1. Đường vào Tòa giám mục Kon Tum
Tòa Giám mục Kon Tum có tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum. Đây là cơ sở Công giáo lớn nhất khu vực Tây Nguyên Việt Nam. Toà Giám mục Kon Tum có địa chỉ tại số 146 đường Trần Hưng Đạo, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Tòa giám mục có lối kiến trúc pha trộn giữa phương Tây và dân tộc bản địa truyền thống tạo nét riêng biệt.
Đây là điểm đến không thể bỏ qua cho những bạn yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử khi đến Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ấn tượng khó phai với những người lần đầu đặt chân đến đây là hàng hoa sứ lâu năm, tỏa hương dịu nhẹ ngay lối vào. Để trừ sâu bệnh, những gốc sứ được quét vôi trắng. Khi chưa rụng lá, cây rợp bóng mát che kín cả con đường, còn đến mùa hoa nở, đoạn đường này trở nên rực rỡ dưới sắc hồng đậm của hoa sứ, nổi bật trên nền trời xanh trong vắt.
2. Đường lên núi lửa Chư Đăng Ya
Núi lửa Chư Đăng Ya cách thành phố Pleiku (Gia Lai) chừng 30km về hướng bắc, thuộc làng Plơi Iagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Với lớp đất đỏ bazan màu mỡ, giúp người dân nơi đây có những mảnh ruộng phì nhiêu để trồng trọt nhiều loại cây nông sản như: khoai lang, dong riềng, bí… Vào mùa mưa, Chư Đăng Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng, còn đến mùa khô, hàng vạn đóa hoa dã quỳ bung nở trên sườn núi.
Thời điểm này, men theo những ngả đường lên Chư Đăng Ya, hoa cúc quỳ đang nở vàng rực, tạo thành màu chủ đạo và là điểm nhấn ấn tượng cho cả ngọn núi lửa những tháng đầu mùa khô. Ít có nơi nào hoa dã quỳ mọc nhiều, mọc xanh tốt và đồng loạt nở hoa đẹp ở như ở Chư Đăng Ya. Cũng ít có nơi nào lý tưởng để chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp hoang dại, thuần khiết với đủ sắc thái của sự hòa quyện như nơi đây.
So với nơi khác thì dã quỳ ở Chư Đăng Ya nở muộn, nhưng cũng tàn muộn hơn. Những ngày cuối năm, bạn có thể tự chạy xe máy giữa những khóm hoa thơm đậm mùi hướng dương dại đặc trưng, chụp trăm kiểu ảnh trong biển vàng thơ mộng.
3. Đường quanh đồi chè Gia Lai
Đồi chè Gia Lai nằm bên bờ Bắc Biển Hồ, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 13 km, thuộc địa phận huyện Chư Păh, Gia Lai. Dẫn vào đồi chè có một con đường nhỏ, hai bên đường hàng thông lá kim phủ kín, như một đội quân hùng hậu đang chào đón chúng ta. Với màu nâu của thân cây thông, bạn sẽ cảm nhận được sự vĩnh cửu của thiên nhiên nơi đây, bởi nó vẫn luôn tồn tại bền bỉ qua bao mùa chè, qua bao năm tháng.
Đặc biệt, khung cảnh này còn thơ mộng hơn khi bạn đến đây vào mùa hè, bạn sẽ được quay về tuổi thơ, hòa cùng những cô cậu nhóc nhỏ nhặt những quả thông rụng và nghe các bạn ve hòa tấu những bản nhạc ríu rít.
Bạn có thể chậm rãi chạy xe giữa hàng thông thẳng tắp hai bên đường đến Biển Hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của đại ngàn. Cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn đến ngôi nhà giữa lòng hồ, từ đây phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh xung quanh.
4. Đường lên Măng Đen – Kon Tum
Thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum còn được mệnh danh là mảnh đất "bảy hồ, ba thác" vì có 7 hồ Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam, Đak Ke và 3 thác Pa Sỹ, Đak Ke, Đak Pne.
Nằm ở độ cao 1.100 – 1.400m so với mặt biển, cách thành phố Kon Tum hơn 50km, giữa ngút ngàn thông và hoa rừng, Măng Đen lúc nào cũng se se lạnh và tĩnh lặng giữa đại ngàn. Không khí ở đây luôn mát lạnh, trong lành, trở thành điểm tránh nóng lý tưởng của dân miền Nam.
Đến với Măng Đen bạn sẽ được đi trên con đường quanh co, hai bên là những rặng thông xanh ngắt, thoang thoảng mùi nhựa thông. Văng vẳng là tiếng chim hót líu lo, khí hậu mát lành mang nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Chính vì vậy mà Măng Đen được khách du lịch yêu mến gọi là Đà Lạt của Kon Tum.
Không ít bạn trẻ đam mê phượt hứng thú với việc chạy xe máy đến Măng Đen thay vì đi ôtô vì bạn có thể thong thả dừng ngay giữa đoạn đường vắng, ngang qua rừng cao su để chụp những bức ảnh đẹp như trong phim.
Khánh Chi (tổng hợp)