Chia sẻ

Người phụ nữ cam chịu để giữ gìn mái ấm gia đình

Vừa dựng chân chống xe, anh Hợp đã thấy tiếng cô con gái véo von:

"Bố về. Bố về". Còn vợ anh, chị Nga, tay cầm sẵn ly nước tươi cười: "Mình uống đi, 39 – 40 độ mà phải chở khách xuống tận Long Biên!".

Nhận cốc nước chanh mát lạnh từ tay vợ, anh Hợp không khỏi ngậm ngùi. Vậy mà đã có lúc, anh định phá bỏ mái ấm thân thương này để đi theo người khác… Câu chuyện xảy ra cũng nhiều năm rồi.

Khi không được quan tâm

– "Mụ kia, có đứng lại không?"

– "Tôi không đứng đấy, ông làm gì được tôi nào? Có giỏi ông đánh tôi lần nữa xem!"

Tiếng cãi vã, đánh nhau, rồi tiếng khóc thút thít đầy tủi hờn của người mẹ kéo cậu bé Hợp ra khỏi bàn học. Cứ năm ngày ba trận, bố say xỉn về nhà kiếm cớ gây sự với hai mẹ con Hợp. Bà mẹ vốn nóng tính, không chịu nhịn chồng. Những cuộc va chạm mỗi lúc một nhiều hơn. Rồi kết cục hai người chia tay. Mẹ về quê, Hợp ở với bố để tiếp tục đi học.

Chẳng bao lâu, bố có vợ mới, hai người em nhanh chóng ra đời. Căn nhà hơn 10m2 đã chật chội giờ càng bí bách hơn. Bố và mẹ kế bận kiếm sống  và lo cho hai em, nên không còn thời gian dành cho cậu con trai đang tuổi lớn.

Nhờ tình yêu bao la của chị để anh có cơ hội hiểu ra ý nghĩa của gia đình (Ảnh minh họa)

Hợp như cái cây không được chăm bẵm từ nhỏ, việc học sa sút dần, cố gắng lắm, Hợp cũng học xong cấp 3. Không thi đại học, cậu lang thang, vất vưởng kiếm việc làm,nhưng đâu có dễ, chỗ nào cũng đòi phải có bằng trung cấp, đại học, hay ít ra có một chứng chỉ học nghề nào đó.

Nhìn thằng con lớn tướng, cứ vật vờ mãi, không làm ăn gì, ông bố sắm cho cậu một chiếc xe máy. Hợp bắt đầu sự nghiệp làm xe ôm từ đó.

Hàng ngày, Hợp ra đầu đường Thanh Niên đón khách, rồi quen Nga, cô bé bán hoa lan và châu chấu tết lá dừa bên cạnh. Nga mồ côi từ bé, kém Hợp một tuổi, tính tình chịu thương, chịu khó, lại khéo tay. Từ thương rồi thành yêu, sau một thời gian, hai người làm đám cưới. Bố và mẹ kế cũng có tuổi nên về quê sinh sống, để lại cho vợ chồng Hợp căn nhà tập thể cũ kỹ, dột nát. Khi đứa con gái đầu lòng chào đời được mấy tháng, Nga lại tiếp tục mang bầu. Cuộc sống oằn trĩu gánh nặng lên vai cặp vợ chồng trẻ.

Bắt đầu một bi kịch

Cùng với sự lớn lên của hai đứa trẻ, khó khăn trong nhà mỗi lúc một nhân lên. Nỗi lo đã biến Nga từ một cô gái dịu dàng, đằm thắm, trở thành một bà vợ nhăn nhó, lắm điều. Đi làm về mệt mỏi, lại phải nghe tiếng quát mắng con cái, tiếng chì chiết của vợ, Hợp cảm thấy chán nản vô cùng. Ngày nào cũng xảy ra cãi vã, hàng xóm lúc đầu còn sang can ngăn, sau thì không ai chú ý đến họ nữa.

Những lúc phiền muộn, không có ai chia sẻ, anh Hợp chỉ còn biết xách xe ra đường, nhìn dòng người tấp nập qua lại cho khuây khỏa.

Tối hôm ấy, đã gần 10 giờ mà hai vợ chồng vẫn còn gây lộn. Theo thói quen, anh lại đi ra ngoài cho bớt căng thẳng.

"Anh ơi, sao ngồi buồn thế? Gia đình có chuyện gì à?". 

Giọng nói ngọt ngào thì thầm bên tai cắt ngang dòng suy nghĩ của Hợp. Anh quay lại phía sau. Đó là Thu, người ta vẫn gọi cô là ca ve ở khu này.

