Chế độ ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành sỏi thận tiết niệu. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp phòng và giảm nguy cơ tái phát sỏi...
Uống nhiều nước
Chúng ta thường không ngờ rằng bệnh sỏi thận có liên quan đến sự tăng lên của nhiệt độ thời tiết và độ ẩm không khí. Trên thực tế tỉ lệ bệnh nhân bị sỏi thận tăng lên 40% trong mùa hè do sự gia tăng nhiệt độ. Khí hậu, nhiệt độ và độ ẩm là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành sỏi thận. Những người làm việc trong môi trường nóng hoặc có một thói quen uống không đủ nước sẽ dễ bị sỏi thận. Đặc biệt, nhiệt độ tăng lên 5 – 7 độ sẽ làm tăng 30% các vấn đề liên quan đến bệnh sỏi thận. Khi một người di chuyển từ vùng có nhiệt độ trung bình đến khu vực có khí hậu nóng hơn thì sự hình thành sỏi thận càng rõ hơn. Chính vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh sỏi thận đặc biệt cao ở những vùng có khí hậu khô, nóng.
Sỏi thận hình thành do cơ thể bị mất nước, mà sự gia tăng nhiệt độ là một nguyên nhân dẫn đến mất nước. Mất nước làm cho nước tiểu đặc hơn, do đó gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy uống nhiều nước là phương pháp phòng ngừa sỏi thận hiệu quả, an toàn và đơn giản nhất.
Nước ta có khí hậu nóng nên đổ mồ hôi nhiều, nước tiểu sẽ cô đặc lại dễ tạo sỏi nên chúng ta cần uống nhiều nước để nước tiểu loãng ra. Mỗi ngày cần uống khoảng từ 2,5 – 3 lít nước lọc hoặc ăn uống làm sao cho lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít một ngày. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân dễ bị sỏi tái phát do không áp dụng đúng việc uống nước đủ và đều. Cần uống đủ và nhất là phân chia lượng nước uống đều trong cả ngày lẫn đêm để giảm độ cô đặc của nước tiểu, nhất là về buổi sáng.
Một số kinh nghiệm nhỏ rất hữu ích đó là thường xuyên đem theo những chai nước nhỏ khi ra khỏi nhà, uống nước trước và sau khi đi tiểu, uống trước khi ngủ và ngay khi tỉnh dậy… Nên uống nhiều nước cam, nước chanh tươi – hai loại thức uống này có chứa nhiều citrat là chất giúp chống lại sự tạo thành sỏi niệu. Sỏi thận hình thành khi các thành phần của nước tiểu là các chất khoáng, chất lỏng và axit bị mất cân bằng. Tức là lúc này hàm lượng các chất như canxi, oxalat và axit uric trong nước tiểu rất nhiều.
Bình thường, các chất này có thể được hòa tan bởi chất citrate. Khi không được hòa tan, chúng sẽ kết hợp với nhau tạo thành sỏi ở thận. Nước chanh, nước cam giúp nâng cao mức citrate trong nước tiểu nên có thể giúp phòng ngừa sỏi oxalat canxi, cũng như sỏi axit uric.
Ăn ít muối, ăn chất đạm vừa phải
Chế độ ăn nhiều muối có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh, trong đó có sỏi thận. Tiêu thụ nhiều muối (sodium) làm tăng sự bài tiết canxi của thận. Thực phẩm chứa nhiều muối và đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất calcium và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra, chúng còn làm giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi. Mặt khác, thực phẩm ít muối và ít đạm động vật cũng giúp chúng ta tránh các bệnh về tim mạch như: Tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành. Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin như: Hải sản, thịt các loại, các loại phủ tạng động vật… Những thực phẩm này chứa nhiều purin, đó là những chất tự nhiên chuyển hóa hoặc phân hủy thành axit uric trong nước tiểu và góp phần hình thành sỏi thận. Hạn chế ăn các thực phẩm này sẽ giảm nguy cơ hàm lượng axit uric trong nước tiểu nên cũng phòng được bệnh sỏi thận.
