Cuộc đời chỉ như một lần chớp mắt; có những điều khi bạn nhìn lại sẽ chẳng còn nghĩa lý hay bận tâm. Bạn không nhận ra rằng mình đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vô nghĩa cho tới khi soi thấy mình trong 9 điều dưới đây.
Thời gian, chắc chắn luôn có giá trị hơn tiền bạc. Chúng ta không nhận ra giá trị thời gian cho tới khi thời gian không còn. Học cách xếp thời gian biểu trong một ngày thì dễ nhưng bài học phân bổ thời gian cho một quãng đời dường như rất khó. Đôi khi, chúng ta "ăn lận" thời gian cho những điều có giá trị vào những điều vô nghĩa.
Lãng phí thời gian, về bản chất không phải chỉ là mất thời gian mà giống như "lãi kép" – chỉ có điều ở đây là lỗ: Bạn mất thời gian, ảnh hưởng tinh thần, dung nạp vào đầu những thứ độc hại rồi lại mất công để "detox" bản thân. Nếu hiểu được rằng 10 điều dưới đây không đáng để bạn bận tâm, không chỉ thời gian được cứu rỗi, bạn cũng thấy cuộc sống thêm phần hạnh phúc khi bớt đi những điều độc hại.
Luôn cảm thấy bị xúc phạm
Việc cảm thấy bị xúc phạm thực sự là một sự lựa chọn – chúng ta để những suy nghĩ, lời nói và hành động của người khác tác động đến tâm trí và cảm xúc của bản thân. Có những người luôn trong cơ thế phòng vệ và lúc nào cũng bị tổn thương vì người khác.
Phải chấp nhận sự thật rằng, không phải ai cũng yêu quý bạn và sẽ luôn có những điều nói xấu, dè bỉu, rẻ rúng đâu đó quanh đây. Việc người khác nói xấu bạn chưa chắc là lỗi của bạn, nhưng việc để bản thân bị tổn thương là lựa chọn của bạn. Thực hành khoan dung, hiểu bản thân mình để biết rằng những điều đó không phản ánh bản chất con người bạn là cách tốt để không lãng phí thời gian cho nỗi buồn hay nỗi khổ tinh thần.
Nghĩ rằng ý tưởng của bạn luôn độc đáo
Bạn viết ra một câu chuyện, trình bày ý tưởng trong một cuộc họp, đề xuất ý kiến với đối tác với suy nghĩ rằng "Đó thực sự là ý tưởng độc đáo" và rồi bùm: Không ai like, không ai đồng ý, ý tưởng bị bác bỏ. Bạn mất cả ngày để tự vấn "tại sao ý tưởng độc đáo thế còn bị chê".
Thế giới bạn đang sống là một sự tuần hoàn ý tưởng khi sự mới mẻ nguyên thủy gần như là điều không có. Chúng ta tiếp nhận ý tưởng từ bên ngoài, một cách vô thức nhiều hơn là có ý thức. Đừng nghĩ rằng ý tưởng của mình luôn là độc đáo và cũng đừng buồn nếu nó bị từ chối, thời gian đó hãy ngồi ngẫm nghĩ xem đâu mới thực sự là ý tưởng được số đông yêu thích.
Tôi đã từng làm một công việc mà một ngày mới bắt đầu lúc 8h và chỉ thực sự kết thúc lúc khoảng 12h đêm. Cho đến khi tôi nghỉ việc, tưởng rằng mình sẽ thoát khỏi sự bận rộn thường trực đó nhưng không phải, suy nghĩ của chúng ta vẫn nghĩ về công việc quá nhiều. Bạn hỏi ai đó lâu ngày chưa gặp "công việc dạo này thế nào", việc ở nhà tạm vì dịch COVID khiến bạn tuyệt vọng với lý do lớn là không được đi làm, công việc từ bao giờ trở thành công cụ định giá một con người. Đó là biểu hiện của việc chúng ta đang để bản thân bị công việc chi phối quá nhiều.
Đừng chơi xếp hình với một mảnh ghép khi cuộc đời của bạn rõ ràng là một bức tranh vài nghìn miếng; công việc không phải điều duy nhất.
Tranh cãi trên mạng xã hội
Ai cũng từng lao vào những cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội, thức đêm để bảo vệ thần tượng trước đám antifan hung hãn. Chúng ta lớn lên và thấy mình vẫn đang tranh cãi, chỉ là về những vấn đề lớn hơn như chính trị, lịch sử, xã hội.
Nhưng ai cũng hiểu rằng điều đó không đáng chút nào.
Không ai thực sự nghiêm túc để tâm đến những điều bạn nói trên mạng, thứ quan tâm duy nhất của mọi người là thể hiện quan điểm và cái tôi cá nhân. Mạng xã hội sinh ra để thúc đẩy những phương thức tranh luận không lành mạnh và gần như không bao giờ có một cái kết "có hậu". Đừng tốn thời gian cuộc đời để cố gào lên với ai đó "Thần tượng của tôi hát rất hay".
