Bạn đời tự ý đưa quyết định, đăng ảnh xấu của bạn lên mạng xã hội mà không báo trước... khiến lòng tự tôn của bạn giảm đi.
Theo các nhà tâm lý học, lòng tự trọng (tự tôn) và sự tự tin là những khái niệm khác nhau. Chúng ta có thể rất tự tin nhưng cũng có thể có lòng tự trọng không cao. Ví dụ, một số nghệ sĩ có thể tự tin biểu diễn trước hàng nghìn khán giả nhưng sau đó lại tự hủy hoại bản thân bằng lối sống không lành mạnh. Trong một mối quan hệ, lòng tự trọng của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi bạn đời, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy nửa kia đang phá hủy lòng tự trọng của bạn.
Luôn chủ động đưa ra quyết định
Nếu nửa kia tự ý quyết định một lựa chọn nào, họ đang gửi tín hiệu cho bạn rằng ý kiến của bạn không đáng để họ bận tâm, bởi vì họ cho là bạn không đủ hiểu biết về chủ đề này. Điều này có thể bao gồm từ việc chọn rèm cửa mới cho căn hộ đến quyết định về nơi nghỉ dưỡng đều là sự lựa chọn của họ.
Chọn ảnh để đăng lên mạng xã hội mà không hỏi ý kiến bạn
Nửa kia có thể khiến bạn thấy như "được tắm trong mật ngọt" khi họ nói thích vẻ ngoài của bạn kể cả khi bạn mệt mỏi, ốm yếu. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông xã hội khiến cuộc sống của bạn trở nên công khai và vì thế, nhiều lúc bạn không muốn người khác xem được những bức ảnh mà bạn cho là không đẹp. Khi nửa kia không hỏi bạn trước khi đăng tải những bức ảnh này, tức là họ muốn bạn thấy bản thân đang ở trong một điều kiện tồi tệ, còn họ đang "tỏa sáng" hơn bạn. Đây có thể là một cách hạ thấp hình ảnh của bạn. Ngay cả khi họ không có ý gì khi đăng những hình ảnh như vậy lên mạng nhưng tốt hơn hết là hai vợ chồng nên cùng quyết định sẽ đăng tải hình ảnh nào công khai.
Gây gián đoạn khi bạn đang nói
Việc ngắt lời người đang nói được xem là một hành động thô lỗ. Đôi khi đối phương không có chủ đích gì trong chuyện này, họ chỉ đang phấn khích hoặc sợ sẽ quên những gì mình định nói. Nhưng phần lớn trường hợp, việc bị ngắt lời mang đến cảm giác đối phương không lắng nghe bạn và họ cố gắng nói một điều gì đó không quan trọng. Còn điều gì tồi tệ hơn việc bạn nhận ra rằng không ai thực sự quan tâm đến những gì bạn đang cố gắng truyền tải?
Đặt nghi vấn về quyết định của bạn
Đôi khi, nửa kia phản đối những quyết định nhỏ của bạn. Ví dụ như đặt câu hỏi liệu trang phục của bạn có phù hợp với thời tiết hay không. Một số người còn tư vấn nửa kia rằng: "Em yêu, em đừng bao giờ chuyển việc. Việc em đang làm thật tuyệt và anh nghĩ sẽ rất nhiều người thích làm việc ở đó".
Bề ngoài, các câu hỏi, lời nói của nửa kia nghe chừng ẩn chứa nhiều ý tốt nhưng nếu họ lặp đi lặp lại nó hàng triệu lần, điều đó có thể khiến bạn nghĩ rằng: "Anh ấy đang nghĩ mình là một đứa trẻ và không thể đưa ra quyết định đúng đắn". Do nửa kia thường xuyên nghi ngờ bạn, họ khiến bạn nghĩ rằng chính bạn không có khả năng hành động độc lập và có thể đang "giết chết" khả năng tự ra quyết định của bạn.
Biểu lộ ngôn ngữ cơ thể tiêu cực
Ngôn ngữ cơ thể là một "vũ khí" mạnh mẽ thể hiện suy nghĩ của một người ra ngoài. Nếu nửa kia thường xuyên đảo mắt khi trò chuyện với bạn, đôi mắt của họ gửi đi tín hiệu "Điều anh/em vừa nói thật nực cười" hoặc được diễn dịch theo cách khác: "Anh/em thật ngu ngốc và trong suy nghĩ của tôi, tôi coi thường anh/em".
Nếu nửa kia khoanh tay, nhìn vào màn hình điện thoại khi bạn đang trò chuyện với họ hoặc tỏ vẻ mất tập trung, tức là họ đang ra hiệu cho bạn rằng: "Tôi không quan tâm tới điều bạn nói", "Đừng nói nữa".
Không mấy quan tâm tới những việc có ý nghĩa lớn với bạn
Có thể bạn là một ca sĩ nghiệp dư, một nghệ sĩ và rất mong nửa kia tới ủng hộ trong buổi biểu diễn của mình. Hoặc đơn giản là bạn muốn họ cùng bạn thực hiện một số thói quen sinh hoạt trong nhà hoặc đi dạo bộ cùng nhau. Tuy nhiên, họ nói ghét nghệ thuật hoặc thích ở nhà hơn ra ngoài, còn ngôn ngữ cơ thể của họ biểu hiện rằng: "Tôi thà chết chứ không cùng bạn làm việc mà bạn muốn". Trong một mối quan hệ, việc bị nửa kia phớt lờ có thể làm tổn thương sự tự tin của bạn.
