6h sáng, anh Hách - ông bố đơn thân nuôi 8 con sẽ dậy sớm nấu ăn, đưa con út đi học, rồi quay về giặt quần áo, nấu bữa trưa... công việc cứ quay cuồng chẳng một phút được nghỉ ngơi.
Tròn 4 năm, anh Nguyễn Văn Hách (44 tuổi) tại thôn Vũ Xá, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trở thành ông bố đơn thân với 8 người con (2 gái, 6 trai) đang tuổi ăn tuổi học, đứa nhỏ nhất khi ấy mới lên 2 tuổi. Đáng lẽ anh đã trở thành ông bố 9 con, nhưng ông trời không cho anh diễm phúc ấy, anh đã mất cả vợ lẫn con. Trải qua 4 năm, hiện con gái đầu của anh đã lấy chồng, 3 người con kế xin nghỉ học giữa chừng vừa đi học nghề vừa làm để mai sau kiếm tiền phụ bố nuôi các em, 4 người con còn lại đang tuổi ăn, tuổi học. Ngày ngày, anh vẫn đau đầu tìm cách kiếm thu nhập nuôi các con.
Hình ảnh 3 năm về trước khi vợ anh Hách mới mất chưa đầy 1 năm
Giặt nốt 2 chậu quần áo của 8 bố con, anh Hách dừng tay kể chuyện, cách đây 4 năm, người vợ tên Bích đang mang thai đứa con thứ 9. Chỉ còn hơn 1 tháng là đến ngày dự sinh, nhưng vợ anh vẫn ra đồng làm cố. Khi trên đường về nhà, đường gồ ghề không may bị ngã, về nhà chị Bích giấu, không dám nói. Mãi mấy ngày sau, chị lên cơn đau bụng dữ dội, khi ấy cả nhà mới đưa lên viện.
"Lúc đó tôi chỉ nghĩ vợ sinh sớm, nhưng lên viện thì bác sĩ yêu cầu chuyển viện luôn, tôi mới biết vợ bị lưu thai, không giữ được. Sau đó, vợ tôi được chuyển lên Hà Nội nhưng cũng không cứu được cả mẹ lẫn con. Vợ mất bỏ lại tôi với 8 đứa con nheo nhóc bơ vơ", anh Hách ngậm ngùi chia sẻ.
Từ khi mẹ mất, những đứa con của anh Hách từ hoạt bát trở nên ít nói, lầm lì. Chúng gặp người lạ là im bặt, nép vào tường giấu mặt, ai hỏi gì cũng không nói. Chỉ khi thấy bố, chúng mới nhanh chóng sà vào lòng rồi cười tươi như thể sợ bố cũng đi mất.
4 năm qua, quả thật là những năm khốn khó đối với 9 bố con: "Hồi mẹ các cháu mất, đứa út mới chưa đầy 2 tuổi, nó vẫn khát sữa mẹ, nửa đêm khóc đòi mẹ, nhiều đêm không ngủ vì con quấy đòi mẹ. Nhưng đứa khác đang độ tuổi học cấp 1, vẫn thỉnh thoảng hỏi mẹ đâu, tôi đành ngậm ngùi nói ‘mẹ mất rồi con à’, chúng im bặt từ đó" – anh Hách nhớ lại.
Chỉ vào căn nhà cấp 4 mới được anh em quyên góp, vay ngân hàng hộ, bởi căn nhà 3 gian cũ quá dột nát, tường bong tróc, có nhiều hôm gió lớn mái lật rơi xuống nhà nguy hiểm quá, anh Hách nói tiếp: "Đáng ra tôi chưa có gan xây nhà mới đâu, nhưng anh em động viên bảo: ‘Tao vay hộ cho, khi nào có trả tao dần, chứ ở nhà cũ chết lúc nào không hay’, tôi mới xây lên được hơn 1 năm nay lấy chỗ cho các con trú mưa, trú nắng an toàn".
4 năm qua, ông bố 8 con cứ tất bật lo cơm nước, quần áo hàng ngày cho các con
Xây được ngôi nhà, nhưng bên trong không có gì quý giá ngoài một chiếc bàn sắt, và vài ba chiếc ghế uống nước khi có khách.
