Khô âm đạo là tình trạng phổ biến vì nhiều lý do, thường liên quan đến thời kỳ mãn kinh, nhưng khoảng 17% phụ nữ từ 18 - 50 tuổi cũng sẽ bị khô âm đạo và một thời điểm nào đó.
1. Khô âm đạo là gì?
Bình thường, âm đạo có độ ẩm tự nhiên. Chất bôi trơn hàng ngày được sản xuất bởi các tuyến trên bề mặt cổ tử cung và thành âm đạo để giữ cho môi trường âm đạo khỏe mạnh.
Theo BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, môi trường âm đạo có độ pH luôn có tính axit. Độ ẩm có tính axit này giúp giữ cho vùng âm đạo sạch sẽ, ngăn ngừa các nhiễm trùng như nấm, viêm nhiễm do vi khuẩn kỵ khí, đồng thời loại bỏ tế bào chết.
Loại bôi trơn thứ hai xảy ra khi bạn có kích thích tình dục. Các tuyến Bartholin ở lối vào âm đạo tiết ra chất nhờn trơn và thành âm đạo trở nên ẩm ướt hơn, cung cấp thêm độ ẩm cần thiết cho quá trình giao hợp trở nên dễ chịu.
Khi chất bôi trơn tự nhiên giảm, các mô của thành âm đạo bị khô, trở nên kém đàn hồi và dễ bị kích ứng, khó chịu. Nếu không có chất bôi trơn, âm đạo của bạn sẽ khô và khi quan hệ tình dục có thể có cảm giác giống như bị chà xát gây đau đớn.
Nếu thiếu độ ẩm, hệ sinh thái trong âm đạo có thể bị xáo trộn và các vi khuẩn có hại sẽ phát triển quá mức gây viêm âm đạo do vi khuẩn, nấm âm đạo hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
BS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, ở thời kỳ mãn kinh, do nội tiết tố estrogen suy giảm khiến nhiều chị em thường gặp tình trạng khô âm đạo. Âm đạo thay đổi rất nhiều trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh do nồng độ hormone estrogen giảm. Thành âm đạo trở nên mỏng hơn, kém đàn hồi và kém nhạy cảm hơn, có ít tế bào sản xuất chất nhầy hơn và do đó độ ẩm ít hơn.
Ở phụ nữ mang thai và cho con bú, sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình sinh nở và cho con bú có thể gây khô âm đạo.
Đối với một số phụ nữ, tình trạng căng thẳng kéo dài cũng dẫn đến khô âm đạo. Căng thẳng và trầm cảm làm giảm ham muốn tình dục hoặc khiến bạn khó bị kích thích hơn.
Âm đạo khô cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó. Hội chứng Sjögren là một tình trạng tự miễn dịch trong đó khô mắt, da, miệng và âm đạo là phổ biến. Một số bệnh liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến độ ẩm của âm đạo và có thể biểu hiện bằng nhiễm trùng âm đạo tái phát và nhu cầu đi tiểu thường xuyên.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể gây khô âm đạo. Các ví dụ phổ biến là thuốc tránh thai nội tiết tố, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine và hóa trị liệu được sử dụng để điều trị ung thư.
Vệ sinh âm đạo không đúng cách có thể khiến âm đạo mất đi độ ẩm tự nhiên. Ví dụ như rửa quá nhiều lần hoặc thụt rửa sâu trong âm đạo và sử dụng các sản phẩm có mùi thơm như nước rửa và chất khử mùi dành cho nữ.
3. Cách đơn giản phòng ngừa tình trạng khô âm đạo
– Để giảm khô âm đạo ngay lập tức, bạn có thể sử dụng chất bôi trơn nhân tạo hoặc chất dưỡng ẩm âm đạo. Hãy luôn nhớ sử dụng loại được sản xuất đặc biệt để sử dụng trong âm đạo và được cơ quan y tế tin cậy cấp phép. Hãy tìm chất bôi trơn gốc nước sẽ an toàn hơn cho môi trường âm đạo và không chứa nước hoa để sử dụng hàng ngày.
– Khó có thể ngăn ngừa khô âm đạo do thay đổi nội tiết tố và giảm nồng độ estrogen nhưng có một số nguyên nhân gây khô âm đạo mà bạn có thể tránh được:
Tuyệt đối không nên thụt rửa âm đạo. Rửa nhanh với nước sạch 2 lần một ngày là đủ.
Tránh các sản phẩm có mùi thơm.
Sử dụng nước thường hoặc xà phòng rất nhẹ, không mùi ở những vùng khác của bạn và sử dụng giấy vệ sinh thường thay vì khăn lau có mùi thơm.
Sử dụng bột giặt nhẹ và nước xả vải khi giặt đồ lót.
Bỏ thuốc lá.
Sử dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng và yêu cầu giúp đỡ nếu tâm trạng của bạn xuống thấp.
Thảo luận với bác sĩ về việc thay đổi một loại thuốc đang dùng điều trị bệnh của bạn có thể giảm tình trạng khô âm đạo.
– Trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về một liệu trình ngắn của kem thoa âm đạo có chứa estrogen và duy trì liều thấp có thể giữ cho âm đạo của bạn có độ ẩm.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)