Chia sẻ

Bé chuẩn bị đi học sau Tết

Chuẩn bị cho trẻ đi học trở lại sau Tết là điều được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm bởi sau Tết trẻ thường có tâm lý thích chơi, ngại đi lớp, với những bé lớn hơn thậm chí sẽ có thể "quên dần kiến thức".

Để giúp các mẹ có những kinh nghiệm chuẩn bị tốt cho trẻ đi học sau Tết, cùng nghe chia sẻ và lời khuyên hữu ích từ cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Quỳnh (28 tuổi) và chuyên gia tâm lý học – thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh.


Thưa cô và chuyên gia, là một người công tác trong ngành giáo dục nhiều năm nay, cô đánh giá như thế nào về thực trạng học sinh đi học trở lại sau Tết?

Cô giáo Nguyễn Thị QuỳnhSau Tết, hầu hết các con hào hứng khi đến trường vì tâm lí của trẻ con mong muốn được gặp bạn bè sau thời gian nghỉ dài hơi. Các con thích kể chuyện được lì xì đầu năm, được đi chơi ở đâu… Tuy nhiên một bộ phận nhỏ học sinh chưa sẵn sàng cho việc quay lại với sách vở. Trong đó chủ yếu là những học sinh hàng ngày "bị" giáo viên và bố mẹ nhắc nhở nhiều về học tập và rèn luyện.

Trong một vài buổi đầu học sinh hầu hết các lớp chưa duy trì sĩ số ổn định (chủ yếu do các con được bố mẹ cho đi chơi xa hoặc về quê ăn Tết xa).

Nghỉ Tết, học sinh thường bị đảo lộn về giờ giấc học tập, sinh hoạt. Do đó khi quay lại trường, bắt đầu học bài mới, viết vở, làm bài tập học sinh thường khá uể oải, nhiều học sinh còn "rơi rụng" kiến thức, nề nếp không được chỉn chu như trước.

Do vậy, giáo viên thường phải dành thêm nhiều thời gian để uốn nắn lại nề nếp cho các con trong 2, 3 buổi sau Tết.


Trong kì nghỉ cha mẹ nên thường xuyên nhắc đến trường lớp hoặc những người bạn thân của con để bé không quên việc học – cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh.

Vậy để tránh tình trạng trẻ không hứng thú hoặc quên trường lớp thì khoảng thời gian nào là thích hợp nhất bậc cha mẹ nên đề cập với trẻ chuyện sẽ quay trở lại việc học và đề cập như thế nào?

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh: Cá nhân tôi nghĩ để trẻ không bị hụt hẫng khi đến trường sau thời gian nghỉ lễ, bố mẹ các con có thể khơi gợi trẻ nhớ trường lớp bằng cách: trong tất cả các ngày nghỉ nên tạo ra những câu hỏi vui về người bạn thân của con, những giờ học con thích, những hoạt động ngoại khóa ở trường… Các con sẽ có cơ hội kể lại những niềm vui đó cho gia đình nghe. Điều đó có thể giúp các bạn vẫn nhớ mình là "học sinh" và mình sắp đi học….

Trước hết về tinh thần: Thường xuyên nhắc con biết lịch đi học và nói vui với trẻ ví dụ như "Mẹ nghĩ sẽ có rất nhiều điều tuyệt vời ở trường đang chờ đón con"; "Mẹ thích được đón con sau mỗi buổi học"… hoặc "Không biết bạn A, bạn B có được về quê với ông bà ăn Tết như con không nhỉ "...

Về sách vở, đồ dùng học tập: với trẻ giai đoạn đầu tiểu học, trước ngày tới trường cha mẹ hỗ trợ con kiểm tra lại thời khóa biểu để chuẩn bị đủ sách vở, đồ dùng cần thiết cho ngày học đó. Cuối cấp tiểu học, bố mẹ sẽ nhắc để các con tự chuẩn bị.


Theo thạc sĩ Quỳnh, trong những ngày đầu con đi học cha mẹ nên đón con sớm để bé không nhàm chán lớp học.

Thạc sĩ Nguyễn Thị QuỳnhÝ kiến của tôi cũng giống như cô giáo Quỳnh rằng là bố mẹ không nên chờ đến ngày con quay trở lại trường rồi mới đề cập với trẻ chuyện đi học mà nên trao đổi với trẻ ngay trước khi trẻ được nghỉ Tết.

Cha mẹ sẽ nói luôn kế hoạch với con là "Sắp tới đến dịp Tết Nguyên Đán, cả gia đình ta sẽ có một kỳ nghỉ (5 – 7 ngày)… Sau kì nghỉ bố mẹ sẽ đi làm, các con sẽ quay lại trường học…".

