Bố tôi mất đi để lại cho ba mẹ con một cơ ngơi rộng lớn ở Đông Anh. Em gái tôi đi lấy chồng tận trên Phú Thọ. Mọi người thường trêu tôi sau này lấy vợ tha hồ mà ở, không phải lo thiếu nhà cửa. Thời sinh viên tôi cũng trải qua vài mối tình nhưng đều không thành. Đến khi đi làm, tôi tình cờ gặp em. Trúng tiếng sét ái tình, tôi bắt đầu công cuộc chinh phục và cuối cùng cũng thành công. Tôi đưa mẹ đến nhà em hỏi vợ. Bố mẹ em đồng ý với một điều kiện là tôi phải ở rể vì em là con một trong nhà. Mẹ tôi giận ghê lắm, đường hoàng nhà cửa, đất đai ở Đông Anh rộng thênh thang mà phải để con đi ở rể thì thật mất mặt với họ hàng, xóm giềng. Tôi bàn bạc với em và đi đến quyết định, năm nay ở nhà em thì năm sau ở nhà tôi, cứ thế luân chuyển. Tôi về cố thuyết phục, năn nỉ mẹ đồng ý. Thương con nên mẹ tôi đành gật đầu. Một đám cưới linh đình được tổ chức và tôi bắt đầu những ngày đi ở rể.
Ảnh minh họa
Gia đình em có nề nếp và quy củ, giờ nào việc ấy. Sáng cả nhà cùng dậy sớm để ăn sáng rồi mới đi làm. Chiều đi làm về sau khi tắm rửa đúng giờ phải ngồi vào ăn. Đến giờ ngủ thì tất cả phải tắt đèn và ti vi. Ngày nào cũng phải như vậy, sai một chút là bố mẹ em sẽ tỏ ra không hài lòng. Ngày mệt hoặc được nghỉ có muốn ngủ nướng cũng bị bố mẹ em lên dựng dậy để ăn sáng. Buổi chiều anh em bạn bè ở cơ quan có rủ đi làm cốc bia thì tôi cũng phải lắc đầu từ chối để về cho kịp giờ. Họ có bóng gió khích bác rằng "chó chui gầm chạn phải thế" thì tôi cũng mặc. Buổi tối cuối tuần có muốn xem phim muộn cũng được bố mẹ đứng trước cửa phòng e hèm nhắc khéo.
Chiều tối tôi đã bước chân về đến nhà là không còn cơ hội ra ngoài. Có lần em đau bụng tháng nhưng vì hết đồ vệ sinh của phụ nữ nên nhờ tôi đi mua. Tôi xuống nhà xin phép bố mẹ em: "Con ra ngoài mua chút đồ". Bố em hỏi: "Đi mua gì mà đi giờ này, các cửa hàng đóng cửa hết rồi" còn mẹ em nhìn đồng hồ rồi dài giọng: "10h rồi còn ra đường". Tôi chẳng biết trả lời thế nào, chẳng lẽ nói toẹt ra là tôi đi mua gì. Hơn nữa lúc đó đồng hồ chỉ 9h35 nghĩa là chưa đến 10h và các cửa hàng tạp phẩm vẫn còn mở cửa. Tôi chỉ đáp con về ngay và đi ra đường. Khi tôi mua đồ về thì bố mẹ em nhìn tôi dò xét như tôi vừa gây ra một việc gì tội lỗi.
Chẳng hiểu sao từ ngày tôi về ở rể mà nhà lại có thêm nhiều tờ note (ghi chú) trên tường đến vậy. Có lần tôi quên không tắt máy nóng lạnh trong nhà tắm, hôm sau ở công tắc có một tờ note ghi: "Nhớ tắt công tắc nóng lạnh". Rồi lần tôi vội nghe điện thoại lỡ hất chén nước chè vào tường đá hoa ở chậu bếp, hôm sau tờ note ở bức tường ghi: "Không hắt nước chè lên tường". Tôi tự hỏi có phải bố mẹ em nghĩ tôi không thể hiểu bằng lời mà phải "nhắc nhở" kiểu như vậy.
Mẹ nấu ăn không ngon mà lại tiết kiệm. Người nhà em cũng thuộc dạng ăn ít. Tôi lại ăn rất khỏe vì sức thanh niên trai tráng. Một bữa nhà năm người lớn mà mẹ chặt có nửa con gà nhỏ, còn một nửa cất đi. Mọi khi ở nhà, một mình tôi cũng có thể ăn hết một con gà rồi. Chính vì thế mà tôi chỉ biết nhìn theo đĩa thịt mẹ cất đi mà nuốt nước miếng. Những món mẹ nấu dù không ngon nhưng tôi vẫn ăn bằng sạch vì đói. Nhiều đêm, bụng tôi réo ầm ầm. Tôi không dám kêu ca gì. Có nói thì em bảo: "Mẹ em khó tính lắm. Chỉ mua như thế thôi. Mình có mua thêm thức ăn về thì lại phật lòng. Để em nhắc khéo xem". Không riêng chuyện ăn uống mà những chuyện cảm thấy không thoải mái, tôi nói với em thì đều nhận được câu: "Để em nhắc khéo xem" rồi đâu lại hoàn đấy. Nói nhiều thành ra hai vợ chồng lại cãi nhau.
Ảnh minh họa
Những chuyện khác tôi đành "khuất mắt trông coi". Còn chuyện ăn uống, tôi nghĩ ra một giải pháp tình thế. Vì khoảng thời gian từ lúc tan làm đến lúc về đến nhà bố mẹ em đều căn rất kỹ nên tôi chỉ có thể tranh thủ tạt vào lề đường ăn vội bát phở hoặc vừa phóng xe vừa nhai bánh mì. Nhưng có những hôm bận làm về muộn thì chẳng kịp ăn gì. Tôi kể chuyện với thằng bạn thân cũng đi ở rể, nó hiến kế cho tôi: "Mày mua cái nồi đun nước nhỏ bằng điện của Trung Quốc ấy, với mua vài gói mì cất vào tủ quần áo. Đêm nào đói thì cắm điện lên cho mì vào đun. Tao toàn làm thế". Tôi nghe theo. Khi màn đêm buông xuống, tôi bảo vợ đi ngủ trước. Tôi bật cái đèn pin tí xíu ở điện thoại di động rọi một góc nhỏ trong phòng. Cắm điện, ngồi chờ nước sôi và thả mì. Tôi sung sướng vớt từng sợi mì nóng hổi giữa trời lạnh giá. Đang trong cơn ngon lành bỗng có tiếng chân vội vã rồi tiếng gõ cửa gấp gáp. Suýt thì tôi bị sặc sợi mì lên mũi. Tôi ngồi im nghe ngóng thì có tiếng bố gọi: "Này, hai đứa dậy đi. Sao nghe có mùi mì tôm ở đâu đây". Tôi nhón chân chạy lại giường ra dấu cho em rồi giả giọng ngái ngủ đáp: "Bọn con đang ngủ. Nhà bác Bình bên cạnh đang nấu mì tôm cho thằng con ăn, bọn con mở cửa sổ nên nó bay vào đấy ạ". Tôi nghe tiếng đáp lại của bố: "Thế hử" và phải một lúc sau mới có tiếng bước chân rời đi. Tôi vội vã húp nốt chỗ nước rồi thu dọn chiến trường. Mai phải cho cái nồi nhỏ và mấy gói mì vào túi đựng laptop phi tang ngay. Không ngờ bố thính mũi vậy. Kế hoạch "cải thiện" của tôi vậy là phá sản rồi.
Khang Phương