Những người sẽ không bao giờ bị thu hút bởi bạn
Hãy hỏi những người yêu đơn phương không thành, bạn sẽ rõ hơn hết việc chúng ta sẽ tiêu tốn thời gian như nào vào việc cố gắng có được một ai đó dù họ không bận tâm tới mình. Tất nhiên người ta có thể nói rằng yêu đơn phương cho người ta nhiều bài học nhưng với tôi đó là bài học quá đắt về thời gian và cảm xúc. Có nhiều người khác, đơn thuần chỉ muốn thu hút sự chú ý của sếp, của một người bạn mới quen… dù biết rằng người ta không bao giờ bị thu hút bởi bạn.
Thay vì cố gắng gây ấn tượng với người khác, hãy nỗ lực để gây ấn tượng với chính bản thân mình. Khoản đầu tư thời gian đó sẽ thực sự hiệu quả hơn nhiều.
Con đường tới với thành công trong sự nghiệp hiếm khi có lối tắt, như sự xu nịnh sếp hay chiêu trò để vươn lên. Đừng cố gắng đeo đuổi danh vọng chốn công sở bằng chiêu trò. Trong tất cả những chỗ đứng trong cuộc sống thì chỗ đứng trong công việc là thứ mỏng manh nhất khi ngày mai bạn có thể bị đuổi việc – một khi ông sếp hay nâng đỡ bạn cũng cuốn gói ra đi.
Tôi nghĩ chỉ có 2 giải pháp thay thế cho sự lãng phí thời gian này. Một là gây dựng danh vọng bằng năng lực, vì không phải ở doanh nghiệp này thì bạn cũng sẽ thành công ở chỗ khác. Và hai, hãy tự tạo cho mình một nơi để tỏa sáng thay vì để ánh đèn của người khác chiếu lên mình. Bạn là một mặt trời, không phải những ngôi sao chỉ được mặt trời chiếu rọi.
Thể hiện thái độ thù ghét
Lãng phí thời gian để ghét bỏ người khác thực sự lấy mất đi thời gian và tiềm năng của bạn. Mỗi phút bạn dành ra để ghét ai đó, nói xấu ai đó, sao không dành thời gian để đọc gì hay chơi thể thao?
Lý luận của họ rằng việc nói xấu người khác khiến họ thấy "thoải mái". Kỳ thực bạn chỉ đang ve vuốt cái tôi của mình bằng cách nhấn chìm người khác xuống. Những người nói xấu người khác luôn tự ti và đánh giá thấp bản thân và việc nói xấu là cách để tự trấn an mình. Về lâu dài, nó chỉ khiến bạn trượt dài trong sự lép vế và sợ hãi.
Chờ đợi "đúng thời điểm"
Sẽ không bao giờ có một thời điểm đúng để làm điều gì. Thời điểm đúng là thời điểm bạn bắt đầu làm nó.
Bạn đã mệt mỏi chưa với việc đặt cuộc sống của mình trong tay một người khác hay định mệnh? Chờ đúng thời điểm để yêu? chờ đúng thời điểm để bắt đầu công việc mới? Đồng ý là bạn có thể chờ "đúng thời điểm" để làm (như việc nghỉ việc sau Tết để nhận thưởng) nhưng chờ tới được lúc đó, bạn đã phải chịu đựng khá nhiều sự khổ sở vì công việc chán, sếp chán hay hơn cả là động lực muốn thay đổi. Liệu nó còn "đúng thời điểm" nữa không?
Đổ lỗi cho các ứng dụng hẹn hò
Xóa đi rồi tải lại, xóa đi rồi tải lại – tôi thấy thói quen sử dụng ứng dụng hẹn hò của nhiều người như vậy. Mỗi lần xóa đi, họ lại bực tức nói: "Mấy tình yêu kiểu này thực sự chẳng tới đâu vào đâu". Bạn đổ lỗi cho ứng dụng hẹn hò nếu tình yêu Tinder của bạn trượt dốc.
Chúng ta sẽ luôn tìm cách đổ lỗi cho điều gì đó nếu tình yêu kết thúc, trừ đổ lỗi cho chính mình. Đó chính là điều không hề công bằng.
Đừng tốn thời gian đổ lỗi cho các ứng dụng hẹn hò nếu tình yêu của bạn không thành. Lỗi cũng không ở các vì sao, lỗi ở bạn. Thay vì tức tối với Tinder, hãy ngồi tự soi xét bản thân, để rồi sau đó khoan dùng cho cả dating app lẫn chính mình.
Khánh Chi (tổng hợp)