Những thay đổi nội tiết tố như lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây khô âm đạo. Tuy nhiên, khô âm đạo cũng có thể do các tình trạng khác gây ra.
Khô âm đạo là tình trạng âm đạo bị mất đi độ ẩm thông thường do các mô trong âm đạo bị khô, mỏng và giảm tiết dịch. Khô âm đạo khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu và đau rát, nhất là khi quan hệ tình dục.
Có nhiều yếu tố có thể gây khô âm đạo nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở những phụ nữ mãn kinh. Khô âm đạo ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ trước thời kỳ mãn kinh và 40 đến 57% phụ nữ sau mãn kinh.
1. Nguyên nhân gây khô âm đạo
Khô âm đạo có thể gây khó chịu ở vùng âm đạo và xương chậu. Khô âm đạo cũng có thể gây ra:
Đau rát
Mất hứng thú với tình dục
Đau khi quan hệ tình dục
Chảy máu nhẹ sau khi quan hệ
Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
Ngứa âm đạo
Nồng độ estrogen giảm là nguyên nhân chính gây khô âm đạo.
Khô âm đạo là một hiện tượng phổ biến ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ do nhiều nguyên nhân, trong đó là một trong số nguyên nhân chính gây khô âm đạo do nồng độ estrogen giảm. Phụ nữ bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn khi có tuổi. Điều này dẫn đến việc chấm dứt kinh nguyệt trong thời kỳ gọi là tiền mãn kinh.
Tuy nhiên, mãn kinh không phải là tình trạng duy nhất gây giảm sản xuất estrogen. Các nguyên nhân khác bao gồm:
Cho con bú
Hút thuốc lá
Trầm cảm
Căng thẳng quá mức
Rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như hội chứng Sjögren
Sinh con
Tập thể dục nặng
Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như xạ trị vùng chậu, liệu pháp hormone hoặc hóa trị
Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
Một số loại thuốc cũng có thể làm giảm bài tiết trong cơ thể. Thụt rửa cũng có thể gây khô và kích ứng cũng như một số loại kem và nước thơm bôi lên vùng âm đạo.
2. Khi nào cần đi khám?
Khô âm đạo hiếm khi chỉ ra một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nhưng phụ nữ hãy đi khám nếu cảm giác khó chịu kéo dài hơn một vài ngày hoặc nếu cảm thấy khó chịu khi quan hệ tình dục. Nếu không được điều trị, tình trạng khô âm đạo có thể gây ra vết loét hoặc nứt ở các mô của âm đạo.
Nếu tình trạng này đi kèm với chảy máu âm đạo nghiêm trọng nên đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và điều trị. Trong khi khám, bác sĩ có thể kiểm tra thành âm đạo để tìm vết rách hoặc cảm nhận da mỏng hoặc lấy mẫu dịch tiết âm đạo để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn có hại.
Ngoài ra, xét nghiệm nội tiết tố có thể xác định xem đang ở thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh.
3. Điều trị khô âm đạo như thế nào?
Một số trường hợp được chỉ định dùng chất bôi trơn. Có nhiều chất bôi trơn không kê đơn có thể được bôi lên vùng âm đạo để giảm khô và khó chịu. Những chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm này cũng có thể làm thay đổi độ pH của âm đạo, làm giảm khả năng mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Phụ nữ nên chọn chất bôi trơn dành riêng cho âm đạo. Chất bôi trơn phải là gốc nước, không chứa nước hoa, chiết xuất thảo dược hoặc màu nhân tạo vì những mùi hương này dễ gây kích ứng.
Khi dùng biện pháp ngừa thai bằng bao cao su hoặc màng chắn không sử dụng chất bôi trơn như dầu khoáng vì có thể làm hỏng bao cao su và màng chắn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa liệu pháp estrogen dưới dạng thuốc viên, kem hoặc vòng để giải phóng estrogen. Kem và vòng giải phóng estrogen trực tiếp vào các mô. Thuốc có nhiều khả năng được sử dụng khi phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh khó chịu khác, chẳng hạn như bốc hỏa.
Vì nhiều sản phẩm có thể gây kích ứng vùng da âm đạo mỏng manh nên quan trọng là phải đi khám để bác sĩ đánh giá và tư vấn điều trị nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Đối với tình trạng khô khan trong "chuyện ấy", phụ nữ nên kiên nhẫn, chọn thời điểm thân mật khi không quá mệt mỏi hoặc căng thẳng và dành nhiều thời gian cho màn dạo đầu. Nếu có ít ham muốn, ít hưng phấn và đã thử mọi cách khác, thì nên thể thử trị liệu.
Nếu gặp vấn đề về bôi trơn âm đạo do nồng độ estrogen thấp, phụ nữ có thể điều trị bằng hormone. Tùy trường hợp, bác sĩ khuyên nên điều trị tại chỗ như đặt estrogen vào âm đạo, một số trường hợp khác nếu có thêm các triệu chứng như bốc hỏa, dùng thuốc uống giải phóng estrogen khắp cơ thể là một lựa chọn. Cả hai phương pháp này cũng có thể được sử dụng cùng nhau để điều trị khô âm đạo một cách hiệu quả.
4. Làm thế nào để ngăn ngừa khô âm đạo?
Tuy không thể ngăn chặn được những thay đổi liên quan do tuổi tác hoặc sinh sản ở vùng âm đạo nhưng chị em có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt độ ẩm âm đạo bằng cách:
Uống nhiều nước.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ thường xuyên và đúng cách.
Không sử dụng các sản phẩm gây kích ứng âm đạo.
Không sử dụng các chất bôi trơn hoặc dưỡng ẩm âm đạo mà không có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng ngược.
Quan hệ tình dục với màn dạo đầu chất lượng để tăng tiết dịch âm đạo, giúp cuộc yêu được trơn tru và dễ dàng đạt khoái cảm hơn.
Không sử dụng bao cao su có chứa nonoyxnol9 (N9) vì đây là chất hóa học có thể gây khô âm đạo.
Thăm khám ngay khi có các triệu chứng khô âm đạo để được bác sĩ hướng dẫn cách can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc hoặc ngừng thuốc kê đơn.
Tái khám đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)