Đưa ra các gợi ý tiêu cực
Nửa kia có thể cố chấp đề nghị bạn làm những việc khác thay vì những hoạt động mà bạn đã chọn. Bạn sẽ không cảm thấy vấn đề gì cho tới một ngày bạn nhận ra mình không bao giờ được làm gì theo ý mình. Ngược lại, nếu bạn đời đợi đến khi bạn đưa ra một gợi ý cụ thể, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy họ tin tưởng sự lựa chọn của bạn.
Nói chuyện với bạn như thể bạn là một đứa trẻ
Bạn có thể cảm thấy không dễ chịu, xấu hổ và bị coi thường khi nửa kia nói chuyện với bạn như vậy ở nơi đông người hoặc nơi riêng tư. Sự giao tiếp thiếu cân bằng khiến bạn cảm thấy bị hạ thấp và vô giá trị. Nếu bạn đời đang nói chuyện với bạn theo cách này, họ đang không cho bạn sự tôn trọng mà bạn xứng đáng nhận được.
Nửa kia nói ‘Không’ với phần lớn ý tưởng mà bạn đưa ra
Nếu người ấy từ chối phần lớn đề xuất của bạn đồng nghĩa với việc họ không khuyến khích, ủng hộ bạn. Điều này có thể làm sụp đổ lòng tự tôn của bạn. Khi bạn phải nghe câu nói "Không" với mỗi đề xuất của mình, bạn sẽ khó có cảm giác là bạn có ý tưởng hay. Cuối cùng, bạn cảm thấy mình không có sự tự do để tìm kiếm hạnh phúc, sự thoải mái.
Kiểm tra hoặc làm lại những việc mà đối phương đã làm
Nếu bạn dõi theo nửa kia và kiểm tra hoặc làm lại mọi thứ họ vừa làm, nghĩa là bạn đang ngầm nói với họ rằng họ đã không làm đúng một điều gì đó. Mặc dù đôi lúc việc kiểm tra lại là tốt, đặc biệt là các vấn đề an ninh an toàn, nhưng nếu nửa kia đã hoàn thành công việc một cách tốt đẹp, bạn không nên hạ thấp các nỗ lực của bạn đời. Nếu bạn cảm thấy không thể chịu đựng nổi việc họ đã làm sai, hãy rửa lại bát đĩa hoặc dọn ga giường khi họ không có mặt, không nhìn thấy việc bạn làm.
Họ khiến bạn phải đoán mò vì lời nói không ăn nhập hành động
Nửa kia có thể đề nghị bạn cùng đi xem phim, mua đồ nội thất và bạn cảm thấy vui vẻ vì sẽ có khoảng thời gian bên nhau để cùng làm gì đó cho ngôi nhà của mình. Sau đó, họ đột ngột thay đổi ý định, đề nghị bạn dời ngày hoặc hủy bỏ kế hoạch đó mà không có lý do. Điều này khiến bạn cảm thấy mình đáng trách vì sự thay đổi đột ngột này. Bạn sẽ phải lăn tăn xem mình đã nói sai điều gì khiến họ thay đổi quyết định. Hành vi này làm giảm giá trị của bản thân bạn rất nhiều.
Họ cho bạn quá nhiều lời khuyên hoặc đề nghị giúp đỡ quá nhiều
Nếu bạn thành công ở một lĩnh vực nào đó, nửa kia có thể cảm thấy sự cạnh tranh, kìm hãm bạn vì ghen tị với các thành công của bạn. Kiểu thái độ này làm tiêu hao sự tự tin ở bạn. Họ có thể liên tục đề nghị giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên cho bạn chỉ để chứng tỏ rằng họ hiểu rõ và có thể làm tốt hơn bạn. Với sự can thiệp này, bạn khó theo đuổi ước mơ của mình hoặc đạt được thành công bởi vì bạn luôn do dự. Bạn bắt đầu cảm thấy lúc nào cũng cần tới lời khuyên của họ vì kiến thức, kĩ năng của bạn không đủ.
Nửa kia từ chối tranh luận
Nếu nửa kia từ chối thảo luận, điều này có nghĩa là họ không nghĩ vấn đề ấy đáng để bàn. Nếu họ luôn kết thúc tranh luận hoặc nói những câu đại loại: "Anh/em không muốn tranh cãi về vấn đề này" thì thông điệp mà họ muốn đưa ra là họ luôn đúng hoặc đơn giản là họ không quan tâm đến vấn đề ấy. Điều này khiến bạn nhụt chí, không có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình.
Họ khiến bạn cảm thấy có lỗi vì cảm xúc của họ
Nửa kia có thể gặp căng thẳng trong cuộc sống, buồn phiền vì công việc hoặc lo lắng điều gì đó. Nhưng họ không có quyền trút các cảm xúc ấy lên bạn. Khi họ buồn, thiếu kiên nhẫn, họ khiến bạn cảm thấy đó là lỗi do bạn.
Hạnh phúc của người ấy không thuộc về phạm vi quản lý của bạn và tất nhiên họ cần thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Nhưng điều này cần được thể hiện đúng cách để tránh tình trạng bạn tự nhận lỗi về mình.
Tình yêu của nửa kia với bạn có điều kiện đi kèm
Nếu bạn thường xuyên phải níu kéo tình yêu, sự chấp thuận của đối phương, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mình chưa đủ tốt với họ. Bạn thức dậy mỗi sáng để cố làm những điều đúng đắn mà họ nghĩ. Đó không phải là dấu hiệu của mối quan hệ lành mạnh. Nửa kia không có hành động yêu thương bạn. Do đó, bạn không nên bước vào một mối quan hệ mà bạn phải liên tục thể hiện để được yêu thương. Bạn xứng đáng được yêu vì con người của mình chứ không phải là những gì mà bạn có thể làm được cho đối phương.
Khánh Chi (tổng hợp)