Ngày 11/4/2021, Mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam (LIFVietnam) chính thức được ra mắt.
Thành công của các nghiên cứu khoa học và công nghệ có thể được đánh giá bằng việc chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào thực tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu có kết quả giá trị và được thương mại hóa thành công vẫn còn rất hạn chế, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn thấp. Thị trường luôn có nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để sản phẩm nghiên cứu không bị đắp chiếu, cần có sự đổi mới nhận thức trong tư duy, nâng cao nhận thức đúng đắn và đầy đủ cũng như lòng tin đối với 3 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp.
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã trở thành nhu cầu cấp thiết không những của các thành viên đã tham gia chương trình mà còn là định hướng chung của cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp. Do đó, Mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt Nam – LIFVietnam đã được hình thành và đi vào hoạt động từ 2021.
Với phương châm "Kết nối và sẻ chia", Mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam (LIFVietnam) sẽ cùng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ hàng năm. Thông qua chương trình, các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp và nhà quản lý sẽ được tuyển chọn, tư vấn và hỗ trợ nhằm xây dựng mạng lưới thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.
Linh An