Cổ nhân có câu "bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất", ý nói rằng bệnh tật là do từ miệng mà vào, tai họa là do từ miệng mà sinh ra. Do đó, việc tuân thủ dinh dưỡng trong một số bệnh như: đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid… sẽ giúp kiểm soát và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường
Việc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường là vấn đề quan trọng nhất, xuyên suốt quá trình điều trị bệnh, phòng các biến chứng cấp tính và mạn tính. Dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường cần đảm bảo những nguyên tắc sau:
– Đủ calo cho hoạt động sống bình thường.
– Đủ các yếu tố vi lượng.
– Thực hiện đúng giờ ăn, số lượng bữa ăn trong ngày phù hợp; nếu bệnh nhân kèm theo thừa cân, béo phì, cần giảm 10 – 20% lượng chất đưa vào cơ thể.
– Thức ăn đa dạng, nhiều thành phần, có sự cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng. Cụ thể như sau:
+ Lipid: Hạn chế sử dụng mỡ động vật, nội tạng động vật, bơ. Có thể dùng ít dầu thực vật không bão hòa như dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…
+ Protein: Bệnh nhân cần giảm lượng protein từ động vật, nên sử dụng nguồn protein từ nấm hay các loại đậu đỗ. Lượng protein cần trong ngày khoảng 8g/kg cân nặng.
+ Carbohydrate: Là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 60 – 65% tổng calo cần thiết trong ngày. Bệnh nhân đái tháo đường nên lựa chọn nguồn carbohydrate từ ngũ cốc thô, rau quả tươi và tránh xa đường tinh luyện, ngũ cốc tinh chế và các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế như bánh mì, bánh quy, pizza…
+ Chất xơ: Chất xơ có tác dụng làm chậm hấp thu glucid và lipid làm giảm tình trạng tăng đường máu và mỡ máu sau ăn. Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh, củ, quả tươi. Nên áp dụng nguyên tắc khi ăn rau củ quả là: Ăn sống, nhai kỹ, nuốt chậm.
+ Vitamin và khoáng chất: Việc ăn sống các loại rau củ quả tươi không chỉ cung cấp chất xơ mà còn cung cấp lượng lớn các vitamin, khoáng chất và enzyme có lợi. Việc nấu quá kỹ các loại thực phẩm sẽ làm mất đi những vi chất này.
– Hạn chế rượu, bia, cà phê, thuốc lá, gia vị cay nóng…
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc các bệnh về thận
Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh về thận, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh đó là chế độ ăn uống. Đối với mỗi loại bệnh thận khác nhau thì chế độ ăn cũng khác nhau, bệnh nhân cần được tư vấn kĩ càng và tuân thủ nghiêm ngặt để tránh tình trạng nặng thêm của bệnh.
Để điều trị có hiệu quả tình trạng rối loạn lipid máu, người bệnh cần tuân thủ việc điều chỉnh chế độ ăn. Không nên vội vã dùng thuốc đối với những trường hợp rối loạn lipid ở mức độ nhẹ.
Suy thận mạn
Bệnh nhân suy thận mạn thường bị suy dinh dưỡng do ăn vào không đủ (ăn kém, nôn, kiêng kị, hạn chế quá nhiều protein…), và do rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc ure, rối loạn hormon, bệnh đường tiêu hóa. Thực hiện chế độ ăn hợp lý để cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng, điều chỉnh rối loạn chuyển hóa do đó làm chậm tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năng lượng cần thiết bệnh nhân suy thận mạn vào khoảng 35 – 45kcal/kg/ngày:
Lượng protein đưa vào nên căn cứ vào tình trạng người bệnh và mức độ tổn thương chức năng thận. Thông thường nên ăn khoảng 0,3 – 0,6g/kg protein. Việc giảm protein trong khẩu phần ăn có tác dụng giảm tích lũy các sản phẩm thải ra khỏi trong cơ thể, hạn chế biến chứng tăng ure máu, làm giảm triệu chứng khó chịu của suy thận mạn, làm chậm tiến triển đến suy thận. Nếu khẩu phần ăn có lượng protein quá thấp có thể bổ sung Keto/Aminoaxit theo chỉ định của bác sĩ.
Lipid chỉ nên dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần ăn mỗi ngày. Nên ăn dầu thực vật hạn chế mỡ động vật, vì người suy thận có rối loạn chuyển hóa lipid, có thể dẫn đến mỡ máu cao, gây xơ mỡ động mạch.