Nhìn cô gái nhòe nhoẹt trong lớp son phấn, nhưng ánh mắt rất chân tình, tự nhiên Hợp thấy đồng cảm lạ lùng. Anh không ngần ngại tâm sự với cô nỗi lòng của riêng mình. Chuyện vợ, chuyện con, những khó khăn trong cuộc sống…

Hai người trở thành đôi bạn tâm giao, tình cảm sâu nặng, rồi chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra. Hợp coi Thu như vợ bé. Biết chồng có bồ, bỏ bê công việc, Nga không còn cách nào khác, ngoài việc nín nhịn, chờ chồng nghĩ lại, quay về với vợ con.

Khi Thu tiếp khách, có đồng ra, đồng vào, Thu mua sắm, chiều chuộng Hợp hết lòng. Nhưng Thu càng ngày càng quá quắt. Không ít lần, Thu tìm đến tận nhà để gây sự với chị Nga, ghen tuông, kiểm soát anh Hợp gắt gao.

"Tôi như sống trong địa ngục, luôn phải giằng xe giữa vợ và Thu. Mỗi khi nhìn thấy hai đứa con bé bỏng,vô tội, tôi thấy mình thật có lỗi. Tôi  muốn dứt khỏi Thu để quay về. Nhưng cô ấy không chịu."

Anh Hợp nhớ lại.

Hôm ấy, nhà có giỗ. Hai vợ chồng vừa khóa cửa để về quê thì Thu đến. Cô ấy nằng nặc đòi đi cùng vợ chồng tôi. Tôi không đồng ý, nhưng Thu cứ ngồi lên xe. Giằng co mãi không được, vợ tôi bực mình, không về nữa, để Thu đi với tôi.

Đi được một đoạn, Thu bảo tôi đưa sang nhà nghỉ bên Gia Lâm. Thu nói: "Đây là lần cuối cùng. Sau đó em sẽ đi đường em, trả anh về với vợ con ở nhà".

Muốn rứt bỏ khỏi Thu đã lâu, tôi đồng ý ngay, cùng Thu ghé vào nhà nghỉ quen thuộc. Tôi và Thu đã có những giấy phút thật nồng nàn.

Đang mơ màng ngủ, tôi nghe thấy tiếng đập cửa liên hồi. Công an ập vào, yêu cầu kiểm tra. Nhìn quanh không thấy Thu đâu.

"Nguyễn Văn Hợp, đề nghị anh theo chúng tôi về cơ quan điều tra làm rõ nguồn gốc số heroin trong túi quần anh!"

Tôi chết lặng, không hiểu chuyện gì xảy ra. Từ bé đến giờ tôi đã bao giờ nhìn thấy heroin thế nào đâu, mà sao giờ lại có nó trong túi? Chắc có gì nhầm lẫn đây.

Những ngày trong trại tạm giam, xấu hổ, Hợp không dám liên lạc với vợ con, mà nhờ cán bộ điều tra liên lạc với Thu nhiều lần, nhưng cô ấy đã biến mất. Hợp lờ mờ hiểu ra, khi thấy anh muốn quay về với gia đình, Thu đã cố tình bỏ heroin vào túi để trả thù. Hối hận lúc này đã quá muộn, Hợp bị kết án 3 năm về tội tàng trữ ma túy và bị giam ở Thanh Hóa.

Chính những tháng ngày khốn khó này đã giúp Hợp hiểu được giá trị gia đình và tấm lòng của người vợ. Nga đã lăn lộn kiếm sống nuôi con rồi chạy vạy, lo lót để chồng không phải làm những công việc đập đá, vác đá nặng nhọc…

Làm lại từ đầu

Ngày ra trại, nhìn thấy vợ tảo tần vất vả, hai con đã lớn, Hợp ân hận vô cùng: "Cũng may, trời thương, cho tôi hai đứa con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Cháu lớn đã nhiều lần đạt giải học sinh giỏi của thành phố. Tôi quyết tu chí làm ăn để đỡ đần cho vợ, để con cái không bị mặc cảm vì tội lỗi bố nó".

Hàng ngày, người ta vẫn thấy Hợp chạy xe ôm, tối tối về phụ việc nhà với vợ con, gia đình anh lại ríu rít tiếng cười của bọn trẻ. Anh ao ước mình có một cái nghề ổn định, để nuôi con ăn học cho bằng chúng bạn.

Minh Minh

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram