cặp vợ chồng có nguy cơ đối diện với những cuộc cãi vã, xung đột, thậm chí ly hôn.
Cập nhật kỹ năng giao tiếp
Nhiều người cho rằng, chỉ những người thường xuyên phải làm công việc ngoại giao hay trong các cuộc thuyết trình mới cần học những kỹ năng này. Song, những người chuẩn bị kết hôn cũng cần phải trang bị kỹ năng giao tiếp để biết cách lựa chọn ngôn từ, biết chọn thời điểm thích hợp giải quyết các mâu thuẫn vợ chồng cũng như trò chuyện hằng ngày.
Người xưa đã dạy "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", luôn ghi nhớ và thực hiện đúng theo phương châm này sẽ tránh được những cuộc khẩu chiến, tránh làm tổn thương nhau.
Dung hòa những điểm "trái dấu"
Hai người khác giới, 2 tâm hồn, 2 trái tim, 2 tính cách giờ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà, để có thể tìm được "tiếng nói" chung là điều không hề đơn giản. Biết dung hòa những điểm "trái dấu" để 2 tâm hồn cùng đồng điệu, vợ chồng cùng nhau biết cách chia sẻ, cảm thông và nhường nhịn lẫn nhau, chắc chắn mọi khúc mắc trong cuộc sống sẽ dễ dàng được hóa giải.
Tự điều chỉnh cảm xúc
Trẻ nhỏ thường thể hiện cảm xúc bộc phát. Chúng khóc, giận, la ó mỗi khi không hài lòng về điều gì đó. Song người lớn thì tự chủ hơn về hành động của mình, càng trưởng thành họ càng bình tĩnh hơn khi đối diện với một rắc rối nào đó. Càng lớn, chúng ta càng gặp nhiều vấn đề nan giản hơn hoặc bị chọc tức nhiều hơn nhưng qua đó chúng ta có thể tự rút tỉa kinh nghệm cho riêng mình, làm sao để kiềm chế cảm xúc và dung hòa mọi thứ.
Lúc đang yêu, bạn nhìn hôn nhân như một "bến đỗ" đầy màu hồng. Tuy nhiên khi bước vào đời sống vợ chồng, bạn mới biết sự thật không phải vậy, bên cạnh màu hồng còn có cả xám, thậm chí là đen. Nhiều người đã phải thốt lên rằng họ hối hận khi đã lập gia đình chỉ vì không chịu nổi thói hư tật xấu của bạn đời, hoặc không thể kiềm chế cơn nóng nảy khi đối diện với vợ/chồng.
Vì thế lời khuyên cho bạn trước khi kết hôn, hãy tự trang bị cho mình kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc. Nếu nhận thấy mình dễ to tiếng, nổi cơn tam bành hoặc hay giận hờn, thậm chí nói những lời gây tổn thương đến chồng/vợ thì bạn hãy hít thở thật sâu và điều tiết cảm xúc lại. Sau đó hãy tìm một dịp khác thuận tiện hơn bày tỏ về nỗi lòng của mình để người ấy hiểu, mới giữ được tình yêu bền vững.
Giải quyết xung đột
Có yêu nhau đến mấy, bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng có những điểm khác biệt nhất định. Chẳng hạn như vào cuối tuần vợ thích xem phim Hàn Quốc, chồng thích xem phim Mỹ; việc quản lý tiền bạc trong gia đình; các vấn đề chốn phòng the…
Theo chuyên gia tâm lý, các cặp vợ chồng thành công khi họ biết dung hòa giữa cái "của tôi" và "của cô" thành cái "của chúng ta" và cả hai đều đạt được sự hài lòng về điểm chung ấy. Để làm được điều đó, mỗi người cần bớt đi một chút cái tôi cá nhân, nhường nhịn, đồng thời tìm ra một đáp án chung nhất.
Thể hiện thái độ tích cực
Hãy thử tưởng tượng, chồng (hoặc vợ) đi làm về mà thấy mặt bạn đời âu sầu, ủ rũ liệu họ có vui vẻ được không? Một số ông chồng than thở: "Hễ thấy tôi về đến nhà, vợ lại mang đủ thứ chuyện trên trời dưới đất ra càm ràm, trách móc. Riết rồi đi làm xong tôi không còn thiết tha về nhà nữa".
Theo các chuyên gia tâm lý, kỹ năng thể hiện thái độ tích cực trong hôn nhân không có nghĩa là bạn phải bày tỏ cảm xúc một cách giả dối. Đó có thể là những cử chỉ, lời nói nhã nhặn, một nụ cười tươi, lời cám ơn chân thành khi được người bạn đời giúp đỡ việc gì đó, hoặc đánh giá cao khi họ làm tốt công việc… Làm được như thế, bạn sẽ khiến người bạn đời của mình vui vẻ hơn, làm cho hôn nhân trở nên nhẹ nhàng, êm ái hơn.
Chi tiêu đúng mực
Vợ chồng biết cách tính toán trong việc chi tiêu sẽ dành dụm được tiền bạc để phòng những trường hợp cần sử dụng đến món tiền lớn như mua xe, làm nhà, trang trải phí điều trị ốm đau, bệnh tật… Ngay cả khi vợ chồng bạn có thu nhập cao thì vẫn cần lập kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Nếu tiêu phung phí thì vợ chồng bạn sẽ chẳng có bất cứ khoản tích lũy nào, khi có công to việc lớn, 2 bạn sẽ cảm thấy vô cùng bị động. Kế hoạch tài chính đổ bể sẽ gây nên những hệ lụy đối với hạnh phúc hôn nhân. Vì thế, hãy làm chủ đồng tiền để nó phục vụ cuộc sống gia đình, đừng để đồng tiền chi phối.
Chi tiêu tiết kiệm là phạm trù hoàn toàn khác với sự keo kiệt, hà tiện. Hãy luôn phân biệt rõ ràng 2 khái niệm này để các bạn thực sự chi tiêu đúng mực.
Khánh Chi (tổng hợp)