Xé tờ lịch treo tường ngày 14/3/2018, chị Nguyễn Thị Thu Nhàn xếp cạnh những bức ảnh kỷ niệm với ông Stephen Hawking chị đã giữ gìn cẩn thận 20 năm qua. "Để luôn nhớ ngày này bố mình ra đi", chị cho biết. Dù trên giấy tờ, chị là con đỡ đầu của ông, nhưng ông luôn gọi chị là con nuôi.
Sáng hôm đó, đang đứng trong bếp, chị sững người khi được một phóng viên báo về sự việc xảy ra cách đây hơn 9.000 km. Người bố thứ hai của chị qua đời ở tuổi 76 vào rạng sáng 14/3 tại Cambridge, Anh. Ông Hawking sinh trùng ngày mất của nhà thiên văn học, vật lý học Italy Galileo (8/1) và mất trùng ngày sinh của thiên tài vật lý Đức Albert Einstein, cũng là ngày kỷ niệm số Pi (14/3).
Với chị Nhàn, ông không chỉ là một nhà vật lý, thiên văn học nổi tiếng thế giới, mà còn là một người bố nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu chiều con. Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân nhiều năm nay, chị vẫn để ảnh hai bố con chụp chung, để cứ mở máy ra là thấy bố. "Càng lúc này, tôi càng muốn thấy ông lần cuối, nhưng điều đó không thể thực hiện được vì điều kiện kinh tế không cho phép", chị Nhàn cho biết, hai ngày sau khi ông qua đời.
Năm 1989, bố mẹ ruột chị Nhàn mất cùng một ngày trong một vụ đắm đò, khiến chị mồ côi từ nhỏ. Một năm sau, 4 anh em chị được vào làng trẻ em SOS ở Hà Nội. Mỗi đứa trẻ ở làng đều có cha, mẹ đỡ đầu, và khi Stephen Hawking ngỏ ý muốn nhận con đỡ đầu người Việt Nam, chị Nhàn ngẫu nhiên được chọn. Với chị, được làm con của ông là "điều ngẫu nhiên tuyệt diệu nhất".
Sau thời gian trao đổi thư qua lại với chị Nhàn thông qua quản lý làng SOS, nhân một chuyến công tác ở Nhật Bản, ông Hawking bí mật cùng vợ Elaine Mason đến Việt Nam cuối năm 1997, lần đầu gặp chị Nhàn tại làng trẻ. Khi đó, ông Hawking biểu diễn cho trẻ mẫu giáo trong làng bằng cách bấm nút điều khiển xe lăn, quay tròn, làm các cháu vỗ tay thích thú.
Trước đó chỉ nhìn qua hình ảnh, chị Nhàn, khi đó mới khoảng 16 tuổi, ngỡ ngàng khi thấy bố giỏi đến vậy dù tứ chi hầu như không cử động được. Lòng cảm phục trước nghị lực phi thường của bố, chị ôm ông, đỡ đầu ông dậy để thể hiện tình cảm. Còn ông nói chuyện với chị bằng tiếng nói giả phát ra từ máy tính và qua một người phiên dịch. Có lúc ông nhướn mày, dùng ánh mắt để giao tiếp.
Trong chuyến thăm, vợ chồng ông dẫn chị đi chơi Bờ Hồ, mua từ điển tiếng Anh. Ông chọn vải, chọn dáng cho chiếc áo dài đầu tiên của chị ở một cửa hiệu nổi tiếng tại Hà Nội. Còn chị tặng bố mẹ đỡ đầu món đồ trang trí tự tay làm từ những dải ruy băng.
Ba ngày ngắn ngủi trôi qua, cuộc chia tay ở làng SOS đẫm nước mắt, khi cả hai bố con cùng khóc, nắm tay, níu kéo mãi không rời. Cảnh tượng cũng khiến mẹ nuôi, người trợ lý và nhiều người xung quanh không khỏi xúc động.
Hai năm sau, vì ông Hawking là trường hợp đặc biệt, chị Nhàn được đưa tới Anh trong gần hai tháng ở cùng cha mẹ đỡ đầu. Trong hành lý của chị khi đó có bánh đa, nấm hương và mộc nhĩ để chị trổ tài rán nem Việt Nam thết đãi gia đình. Tuy nhiên, ông Hawking ăn bằng ống xông nên không thể ăn thử nem chị làm.