Thận có chức năng bỏ bớt lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, gọi là nước tiểu. Khi ăn thừa muối, hàm lượng muối trong lòng mạch máu tăng cao hơn bình thường và làm mất sự cân bằng muối trong cơ thể, khiến thận phải thải muối cùng với nước qua nước tiểu. Nếu phải làm việc trong một thời gian dài, thận sẽ trở nên yếu đi. Do vậy chế độ ăn giảm muối giúp giảm gánh nặng cho thận, phòng ngừa suy thận
Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận… Hiện nay, đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5 gam muối/ngày. Do vậy cần chú ý giảm các loại gia vị mặn chứa nhiều muối được cho vào trong quá trình nấu ăn; hạn chế ăn các món kho, rim, rang; hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối như giò, chả, xúc xích, thịt xông khói, mì ăn liền, bánh mì, bim bim, các món ăn rang muối, dưa cà muối, cá khô…; hạn chế chấm nước mắm, muối, bột canh, tốt nhất là khi ăn các loại nước chấm thì nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác bù cho vị mặn sẽ được bớt đi.
Sỏi thận hình thành do cơ thể bị mất nước, mà sự gia tăng nhiệt độ là một nguyên nhân dẫn đến mất nước. Mất nước làm cho nước tiểu đặc hơn, do đó gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ăn đủ các thực phẩm có chứa nhiều canxi
Nhiều người có quan niệm là ăn thực phẩm có chứa nhiều canxi là nguyên nhân gây sỏi thận – tiết niệu là không đúng. Vì kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa calcium sẽ gây mất cân bằng trong việc hấp thụ calcium, khiến cho cơ thể tái hấp thụ nhiều oxalat từ ruột và sẽ tạo ra sỏi niệu. Lượng calcium ăn vào khoảng 800 – 1.300mg/ngày sẽ làm giảm sự bài tiết oxalat trong nước tiểu. Vì vậy ăn uống điều độ thực phẩm có chứa nhiều calcium cũng là cách phòng ngừa sỏi thận tiết niệu. Sữa tươi chứa nhiều calcium, mỗi ngày chúng ta có thể dùng 2 – 3 cốc sữa tươi hoặc một số lượng tương đương sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai…
Ăn nhiều rau tươi, thức ăn đa dạng, cân bằng
Chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hóa nhanh, hạn chế ứ đọng trong ruột, hạn chế sự tái hấp thụ oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng bài tiết citrat chống lại sỏi tiết niệu.
Thức ăn cần được phân đều trong nhiều bữa ăn trong ngày nhằm bảo đảm dinh dưỡng mà không gây tăng đậm độ nước tiểu quá cao. Những bệnh nhân bị sỏi tái phát thường có thói quen xấu là ăn quá nhiều muối và đạm trong khi đó lại thiếu rau và nước. Sỏi tái phát thường gặp ở những người chỉ dùng một bữa chính trong ngày, chủ yếu là bữa tối. Bữa sáng thường ít, bữa trưa chủ yếu là thức ăn nhanh trong khi đó bữa tối lại quá nhiều chất bổ, đặc biệt là đạm và chất khoáng.
Việc phân bố các bữa ăn trong ngày rất quan trọng nhằm cung cấp dinh dưỡng và giữ đậm độ nước tiểu hợp lý. Cần có ít nhất 3 bữa trong ngày thay đổi với sự cân đối các loại thức ăn cần thiết sau: Sữa và các sản phẩm của sữa, thịt, cá, trứng; tinh bột; rau xanh; hoa quả; chất béo.
Hạn chế uống trà, cà phê.
Nên tránh tiêu thụ quá nhiều các loại đồ ăn, uống chứa caffeine như cà phê, trà, thuốc lá… vì chúng chính là nguyên nhân khiến cơ thể bạn bị mất nước ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn vẫn bổ sung nước đầy đủ. Vì thiếu nước chính là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến bệnh sỏi thận.
Bách Nguyên (Theo Suckhoedoisong)