Ra máu âm đạo không phải kỳ kinh nguyệt, hoặc phụ nữ đã mãn kinh có biểu hiện ra máu âm đạo là dấu hiệu bất thường báo hiệu có thể mắc bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư nội mạc tử cung.
1. Ung thư nội mạc tử cung là gì?
Tử cung là một tạng rỗng, có hình dạng như quả lê, là bộ phận thuộc cơ quan sinh sản của phụ nữ. Tử cung là nơi phôi thai làm tổ và phát triển thành thai nhi trong quá trình mang thai của người phụ nữ.
Nội mạc tử cung: là lớp niêm mạc bao phủ toàn bộ mặt trong tử cung, có vai trò quan trọng trong việc thụ thai và bảo vệ quá trình mang thai ở phụ nữ. Hàng tháng dưới sự tác động của hormon sinh dục nữ, lớp niêm mạc tử cung sẽ phát triển dày lên, sẵn sàng nhận trứng thụ tinh làm tổ. Nếu sự thụ tinh không xảy ra, lớp nội mạc tử cung sẽ tự bong ra, gây ra sự hành kinh.
Sau khi kinh nguyệt kết thúc, lớp niêm mạc tử cung sẽ được tái tạo mới. Trong thời gian mang thai, lớp niêm mạc tử cung dày lên, trở thành lớp rất đặc biệt gọi là màng rụng vừa bảo vệ vừa cung cấp chất dinh dưỡng giúp phôi thai, nhau thai phát triển.
Ung thư nội mạc tử cung (còn gọi là ung thư biểu mô nội mạc tử cung ) bắt đầu từ các tế bào của lớp nội mạc tử cung. Đây là loại ung thư phổ biến nhất trong tử cung.
Ung thư nội mạc tử cung có thể được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên cách nhìn của tế bào dưới kính hiển vi, bao gồm: ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư biểu mô chuyển tiếp, ung thư biểu mô… Ung thư biểu mô tuyến chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ung thư nội mạc tử cung.
Hiện tượng ra máu âm đạo bất thường không phải kỳ kinh nguyệt hoặc phụ nữ đã mãn kinh có biểu hiện ra máu âm đạo có thể có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Đây là triệu chứng phổ biến nhất.
Những yếu tố nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung
Ngoài ra có thể có các biểu hiện khác như: tiết dịch âm đạo, đi tiểu khó hoặc đau, đau khi giao hợp, đau vùng chậu…
– Tiết dịch âm đạo: Tiết dịch âm đạo không lẫn máu cũng có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung cần đi khám.
– Đau vùng chậu, khối u và sụt cân: Đau ở xương chậu, cảm thấy có khối u và giảm cân không rõ lý do cũng có thể là các triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Các triệu chứng này phổ biến hơn trong giai đoạn sau của bệnh.
3. Làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư nội mạc tử cung?
Các dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh sản đều có thể là dấu hiệu bệnh lý. Đặc biệt khi có triệu chứng ra máu âm đạo bất thường không phải kỳ kinh nguyệt hoặc phụ nữ đã mãn kinh có biểu hiện ra máu âm đạo cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám, làm các xét nghiệm như siêu âm, nội soi tử cung, sinh thiết tổn thương… để chẩn đoán có phải mắc ung thư nội mạc tử cung hay không.
Khi được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung, hầu hết các bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung và phần phụ hai bên. Một số được điều trị bằng tia xạ (còn gọi là xạ trị), hóa trị. Một số được điều trị bằng liệu pháp hormone hoặc phối hợp các phương pháp này.
Giai đoạn (mức độ) của ung thư nội mạc tử cung là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm khi ung thư chỉ ở trong tử cung, chưa lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc các vị trí xa có ý nghĩa rất quan trọng giúp bệnh nhân có kết quả điều trị tốt.
Ngoài ra có một số yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, bệnh nhân có dự định có con hay không…
Bác sĩ sẽ trao đổi chi tiết với bệnh nhân về các phương pháp điều trị và kết quả sẽ đạt được. Người bệnh không nên quá lo lắng, bi quan mà cần phối hợp với bác sĩ để có biện pháp điều trị tốt nhất. Trong quá trình điều trị cần ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)