Được trang bị trí tuệ nhân tạo cùng tổng đài đặt lịch, website thống kê, những chiếc ATM gạo thông minh do một chàng trai chế tạo đang hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho bà con nghèo mùa dịch COVID-19.
Máy ATM gạo có thể nhận diện gương mặt
Anh Lê Hải Bình (42 tuổi) – Nhà sáng lập Công ty cổ phần AXYS (số 12 đường Núi Thành, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã có ý tưởng thiết kế và chế tạo máy ATM gạo thông minh với nhiều tính năng khác biệt nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Hiện những chiếc máy này đang phát gạo cho bà con nghèo ở nhiều địa điểm trong thành phố.
Anh Bình chia sẻ: "Những ngày qua, tôi đọc và chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, tôi rất trăn trở. Tôi muốn triển khai ngay việc làm ATM gạo và nhu yếu phẩm để giúp đỡ bà con. Hỏi vài nguồn thi công máy, nhưng vẫn còn khúc mắc ở một số điểm như giá thành cao, cơ chế hoạt động của máy lại không đảm bảo giãn cách, đồng thời xảy ra tình trạng có người đến nhận gạo nhiều lần mà không biết. Tôi trao đổi băn khoăn với anh em trong công ty. Và ngay sau đó, chúng tôi đã tự lên phương án thiết kế một chiếc máy ATM theo những tiêu chí phù hợp".
Không lâu sau, máy ATM gạo thông minh với chi phí khoảng 14 triệu đồng đã ra đời, gồm các bộ phận thùng gạo inox, van điện, chuông cửa màn hình, ống dẫn gạo nhựa, chân thùng bằng sắt.
Lý giải về việc dùng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt cho ATM gạo, anh Lê Hải Bình cho biết: "Thời gian qua tại các cây ATM gạo bình thường, có bà con xếp hàng lấy gạo xong, quay ra sau xếp hàng tiếp và nhận tiếp. Chúng tôi vẫn biết vì cuộc sống quá khó khăn khiến một số bà con phải làm như thế, nhưng điều đó có nghĩa sẽ khiến một người khó khăn khác bị mất phần. Vì vậy, việc nhận diện gương mặt sẽ giúp gạo của những người có tấm lòng đến được với nhiều bà con nghèo hơn nữa. Chỉ khi nào máy hiện thông báo màu xanh, gạo mới chảy ra. Ai đến nhận lần 2 máy sẽ báo đỏ".
Bên cạnh đó, máy có tổng đài lấy lịch để hạn chế tụ tập đông người, mỗi lần chỉ 10-15 người xếp hàng và giữ khoảng cách. Máy tự động thu thập dữ liệu thời gian thực để cập nhật báo cáo tình hình nhận gạo trên website, bao gồm thời gian (ngày/giờ/phút/giây), số kg gạo, máy nào, hình ảnh lúc nhận… để mọi người có thể lên website tra cứu xem số tiền mà mình ủng hộ hiện đang được chi tiêu như thế nào, số gạo mà mình đóng góp đang được phát ở đâu.
"Rất nhiều người có tấm lòng nhưng thiếu công nghệ nên dễ bị rơi vào tình huống hiểu lầm không hay. Chúng tôi muốn dù là từ thiện thì cũng phải rõ ràng, minh bạch và ý nghĩa, với sự giúp đỡ của công nghệ, của thống kê… Chiếc máy ATM này là như thế", anh Bình cho hay.
Hàng trăm ngàn người dân được hỗ trợ
Có máy rồi nhưng làm sao để có gạo phát đây? Để trả lời cho câu hỏi đó, anh Hải Bình đã hỗ trợ ban đầu 14 tấn và toàn bộ chi phí làm máy. Sau đó, anh kêu gọi bạn bè, người quen và cả… người lạ cùng quyên góp. Chỉ trong vòng 1 tuần, số tiền của các nhà hảo tâm gồm cá nhân, doanh nghiệp, bạn trẻ… ủng hộ đã lên tới hơn 685 triệu đồng và số gạo cũng lên tới hơn 82 tấn.
Theo anh Bình, nhóm đã trích tiền quyên góp mua thêm 10 tấn gạo, vậy là tổng cộng có 92 tấn gạo, hiện đã phát được 35 tấn và đang tiếp tục. Anh Bình và nhóm đã lắp đặt 10 máy ATM gạo thông minh ở huyện Hóc Môn, Q.Tân Bình, TP.Thủ Đức với số gạo được phát là 10 tấn/ngày và giúp được khoảng 21.000 người/tuần.
Anh Hải Bình kể: "Khi đứng ra kêu gọi đóng góp, tôi vô cùng xúc động vì có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng ủng hộ. Ai có ít thì góp ít, ai có điều kiện hơn thì góp nhiều. Có cá nhân chuyển 65 triệu đồng, hoặc góp hàng chục tấn gạo. Có người còn giấu tên, có bạn từ nước ngoài cũng không quên gửi tiền về nhờ mua gạo giúp bà con nghèo. Còn rất, rất nhiều người khác đã thầm lặng ủng hộ. Một lần, tôi đang đứng ở máy ATM thì có một anh từ đâu đi tới chở theo 100 kg gạo. Người đó nói: "Đây là gạo của tui, tui góp cho bà con". Xong tưởng anh về nhưng anh còn lấy tiền ra, gửi mỗi bà con ở đó 100.000 đồng đi chợ. Hình ảnh gây xúc động của anh chính là động lực để tất cả chúng tôi cùng tiếp tục chung tay làm điều ý nghĩa cho bà con nghèo trong mùa dịch".
Đặt mục tiêu càng nhiều bà con ở khắp các nơi trong thành phố không thiếu gạo, anh Hải Bình còn kêu gọi bất kỳ nhà hảo tâm hoặc nhóm thiện nguyện nào vận động được hơn 20 tấn gạo, xin phép được chính quyền địa phương phát gạo miễn phí, thì anh sẽ cho mượn máy ATM gạo thông minh, hướng dẫn cách tổ chức phát đảm bảo an toàn, giãn cách và cấp luôn website thống kê, báo cáo tình hình phát gạo trực tuyến…
Theo Thanh niên