Ngoài ra, để tạo tâm lý vui vẻ đến trường cho các con sau mỗi dịp Tết, cha mẹ cần có sự chuẩn bị như trò chuyện với trẻ về chủ đề lớp học, trường học, tạo cho con cảm giác nhớ cô, nhớ bạn, mong muốn đến trường để chia sẻ niềm vui với cô với bạn. Có thể cho con ngắm nhìn hình ảnh các cô các bạn trên lớp học, cho con gọi điện chúc tết các cô giáo…

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng dành chút thời gian để cùng con ôn lại những bài học gần gũi trong năm con vừa mới học như bài thơ, bài hát,… gợi sự tò mò cho con về bài học tiếp theo và trao đổi để con có cảm hứng đến trường, con sẽ được học tiếp những bài học thú vị như thế.

Trong dịp nghỉ Tết, có thể vì thời gian vui chơi, chúc Tết, đón tiếp khách nhiều nên trẻ bị đảo lộn thời gian sinh hoạt, cha mẹ nên cố gắng sắp xếp công việc để ít nhất là trong 3 ngày trước ngày đi học điều chỉnh lại thời gian sinh hoạt cho con được như những ngày thường, cho con thức dậy ăn sáng, ăn trưa, nghỉ trưa, ăn tối… Như vậy, con sẽ không phải mệt mỏi khi đột ngột thay đổi lịch sinh hoạt khi bắt đầu đi học lại.

Để có tâm lý tốt thì điều kiện sức khỏe phải đảm bảo. Trong dịp Tết truyền thống, chúng ta thường có thói quen ăn đồ chiên rán, đồ nếp và đồ ngọt. Cha mẹ chú ý đến khẩu phần ăn của con cần đảm bảo có đủ rau xanh và quan tâm đến vấn đề vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho con.

Khi gần đến ngày đi học, cha mẹ có thể cùng con sắp xếp lại quần áo, đồ dùng cá nhân của con khi đến trường, chuẩn bị cho con 1 món quà nhỏ để con chia sẻ với các cô các bạn trong ngày đầu tiên đi học sau Tết. Các con sẽ rất vui và hào hứng muốn đến để chia sẻ không khí Tết với các bạn.


Theo các cô thì trong những ngày đầu tiên con đi lớp về, cha mẹ cần làm gì để trẻ có hứng thú đi học các buổi tiếp theo?

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh: Trong những ngày đầu sau Tết con đi lớp về, cha mẹ hãy đón con bằng nụ cười thật tươi, tặng con cái ôm hay vẹo má… Không nên hỏi con kiểu như: "Hôm nay con đi học có bị cô giáo mắng, phạt hay bạn bè trêu chọc gì không?…" mà cha mẹ hãy bắt đầu câu chuyện với những câu hỏi kiểu như: "Hôm nay đi học gặp lại các bạn chắc con vui lắm nhỉ?"; "Điều gì khiến con thích nhất trong ngày hôm nay?...".

Kể cả con làm chưa tốt nhiệm vụ học những ngày đó thì cha mẹ tuyệt nhiên không nên trách mắng trẻ. Hãy động viên, khuyến khích các con như "Mẹ tin ngày mai con sẽ làm tốt hơn",…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh: Một điều đặc biệt lưu ý trong những ngày đầu tiên trẻ đi học sau dịp Tết, cha mẹ cố gắng không nên đón con muộn quá, gây cho con cảm giác nhàm chán lớp học.

Khi đón con, cha mẹ trò chuyện với con, hỏi con xem "Hôm nay con đi học có vui không?"; "Con chúc Tết ai? / Con nhận được lời chúc Tết của ai?" hay "Ở trên lớp con có chuyện gì vui?", "Các bạn đi học có ngoan không?"; "Con được học bài học nào mới không?". Cha mẹ hào hứng, tập trung nghe chuyện của con và không quên dành những lời động viên khen ngợi con như "Đấy nhỉ? Đi học vui nhỉ? Được….Thật tiếc nếu mình không được đi học nhỉ?".

Tiếp nối câu chuyện, vào buổi tối trước giờ đi ngủ cha mẹ trò chuyện với con và không quên kết thúc "Chúc con ngủ ngon để ngày mai mình đi học xem có chuyện gì vui lại kể cho mẹ nghe nhé!".

Hiện nay tại trường, các thầy cô giáo đã có những giải pháp nào trong ngày đầu (tuần đầu) sau Tết để giúp trẻ nhanh chóng quen với việc đi học, thưa cô?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh: Khi tôi quan sát không khí trong trường mầm non những ngày đầu đến lớp, tôi thường thấy những hoạt động vui vẻ, tạo không khí lớp học nhẹ nhàng như những chào đón năm mới do nhà trường tổ chức để các con được biểu diễn các tiết mục văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực Xuân…

Hoặc tại các lớp học cũng có những hoạt động như các bạn lì xì kẹo, bánh cho nhau, các bạn chia sẻ câu chuyện về ngày Tết của mình cho các bạn khác nghe hoặc lồng ghép trong các giờ học là các hoạt động đóng vai liên quan đến chủ đề Tết… Như vậy, các con sẽ có cảm giác không khí Tết không chỉ có trong gia đình mà ở trường cũng rất vui và muốn đến trường hơn.

Bách Nguyên (Theo eva.vn)

 

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram