1. "Săn mây" là gì?
Trước khi nắm được kinh nghiệm "săn mây", bạn cần phải biết được "săn mây" là gì. Hơi nước tích tụ dưới áp suất và nhiệt độ nhất định để tạo thành mây. Mùa lạnh, mây thường xuống thấp và dễ tập trung thành khối hơn vào mùa nóng. Vì vậy "săn mây" thực chất là việc đi ngắm mây vào những ngày mây xuống thấp và tiếp xúc mặt đất.
Như đã nói ở trên, vào mùa lạnh, mây thường xuống thấp và dễ tập trung lại thành khối hơn mùa nóng. Vì vậy mà mùa "săn mây" là mùa đông – xuân. Mùa mây thường bắt đầu vào mùa đông khi nhiệt độ thấp và cũng chỉ có mùa đông mới hội tụ đủ điều kiện có mây. Khi xuân sang, nhiệt độ tăng thì cũng là mùa mây kết thúc.
3. "Săn mây" ở đâu?
Để thấy được các tầng mây đẹp bạn phải lên trên cao, thường trên 2000m. Chính vì thế các vùng núi phía Bắc, cao nguyên và các đỉnh núi cao là nơi thích hợp để ngắm được các khung cảnh tuyệt đẹp trên tầng mây. Với các địa hình núi bao quanh các thung lũng, các dòng sông, suối và rừng cây rậm rạp sẽ là nơi tích tụ của hơi nước, trải qua nền nhiệt độ thấp ban đêm sẽ tạo thành sương mù dày đặc trong điều kiện thời tiết lạnh vào mùa đông và xuân. Khi đứng trong vùng này sẽ thấy sương mù còn nếu di chuyển lên độ cao nhất định sẽ thấy được các tầng mây.
– Các vùng cao nguyên (Đi xe động cơ): Y Tý – Sapa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Tà Xùa (Sơn La), Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt, Bạch Mã (Huế)…
– Các đỉnh núi (Phải trekking): Núi Muối – Kỳ Quan San (Bạch Mộc Lương Tử, Lào Cai), Lảo Thẩn (Y Tý, Lào Cai), Pha Luông (Mộc Châu), núi Quế (Quảng Nam), Langbiang – Bidoup (Đà Lạt), núi Bà Đen (Tây Ninh) …
4. Làm gì để "săn mây" hiệu quả?
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới, vào mùa đông – xuân khi nhiệt độ xuống thấp kết hợp với những ngày có độ ẩm cao sẽ có mây đặc.
– Tìm hiểu thời tiết vùng đất sắp đi, tham khảo qua những trang web dự báo trong và ngoài nước. Vào mùa khô, miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của gió mùa Đông Bắc hay còn gọi là khối không khí lạnh. Mỗi đợt như vậy sẽ gây mưa 1-2 ngày, sau đó trở rét và khô, nắng ấm và rồi lại nhiều mây mù ở tầng thấp. Do đó, sau đợt gió mùa, đợt rét tăng cường (thường có dự báo) chừng 1 đến 3 ngày (hết đợt mưa phùn) là thời điểm thích hợp nhất để "săn mây"
– Cần tìm hiểu phương hướng và địa hình để biết sơ qua về hướng mặt trời mọc, hướng đường đi, góc đứng ngắm hay chụp ảnh và các yếu tố phụ trợ khác. Có thể tham khảo Google Map, Google Earth và các phần mềm thiên văn sử dụng ngay trên smart phone. Thực tế đa phần đều phải tùy cơ ứng biến nhưng nếu có sự chuẩn bị sẽ khiến ta đỡ mất thời gian và dễ bắt được khoảnh khắc hơn.
– Đối với những người ngoài sở thích xê dịch còn đam mê với nhiếp ảnh thì sự chuẩn bị về máy ảnh, ống kính, kính lọc cũng là điều rất quan trọng để có thể lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất về mây.
Bách Nguyên (Theo Depplus)