Carbohydrate nên chiếm khoảng 55 – 60% tổng năng lượng khẩu phần hàng ngày. Nên dùng thực phẩm giàu chất xơ như: Miến dong, khoai lang, sắn…
Bệnh nhân có phù và tăng huyết áp cần hạn chế ăn muối chỉ nên dùng 2,5 – 5g muối/ngày. Khi chế biến thức ăn, không nên cho muối và mì chính, chỉ được phép dùng một thìa nhỏ nước mắm mỗi ngày. Khi bị phù to thì phải ăn nhạt hoàn toàn. Người bị suy thận mạn tính không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối như dưa, cà, mắm tôm, cá khô…
Bệnh nhân suy thận thường có kali máu tăng, vì vậy khi ăn hoa quả và rau xanh tốt nhất là các loại có lượng kali thấp như dưa hấu, dưa chuột, bí đỏ, bí xanh, cà tím, bầu, rau cần, cải trắng… Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều kali như nho khô, chuối khô, thanh long, bơ… rau có lá xanh đậm như rau ngót, rau đay, rau dền, rau muống… mộc nhĩ, các loại đậu đỗ.
Bổ sung sắt để cải thiện tình hình thiếu máu.
Bổ sung các loại vitamin nhóm B, vitamin C.
Hạn chế thực phẩm có nhiều phospho như: Tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm, đậu nành, hạt sen, thịt bò…
Lượng nước nên uống mỗi ngày bằng lượng nước tiểu cộng thêm 200-300ml.
Sỏi thận
Nguyên nhân gây sỏi thận là do rối loạn trao đổi chất khoáng, kết tủa và tích tụ lại dần dần hình thành sỏi. Chế độ dinh dưỡng thất thường, uống ít nước và do dùng một số loại thuốc như vitamin D, calci, ascorbic, sulphanilamid dài ngày, lượng nhiều có thể gây bệnh. Các loại thức ăn có nhiều axit oxalic làm tăng khả năng hình thành sỏi thận. Nước có chứa Ca(HCO3)2, thực phẩm có tính axit làm tăng độ axit trong nước tiểu cũng thúc đẩy tạo sỏi. Đối với bệnh nhân ung thư máu cũng có thể bị lắng đọng urat gây sỏi thận cho tăng axit uric máu. Dưới đây là chế độ ăn cho bệnh nhân sỏi thận:
Giảm lượng thịt bò, thịt gia cầm, cá vì những thực phẩm này giàu protein và chứa nhiều nhân purine làm axit uric tăng, làm tăng lắng đọng tinh thể urat tại thận.
Giảm các loại thực phẩm khác có chứa lượng nhiều oxalate bao gồm các loại đậu đỗ, củ cải đường, dâu, cam, chocolat, cafe và lạc…
Ăn hạn chế muối (dưới 6g/ngày), vì muối cũng làm tăng lắng đọng oxalate gây sỏi.
Cần uống nhiều nước, để thải ra khoảng 2 – 2,5 lít/ngày nước tiểu.
Không nên ăn hoa quả sau 12 giờ trưa.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid
Để điều trị có hiệu quả tình trạng rối loạn lipid máu, người bệnh cần tuân thủ việc điều chỉnh chế độ ăn. Không nên vội vã dùng thuốc đối với những trường hợp rối loạn lipid ở mức độ nhẹ. Chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu (nhất là tăng lipid máu) bao gồm:
Hạn chế các loại thực phẩm có chứa các chất béo bão hòa và cholesterol như: Sữa nguyên kem, thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ… Sử dụng các loại thức ăn có chứa các chất béo không no như dầu thực vật, cá…
Giảm các loại thực phẩm nhiều đường, tinh bột… nên lựa chọn nguồn carbohydrate từ ngũ cốc thô và rau, củ, quả.
Tăng sử dụng các loại thực phẩm, gia vị có tác dụng giảm mỡ máu, chống xơ mỡ mạch máu như: dong riềng đỏ, bí đỏ, mộc nhĩ, tỏi, nghệ vàng, trà xanh…
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng huyết áp
Chế độ ăn uống hợp lý để góp phần điều chỉnh huyết áp, cần chú ý tới các yếu tố có liên quan đến huyết áp như: Natri, kali, calci, mỡ động vật, đường và chất xơ.
Lipid: Đối với người bị tăng huyết áp, không nên thực hiện chế độ kiêng chất béo tuyệt đối mà nên có chế độ ăn giảm chất béo no (mỡ và bơ), sử dụng chất béo không no từ thực vật và cá. Không nên ăn quá 30g lipid/ngày.
Protein: Người tăng huyết áp không cần quá hạn chế thịt, cá mà nên sử dụng các loại thức ăn này một cách hợp lý. Ngoài ra, một số thực phẩm như các loại nấm, các loại đậu cũng là một nguồn cung cấp protein rất tốt cho cơ thể.
Carbohydrate: Cần ăn đủ theo nhu cầu lao động và sinh hoạt. Nếu chế độ ăn quá nhiều carbohydrate, cơ thể sẽ tự động dự trữ chất này tại các mô mỡ đưới dạng lipid, làm tăng lượng lipid trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Đối với người tăng huyết áp, nên dùng các hạt ngũ cốc thô. Nên hạn chế sử dụng đường và thức ăn chứa nhiều đường.
Rau và trái cây: Chứa nhiều kali, hầu như không có natri nên có tác dụng làm giãn mạch, giảm huyết áp.
Không sử dụng rượu, thuốc lá, cà phê đối với người tăng huyết áp.
Bachs