Chia sẻ

Cô gái 13 năm "miệt mài" cõng bạn đi học

Thấy con quyết định nghỉ học để đồng hành cùng bạn bị khuyết tật, người mẹ một lòng ủng hộ mặc hàng xóm cho đó là điều không bình thường.

Cơ duyên có cô con gái thứ 2

13 năm nhìn con gái "miệt mài" cõng bạn đi học, đi chơi, thậm chí nghỉ học cùng bạn học nghề, đến nay người mẹ 43 tuổi, quê Bình Phước đã có thêm một cô con gái thứ 2 và sắp làm mẹ của hai cô chủ nhỏ chuyên về lĩnh vực làm đẹp cho mọi người. Hai cô con gái ngoài mở tiệm spa còn dạy nghề miễn phí cho những bạn khuyết tật kém may mắn. Vì những người khuyết tật thường phải sống phụ thuộc vào mọi người xung quanh nên các con của chị muốn giúp họ có thể tự lập giống như mình.

Đó là hoàn cảnh của chị Lê Thị Hồng Duyên, khi con gái chị là Hà Hồng Xuyến (sinh năm 2001) thấy bạn mình là Trần Thị Hồng Nhung không thể đi lại, ngồi lặng lẽ ở góc lớp vào năm học lớp 1, đã động lòng thương cảm. 13 năm qua, Xuyến đã đồng hành cùng Nhung – từ một cô gái nhút nhát dần tự tin và mở lòng hơn với cuộc sống.

Đôi bạn Xuyến Nhung đã gắn bó với nhau 13 năm

Giờ ra chơi, khi các bạn ùa ra sân nô đùa, bay nhảy thì cô bé Hồng Nhung lại thui thủi một mình nơi góc lớp. Nhung bị liệt nửa thân, từ phần bụng đến hai chân của em không có cảm giác. Do vậy, việc đi lại trong lớp là điều không thể. Nhìn những hình ảnh đó, Xuyến chủ động đến bên bạn và tình bạn của họ bắt đầu từ đó… Từ lần đầu gặp nhau đến nay, đôi bạn đã trở nên thân thiết và coi nhau như máu thịt, tình thân…

Chị Duyên kể, năm 2006, thấy Nhung đi học mẫu giáo về kêu đau chân, bố mẹ Nhung rất lo lắng. Không lâu sau, hai chân Nhung không còn cảm giác, gia đình vội vàng đưa em vào bệnh viện. Qua nhiều bệnh viện, Hồng Nhung bị chẩn đoán mắc căn bệnh viêm tủy cắt ngang. Lúc đó, Nhung không thể ngồi dậy được, phải nằm bất động trên giường. Tại bệnh viện, sau một năm chữa trị, tập vật lý trị liệu, Nhung có thể ngồi dậy và tự làm các việc cá nhân. Bác sĩ khuyên gia đình chấp nhận sự thật, đưa Nhung về để em có thể đi học.

"Con bé Nhung kể, hồi đó thấy bạn bè chạy nhảy, vui chơi còn con mình phải ngồi một chỗ, nó tủi, nó buồn lắm. Khi ấy nó bế tắc dữ lắm, cũng may Xuyến nó làm bạn cùng. Hồi Xuyến về xin tôi cõng bạn, lúc đầu sợ con không cõng nổi, nhưng thấy Xuyến quyết tâm, tôi cũng vui lắm, con giúp bạn là giúp cả chính mình", chị Duyên nói.

Từ một cô bé tự ti nhút nhát, Nhung đã tự tin hơn nhờ có Xuyến

Được Xuyến "cưu mang", Nhung từ một cô bé nhút nhát giờ đây đã hoạt bát, vui vẻ hơn rất nhiều. Thời gian Nhung mặc cảm với bản thân chỉ thui thủi trong lớp, Xuyến đã đến và bắt đầu thăm hỏi, trò chuyện cùng em. Khi các bạn ra sân chơi, mỗi mình Nhung ở lại lớp, Xuyến đều ở lại cùng. Xuyến cùng Nhung đợi tới khi bố mẹ Nhung tới đón. Có hôm, bố mẹ đến đón muộn, Xuyến cũng ở lại chờ mẹ với em. Nhà cách nhau khoảng 10 phút đi bộ, Xuyến thường xuyên sang chơi, tâm sự và học bài cùng Nhung. Nhờ vậy, mà cô bé đã không còn thấy cô đơn nữa.