Vì thời gian bên con ngắn ngủi, ông tận dụng triệt để đưa con đi mua sắm quần áo, đi thuyền ở Cambridge, thăm vườn thú, lên đu quay London khổng lồ. Trong thời gian ở Anh, chị còn có cơ hội học tiếng tại đại học Cambridge, nơi ông Hawking giảng dạy. Ông Hawking lo cho con từ giấc ngủ, cứ 21h là con phải đi ngủ.
Còn mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, ông điều khiển xe lăn tới cầu thang với gọi con, khi chị Nhàn đang ở tầng hai. "Thu Nhàn, Thu Nhàn. Bố đi làm", tiếng nói phát ra từ cỗ máy thông minh. Lúc đó, chị chạy ngay xuống gặp bố để tạm biệt.
Không hiểu nhiều về những lý thuyết hố đen vũ trụ ông nghiên cứu, nhưng chị Nhàn nhớ như in lời căn dặn người bố bác học: "Bằng nghị lực của mình, con phải cố gắng học. Muốn trưởng thành, chỉ có con đường duy nhất là phải học, không được dựa dẫm vào điều gì mà không phấn đấu học. Bố như thế này nhưng vẫn không ngừng cố gắng, phấn đấu".
Thời gian ở Anh với chị Nhàn như một giấc mơ đẹp không thể quên trong cuộc đời. Về Việt Nam, chị vẫn tiếp tục liên lạc qua thư với bố mẹ. Dịp lễ tết, Giáng sinh, chị vẫn được vợ chồng ông gửi thư, thiệp mừng, đôi lúc có cả tiền.
"Bố con đang yếu hơn một chút Thu Nhàn ạ, nhưng bố vẫn làm việc và du lịch (bố mẹ đã đến Trung Quốc hồi tháng 8). Bố vẫn đầy lòng quyết tâm làm việc hết sức mình", bà Elaine viết thư gửi chị Nhàn ngày 19/9/2002.
Hai ông bà dành phần lớn bức thư để hỏi thăm tình hình cuộc sống của con gái nuôi. "Giờ con đang sống ở đâu? Con định thuê nhà và ở chung với người khác ư? Con có những người bạn nào? Con được trả bao nhiêu tiền cho khoảng thời gian dài đi làm? Tiền thuê nhà con sẽ phải trả bao nhiêu? Bố con và mẹ muốn biết điều đó để hiểu rõ hơn những khó khăn có thể con đang phải trải qua. Bố mẹ gửi tình thương yêu đến con Thu Nhàn", bà viết.
Từ năm 2006, chị mất liên lạc với cha mẹ đỡ đầu sau khi bà Elaine ly hôn với ông. Điều kiện địa lý và kinh tế cũng khiến chị khó tới Anh thăm lại cha từ đó đến nay. Năm 2015, cả nhà cùng đi xem phim về cuộc đời ông tại Hà Nội.
Người phụ nữ 39 tuổi hiện sống cùng chồng và hai con nhỏ trong một căn nhà hai tầng trên đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Hai vợ chồng kiếm sống bằng nghề kinh doanh quán ăn.
Có lần xem ảnh Hawking, con chị hỏi: "Ông ngoại đây hả mẹ?". Chị gật đầu: "Các con thấy đấy, ông ngoại tàn tật là thế nhưng rất giỏi, khiến bao người phải nể phục". Chị Nhàn căn dặn con cố gắng học tập, mong con được dù chỉ một phần như ông ngoại. Cô con gái cả của chị hiện học lớp 7, nhiều năm là học sinh giỏi.
Bày những kỷ vật của cha đỡ đầu ra bàn, chị ngăn con trai nghịch chiếc máy ảnh phim mua ở Anh vì sợ hỏng. Với chị, nó như báu vật, cất giữ kỹ như "bảo tàng". Cuốn từ điển cha mẹ tặng được chị truyền cho em gái, trước khi gửi lại làng SOS cho các em học tiếng Anh. Còn chiếc áo dài tuổi đời 20 năm trông vẫn còn mới nhờ được gìn giữ cẩn thận, thỉnh thoảng chị vẫn diện. Chị mong muốn sau này con gái lớn sẽ mặc chiếc áo dài ông Hawking tặng chị.