4 năm qua, một mình anh chèo chống, chật vật vay mượn lo cho các con ăn học. Mấy sào ruộng do hợp tác xã cấp chỉ tạm đủ để mấy bố con có cơm ăn mỗi bữa. "Mỗi bữa, nhà tôi tốn khoảng 2,5 kg gạo nấu cơm cho các cháu, và phải nấu vào nồi to mới đủ. Đồ ăn, những hôm nào lĩnh lương mới mua cho các cháu bữa thịt, còn không thì có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Còn có những hôm rau không có mà ăn thì các cháu ăn cơm với nước mắm. Nhà nghèo, thương con, muốn lo cho con đầy đủ như người khác, nhưng tôi cũng đành bất lực", anh Hách thở dài tâm sự.
Vốn học ít, anh Hách đọc tên lần lượt 8 đứa con một cách khó khăn, thậm chí năm sinh của các con anh cũng không thể nhớ hết, phải lấy giấy khai sinh từng đứa mới tìm được tất cả thông tin của con. Nhớ đến đứa còn gái thứ 5 đang học lớp 4, nhưng hai mắt cận chẳng nhìn thấy gì, chỉ còn mức đi mổ, nhưng nhà chẳng có tiền ăn, lấy gì cho con đi viện, anh lại buồn rầu.
"Các con còn nhỏ tôi chẳng dám đi làm xa, chỉ ở nhà quanh quẩn với mấy sào ruộng, rồi loanh quanh giặt giũ 3-4 chậu quần áo của các ông tướng ấy, nấu cơm, đưa đón thằng út đi học cũng đã hết ngày. Hôm nào thứ 7, chủ nhật chúng nó ở nhà, không trông chúng nó lại làm loạn cả nhà lên mất", anh Hách chia sẻ.
Nhiều lúc anh nghĩ, tuyệt vọng, chán hay là chết cho rồi, nhưng chết thì con lại bơ vơ: "Lắm lúc nghĩ cơm cho con mình ăn còn không bằng nhà người ta cho chó ăn, tủi nhục lắm cô ạ!".
Mặc dù đã xây căn nhà cấp 4 "xịn" hơn, anh Hách vẫn giữ ngôi nhà cũ làm bếp và nhà kho
Nhiều đêm anh khóc thầm, tự trách bản thân vì làm bố nhưng không thể mang lại cho các con một mái ấm đầy đủ, để các con phải nhếch nhác, cơm không được ăn ngon, quần áo mặc đồ đi xin, đi học bị cô giáo đòi tiền đến mức lì mặt.
"Nhà tôi được hộ nghèo, tiền học phí không phải đóng, nhưng tiền sách vở, và những khoản khác vẫn phải đóng. Nhưng nhà có đồng nào đâu, mỗi khi cô giáo đòi tôi cứ lì ra không đóng, cô giáo đòi suốt khiến mấy đứa chúng nó cũng buồn theo, về nhà đòi nghỉ học. Tôi cứ động viên con cố đi học rồi bố vay mượn đóng cho, rồi tối lại vắt óc suy nghĩ chẳng biết làm thế nào. Có đứa út một tháng tốn hơn 500 nghìn ăn ở trường là tôi bắt buộc cố phải xoay cho con. Mấy hôm trước tôi còn hỏi vay đứa đầu 1 triệu để mua sách cho các em, mà nó mới sinh cũng chẳng có tiền nên tôi cũng ngại", ông bố 8 con tâm sự.
Nhiều người khuyên anh đi bước nữa nhưng anh chẳng dám nghĩ đến. Anh chỉ cố gắng làm lụng, dạy bảo các con ngoan ngoãn, biết cái chữ để sau này con nên người. Vả lại số tiền họ hàng vay nợ giúp mỗi kỳ phải chạy vạy trả lãi, rồi dần dần các con lớn hơn, anh đi làm trả nợ: "Tôi cũng nghĩ, năm sau thằng út vào lớp 1, để các anh chị nó đưa đi học, rồi tôi sẽ tìm việc gần nhà làm kiếm thêm thu nhập cho bố con cải thiện bữa ăn trước, sau đó mọi chuyện tính sau".
Hiện tài sản lớn nhất của anh là 8 người con, anh luôn tự hào vì các con đều ngoan ngoãn, nghe lời và yêu thương nhau. Anh cũng tự hào mình là "ông bố quốc dân" chưa bao giờ đánh một đứa nào, chỉ mắng thôi là chúng đã sợ lắm rồi… Cuộc sống gia đình còn khó khăn là thế, vừa phải làm bố, vừa phải làm mẹ nhưng có các con làm động lực, anh Hách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, sẽ cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn, vì "con cái là lộc trời cho".
Khánh Chi (tổng hợp)