Chia sẻ

Bài học trưởng thành từ câu hỏi: "Bố cho con cái gì?"

Bố mẹ thương yêu con nhưng đâu có biết rằng chính mình do quá nuông chiều nên đang tự hủy hoại con mình.

"Bố cho con cái gì?"

Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.

"Bố cho con cái gì?" – Nhớ một thời còn trẻ con, nông nổi, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.

Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn:

"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình – con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết!"

Tôi, hơi sốc, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.

Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.


Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: "Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé… Và con đang… ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ… luôn thuộc về con." Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.

Không tự ái – không phiền lòng – tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.

Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế?". Và bố tôi "chỉnh" ngay: "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."

Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật.

Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.

Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.

Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ.

Mùi răn đe trong những câu chuyện "thơm nức" suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình.

Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ… và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ.

Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.

Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình: "Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?"

Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.

Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.

3 câu nói giúp con trẻ sống tự lập từ nhỏ

1. Con đã vất vả rồi

Đối với con trẻ, câu nói này như một sự khẳng định chắc nịch mà bố mẹ dành cho những nỗ lực của chúng.

Đó đôi khi chỉ là sự công nhận khi con đã học hành chăm chỉ, hay là một lời động viên khi con đã xông xáo giúp mẹ làm việc nhà.

Chỉ với một câu nói đơn giản đó thôi, con đã có thể cảm nhận được tình yêu mà bố mẹ dành cho chúng.

Và hơn cả đó là sự tín nhiệm khiến con cảm thấy tự hào về chính bản thân, từ đó tạo động lực cho con trở nên hăng hái và năng động hơn trong mọi lĩnh vực.

Ngoài ra, lời nói này vô hình chung còn giúp con cảm thấy phải có trách nhiệm với mọi hành vi của mình.

Vì thế, con sẽ trở nên chín chắn hơn và sẽ sớm hình thành được tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ.

2. Cảm ơn con

Chỉ cần một lần nói "Cảm ơn con", chúng sẽ tự động lặp lại những việc tốt mà chúng đã làm trước đó để khiến bố mẹ vui lòng.

Trong suy nghĩ non nớt của con trẻ, chúng hiểu lời cảm ơn đó có ý nghĩa là mình đã không còn đem lại rắc rối cho bố mẹ nữa, bố mẹ đang tự hào vì những gì mình đã làm được.

Con trẻ còn có thể nhận ra tầm quan trọng của chúng với gia đình. Vì bố mẹ muốn nâng niu thành quả của chúng, vì bố mẹ cảm động trước những gì mà chúng đã nỗ lực, và vì chúng là một phần của gia đình.

Câu nói giúp chúng tự ngộ ra giá trị của lòng biết ơn, dạy chúng hãy biết chủ động cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác.

3. Bố/ mẹ sai rồi

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc nhận sai trước mặt con cái sẽ làm giảm quyền lực và hình ảnh hoàn hảo của họ. Tuy nhiên, với một câu nhận sai, con sẽ cảm thấy gần gũi và tin tưởng bố mẹ mình hơn.

Thử tưởng tượng xem, nếu trên đời có ông bố bà mẹ nào không bao giờ phạm lỗi, điều đó có phải rât giả dối và đáng sợ không.

Con trẻ đủ thông minh để hiểu điều đó. Vì thế nên việc ngoan cố cho rằng mình luôn đúng sẽ chỉ càng khiến con cảm thấy bố mẹ mình không đủ độ tin cậy.

Nếu không may trách nhầm con, hãy cho chúng thấy một người phạm lỗi nên làm thế nào để sửa chữa cái sai của họ.

Nhờ đó, con sẽ biết hạn chế tính ngoan cố, hiếu thắng của bản thân, giúp con nhận ra sau sai lầm thì vẫn sẽ còn cơ hội để thay đổi.

Nhiều người quan niệm việc dạy dỗ con cái chỉ nên tiến hành khi chúng bắt đầu đến độ tuổi đi học. Tuy nhiên, trẻ con thực chất là một cỗ máy mô phỏng người lớn.

Dù có thể chưa phát triển hoàn toàn về nhận thức hay thậm chí không thể hiểu được tất cả những lời mà bạn muốn truyền đạt, nhưng chúng lại có thể dễ dàng bắt chước bất cứ hành vi nào mà chúng cảm thấy ấn tượng.

Vì thế, chỉ với 3 câu nói đơn giản trên, bố mẹ hãy nhanh chóng áp dụng để giúp con trở nên trưởng thành hơn trong tương lai nhé!

Khánh Chi (tổng hợp)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram