Chia sẻ

Nàng dâu ở cữ vùng cao Tây Bắc

Chúng tôi học cùng đại học và tôi yêu anh vì cái đặc biệt của người con trai Tây Bắc, chịu khó, thông minh và… thú thật, anh đẹp trai, trắng trẻo lại cao lớn khỏe mạnh, không ít cô gái thành phố còn phải mơ ước.

Chúng tôi cưới và thuê nhà ở riêng vì cả hai đều làm việc ở thành phố. Khi chuẩn bị cho đứa con đầu lòng ra đời, chúng tôi rất hồi hộp. Nhà chồng muốn tôi về ở cữ để nhà anh chăm sóc vì lý do ở miền núi sẵn lúa gạo ngon, rau sạch, cây trái mùa nào thức nấy. Đó là chưa kể không khí trong lành khiến trẻ em ngoan ngoãn và khỏe mạnh hơn. Tôi không dám từ chối, nhưng thật sự rất lo lắng, không biết tôi sẽ sống thế nào với mấy tháng ở cữ khi điều kiện ở miền núi khác xa thành phố.


Nhà chồng tôi ở một bản cách đường quốc lộ mười hai cây số. Không phải là một bản xa xôi, vẫn có đầy đủ phương tiện để sinh hoạt, điện đóm, ti vi, nhà cũng được xây cất như người kinh. Ở một vài ngày thì tạm được chứ ở lâu dài, tôi sợ sẽ không thể chịu nổi vì dù sao so với cuộc sống hiện tại của chúng tôi còn thiếu thốn rất nhiều thứ. Tôi lo nhất là điều kiện y tế ở nơi đây, chỉ có trạm xá xã cách nhà mấy cây số, còn bệnh viện huyện thì lại quá xa.

Cuối cùng, chồng tôi cũng thuyết phục được tôi về nhà anh sau khi sinh con. Dù sao, chúng tôi cũng ở thành phố cả đời, về sống với nhà chồng chỉ trong thời gian ngắn. Hãy coi đây là sự báo đáp ân tình với cha mẹ chồng, những người có công sinh thành ra anh, người mang cho tôi hạnh phúc bây giờ.

Để đề phòng, trước khi sinh tôi chuẩn bị đủ mọi thứ cần thiết cho hai mẹ con, vì tôi sinh bé vào mùa đông lạnh giá. Mười lăm ngày sau sinh, chúng tôi thuê xe về quê chồng. Vượt qua hơn hai trăm cây số một cách vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng về tới đích với một đống đồ đạc lỉnh kỉnh đến mức mẹ chồng tôi phải kêu lên với giọng kinh lơ lớ: "Tụi mày định chuyển cả thành phố lên đây a?".

Khi bế con bước xuống xe, tôi mới thật sự cảm thấy choáng váng. Gió ở miền núi lạnh cắt da thịt mà bây giờ tôi mới cảm nhận được. Căn nhà cấp 4 xây cất đã lâu theo kiểu xưa, bốn phía đều thông gió và cửa sổ thì rất rộng. Tôi lo lắng không biết mẹ con tôi sẽ ở đâu để khỏi bị lạnh trong căn nhà trống hoác thế này.  Nhưng tôi chẳng cần phải lo xa, mẹ chồng chỉ cho tôi căn phòng ngay gần gian bếp khá rộng rãi và được đóng kín cửa sổ. Cô em gái chồng đã mua giấy dán tường ở thị trấn về dán kín từng tý bằng một màu hồng nhạt. Chiếc giường cũ kỹ cũng được lau chùi sạch bóng, trải đệm và có sẵn một chiếc màn khung treo, khi cần chỉ việc buông xuống. Ở mỗi góc màn đều treo chuông gió bằng tre hoặc thú bông, hoa khô. Cảnh tượng giống như một căn phòng trong khu du lịch sinh thái. Vì phòng ở gần bếp nên hơi ấm phả vào khiến căn phòng giống như có điều hòa hai chiều, rất ấm áp.

Những ngày ở cữ càng dễ chịu hơn khi mẹ chồng tôi không bắt con dâu phải kiêng khem gì nhiều. Mỗi ngày bà thường đặt một nồi nước lá đun sôi để hai mẹ con cùng tắm. Nước lá thơm dịu khiến tôi cảm thấy sảng khoái dễ chịu. Mấy ngày sau chồng tôi trở về thành phố tiếp tục làm việc, tôi cười và bảo anh: "Yên tâm nhé, ở đây rất hợp với em".


Mẹ tôi bảo, gió ở miền sơn cước tuy lạnh nhưng không độc, nó mang cái ngọt của đất, của cây, của sương cho nên nó rất lành. Do cơ thể người phụ nữ mới sinh rất yếu, khả năng miễn dịch, sức đề kháng thấp, có thể dễ dàng nhiễm lạnh cho nên những cơn gió lạnh, khí lạnh sẽ là kẻ thù số 1 cần đề phòng. Nếu không cẩn thận, sau này, sẽ phải đối mặt với những căn bệnh như phong thấp, đau nửa đầu, nhức mỏi, đau khớp… tuy nhiên, cái lạnh ấy là những cơn gió lạnh đột ngột vào cơ thể mà ta cần phải tránh chứ không nhất thiết phải trùm mền trong nhà không ra gió.

Mẹ còn bảo tôi, cái lạnh sẽ khiến cho da khô nứt nẻ, gây ngứa ngáy và dễ trở thành dị ứng, mẩn đỏ cho cơ thể sau này, sẽ mẫn cảm với thời tiết. Vì thế, bà bảo tôi nên mặc ấm chứ không nên đến gần lửa. Bà còn chuẩn bị cho tôi một số loại thuốc bôi chống nẻ của người dân tộc thiểu số để chăm sóc da mặt, môi và chân tay.

Những món ăn do mẹ nấu không đạt "chuẩn" như ở thành phố, mà nó rất đơn sơ như cơm xôi, gà luộc, thịt lợn rừng luộc, rang với hành… Riêng món xôi mẹ làm được rất nhiều kiểu, xôi nghệ, xôi ngô, xôi đỗ xanh, đỗ đen và cả xôi nhiều mầu từ các loại lá có vị thơm, lạ để tôi ăn hằng ngày. Khi tôi lo lắng về việc  có nên ăn nhiều móng giò, đu đủ hầm như miền xuôi vẫn hay ăn để có nhiều sữa thì mẹ chồng tôi bảo, không cần thiết. Chỉ cần ăn đủ chất là có sữa tốt cho em bé, những món ăn nhiều mỡ chỉ khiến tôi đầy bụng, chán ăn.

Những ngày tháng ở cữ trôi đi thật nhanh chóng, trộm vía con trai nhỏ của tôi không ốm đau gì mà ăn ngủ rất ngoan ngoãn. Có lẽ là do không khí trong lành ở vùng miền núi. Trước khi về lại thành phố, tôi còn bảo với mọi người: "Lần sau sinh cháu nữa, con sẽ lại về nhà".

Khánh Chi (tổng hợp)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram