Rong kinh là một tình trạng khá phổ biến ở chị em phụ nữ, nếu để kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, đặc biệt là tình trạng thiếu máu. Vậy chế độ ăn uống có giúp cải thiện được không?
1. Ảnh hưởng sức khoẻ khi bị rong kinh
Thông thường, số ngày hành kinh trong một chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ rơi vào khoảng 3 – 5 ngày. Nếu số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày, đau bụng dưới, lượng máu kinh nhiều được gọi rong kinh.
Theo BS CK1 Hoàng Hường, chuyên khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quang Bình – Hà Giang, rong kinh nếu để kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là tình trạng thiếu máu.
Vì vậy, khi có dấu hiệu rong kinh, chị em phụ nữ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng. Khi xác định được nguyên nhân gây rong kinh, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp, mục đích giải quyết các nguyên nhân do bệnh lý, khôi phục kỳ kinh bình thường, ngăn ngừa và điều trị biến chứng thiếu máu, cải thiện sức khoẻ cho người bệnh.
BS. Hoàng Hường cho biết, mặc dù chế độ ăn uống có thể không giải quyết được tình trạng rong kinh nhưng một chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng có thể giúp phụ nữ nâng cao thể trạng, tránh suy nhược.
Những phụ nữ bị rong kinh thường bị thiếu máu nên cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt. Ngoài ra nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B6, magiê, uống đủ nước…
2. Phụ nữ bị rong kinh nên ăn gì?
2.1. Bổ sung thực phẩm giàu sắt
Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng trong máu, vì vậy khi bị mất máu nhiều do rong kinh, cơ thể chúng ta sẽ giảm lượng sắt dự trữ dẫn đến không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Biểu hiện rõ nhất của thiếu máu là: mệt mỏi, choáng váng, da xanh xao, chóng mặt, khó thở…
Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Cách tốt nhất để bổ sung sắt là thông qua thực phẩm. Chế độ ăn của người bị rong kinh nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất sắt. Nguồn thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm: thịt đỏ, đậu, lòng đỏ trứng, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hải sản…
Lưu ý: Một số loại đồ uống như cà phê, trà và rượu vang có chứa polyphenol, có thể ức chế sự hấp thu sắt. Vì vậy, nếu bạn đang ăn một bữa ăn bổ sung thực phẩm giàu sắt thì nên tránh các loại đồ uống này cùng thời điểm.
Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, dưa, dâu tây…
Nghiên cứu cũng cho thấy, uống vitamin C trong bữa ăn làm tăng khả năng hấp thụ sắt. Do đó, uống nước cam quýt hoặc ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C khác trong khi đang ăn thực phẩm giàu chất sắt có thể làm tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
2.3 Thực phẩm chứa vitamin B6
Vitamin B6 đóng một vai trò trong hơn 100 phản ứng enzym của cơ thể, giúp phân chia và chuyển hóa protein, carbohydrate và chất béo để tạo cơ, cung cấp năng lượng. Ngoài ra, vitamin B6 cũng giúp giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, tạo ra các chất dẫn truyền tín hiệu não quan trọng, tạo ra hemoglobin, protein chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu.
Nhiều tế bào hồng cầu bị mất khi rong kinh và vitamin B6 cần thiết để xây dựng các tế bào hồng cầu mới. Người bệnh nên ăn các thực phẩm chứa vitamin B6 như: Thịt ức gà, cá hồi, khoai tây, chuối, phô mai tươi, bí đỏ, các loại hạt sấy khô, cải bó xôi, dưa hấu, nước ép cà chua…
2.4 Rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây là những thực phẩm rất tốt đối với phụ nữ bị rong kinh. Rau xanh và trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt là chất chống oxy hóa hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp cân bằng nội tiết tố và cải thiện lượng đường trong máu.
2.5 Thực phẩm giàu magiê
Bổ sung thực phẩm giàu magiê trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp chị em giảm các triệu chứng khó chịu và giảm lượng máu kinh trong kỳ kinh nguyệt. Magiê giúp điều tiết serotonin, từ đó cân bằng tâm trạng của não bộ, cải thiện tình trạng căng thẳng, mất ngủ.
Nguồn thực phẩm giàu magiê bao gồm: gạo lức, bánh mì nguyên hạt; các loại hạt như hạt hướng dương, hạt điều, hạt bí, hạt vừng, hạt dưa hấu; rau bina, quả bơ, đậu phụ, cá thu, cá mòi, cá hồi…
Bách Nguyên (Theo songkhoe)