Tiếp lời, chị Duyên kể tiếp, hồi lớp 1 vì còn bé, Xuyến không thể bế bạn nhưng lên lớp 4, cô bé đã bắt đầu bế Nhung. Xuyến đã trở thành "đôi chân" của Nhung, giúp em đi vệ sinh, ra sân chơi. Suốt 9 năm học chung, Xuyến hiện thực hóa lời nói của mình, thường bế Nhung qua lại khi đổi phòng học. Trường học chưa đầy đủ cơ sở vật chất, vì vậy mỗi lần thay đổi phòng học, Xuyến là người giúp Nhung di chuyển. Nhung bế bạn đi từ phòng này qua phòng khác.

"Không chỉ giúp đỡ Nhung di chuyển, Xuyến còn luôn bảo vệ và chở che cho bạn. Nhung hiền lành, nhút nhát trong khi Xuyến mạnh mẽ và hướng ngoại.Nhiều lúc chỉ vì một câu nói của người khác, Nhung đã buồn và suy nghĩ. Mỗi lần có những câu nói khiếm nhã, bất lịch sự đánh giá Nhung, Xuyến luôn đứng ra, lớn tiếng yêu cầu họ phải chấm dứt việc bình phẩm về Nhung. Thỉnh thoảng nghỉ học Xuyến lại bảo tôi chờ con qua nhà Nhung chơi với bạn. Nhờ đó mà 2 gia đình cũng trở nên thân thiết. Nhung như đứa con gái thứ 2 của tôi vậy. Tôi cũng thương cũng quý nó như con vậy", chị Duyên chia sẻ.

Ủng hộ con ngay cả con hy sinh việc học vì bạn

Hết cấp 2, do sức khỏe yếu, Nhung phải nghỉ học. Thương bạn, cũng một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn sớm đi làm giúp đỡ bố mẹ, Xuyến cũng dừng học tiếp. Đôi bạn rủ nhau học nghề trang điểm. Bắt đầu hành trình mới, Xuyến ngày ngày chở bạn trên quãng đường 15km để đi học.

Cô bé Xuyến mạnh mẽ và có lòng bao dung độ lượng

"Lúc Xuyến nó bảo nghỉ học, tôi sốc lắm, giận nữa. Nhưng nó tâm sự muốn giúp đỡ Nhung, hơn nữa nó cũng muốn đi học nghề để đỡ đần bố mẹ, vừa thương con, thương bạn của con. Tôi chấp nhận, đồng ý cho Xuyến nghỉ học. Gia đình sắm xe cho con, lúc đầu chở Nhung trên xe, tôi còn cố hỏi lại ‘con bé thế thì có chở được Nhung không kẻo lại làm ngã cả bạn’, Xuyến nó tự tin là làm được, từ đó nó chở bạn học nghề đi đi về về. Dần dần 2 gia đình cũng an tâm để 2 đứa tự đi xe máy một mình", chị Duyên tâm sự.

Chia sẻ về gia đình thứ 2 của mình, Nhung khoe, thấy bản thân may mắn vì được gặp Xuyến, cô bạn năng động, hoạt bát ở bên, sẵn sàng đưa mình đến bất cứ nơi đâu mình thích. "Em hết dần cảm giác tự ti, vui vẻ và lạc quan hơn. Em cũng không còn buồn vì đôi chân liệt nữa, thay vào đó tràn ngập hy vọng vào tương lai, em cũng vui vì được mẹ Duyên hay động viên, có gì cũng dành phần em hết", Nhung chia sẻ.

"Thấy các con quấn quýt và đồng hành cùng nhau, qua thời gian dường như tình bạn ấy càng sắt son, bền chặt, gia đình chúng tôi rất vui. Có Xuyến, cuộc đời của con gái tôi trở nên tốt đẹp thêm nhiều lần. Hơn nữa cũng được bố mẹ Xuyến động viên nhiều, 2 gia đình giờ không khác gì ruột thịt", chị Thuận (mẹ Nhung) tâm sự.

Trao đổi với phóng viên,ông Lê Văn Phương – Chủ tịch UBND xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước cho biết, câu chuyện 13 năm nay Xuyến trở thành "đôi chân" của Nhung, giúp đỡ và yêu thương bạn đã trở thành một câu chuyện đẹp lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người, nổi tiếng khắp xã và các huyện lân cận.

"Thời điểm Hồng Nhung quyết định không đi học, địa phương cũng có đến trao đổi với gia đình và động viện Nhung đến trường. Nhưng có lẽ do điều kiện sức khỏe, việc đi lại khó khăn nên em đã quyết định nghỉ học cấp 3. Hiện nay, em vẫn được hưởng các chính sách, chế độ đãi ngộ dành cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Địa phương cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên đôi bạn thường xuyên", ông Phương chia sẻ thêm.

Khánh Chi (tổng hợp)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram