Dưới đây là 5 hành vi tiêu cực âm thầm phá hủy cuộc đời của bạn, hãy cố gắng loại bỏ và đừng bao giờ để mình bị lây nhiễm.
5 hành vi tiêu cực âm thầm phá hủy cuộc sống
1. Buôn dưa lê, nói chuyện phiếm
Có một chuyên gia đã từng nói: "Những trí óc tuyệt vời thường thảo luận về ý tưởng, những trí óc bình thường thảo luận về các sự kiện và những trí óc tầm thường "thảo luận" về người khác." Những câu chuyện tán gẫu, buôn dưa lê có thể rất hấp dẫn, đặc biệt là khi bạn muốn biết tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống của những người xung quanh. Nhưng bạn nên nhớ rằng: Nếu một người nào đó sẵn sàng bàn tán hoặc tung tin đồn về người khác thì một lúc nào đó, họ cũng có thể làm y như vậy đối với bạn.
Buôn dưa lê không phải là một hành vi bạn nên dung túng cho bản thân mình. Điều duy nhất nó mang lại cho bạn và những người khác là cảm xúc phiền não, những rắc rối và thậm chí là những tổn thương. Cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều khi bạn không bận tâm đến những chuyện tầm phào và những chuyện riêng tư của người khác.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng đôi lần nói dối trong cuộc đời. Đôi khi, đó chỉ là những lời nói dối vô hại để làm cho tinh thần của ai đó trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, có những người thừa nhận họ đã nói dối rất nhiều. Nói dối để có được cái họ muốn hoặc nói dối để không phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm họ đã gây ra.
Dù cho lý do của bạn là gì thì nói dối cũng là một hành vi tiêu cực mà bạn nên tránh. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn tạo dựng và duy trì được sự giao tiếp cởi mở và trung thực với những người khác. Đừng để nói dối trở thành một phần tất yếu trong con người bạn. Không ai có đủ niềm tin dành cho một người thường xuyên nói dối. Nếu bạn nói dối quá nhiều lần, nó có thể khiến những người xung quanh luôn nghi ngờ và dè chừng bạn. Điều này sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên rất ngột ngạt và mệt mỏi.
3. Luôn muốn sở hữu hoặc độc chiếm
Nếu có ai đó luôn muốn bạn đi chơi với họ và chỉ họ mà thôi, thì họ chính là những người muốn sở hữu và độc chiếm điển hình. Ai cũng có thể có nhiều tình bạn và nhiều mối quan hệ riêng. Nếu ai đó bộc lộ sự khó chịu khi thấy bạn đi chơi hay giao lưu với những người khác thì họ chính là mối nguy hại cho cuộc sống của bạn. Đó là một hành vi tiêu cực có thể gây ra căng thẳng cho bất kì mối quan hệ nào.
Bạn cũng không cần phải tha thứ cho những người không tôn trọng thời gian và không gian riêng của bạn. Hãy tập trung năng lượng vào những hành vi và mối quan hệ tích cực. Nếu bạn cũng có suy nghĩ hay hành vi muốn sở hữu người khác, hãy tự nhìn nhận lại mình và xác định ranh giới cần phải có để cư xử đúng mực hơn. Đừng tự biến cuộc sống của bản thân và những người xung quanh trở nên bế tắc và căng thẳng.
4. Thao túng tinh thần
Đây là một chiến thuật có thể xảy ra trong bất kì mối quan hệ nào. Đó là một hành vị cực kỳ độc hại và tiêu cực mà bạn tuyệt đối đừng để xảy ra trong cuộc sống của mình. Mục tiêu của những người thao túng tinh thần người khác là họ luôn giành chiến thắng hoặc phải có được thứ họ muốn bằng mọi giá.
Hành vi này tuyệt đối không được chấp nhận trong bất kì mối quan hệ nào. Nếu bạn nhận thấy ai đó đang cố tình thao túng tinh thần của bạn thì điều tốt nhất bạn cần làm là giữ vững lập trường và suy nghĩ của bạn.
5. Thích kiểm soát tất cả mọi thứ
Nếu có ai đó luôn cố gắng kiểm soát những gì bạn nói, bạn làm và thậm chí ngay cả suy nghĩ của bạn, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của chính mình trở nên ngột ngạt và khó chịu. Hành vi tiêu cực này được bắt nguồn từ suy nghĩ ích kỷ bạn cần loai bỏ chúng ngay. Ai cũng có những suy nghĩ, lối sống riêng và bạn cũng vậy.
Người có hành vi kiểm soát mọi thứ sẵn sàng mắng mỏ bạn không tiếc lời vì quyết định bạn đã đưa ra. Họ còn không ngần ngại đưa ra lời khuyên cho bạn dù không được yêu cầu. Họ có thể trở nên tức giận nếu bạn không nghe theo lời khuyên của họ. Nếu bạn nhận thấy trong cuộc sống của bạn có những người thuộc đối tượng này, bạn hoàn toàn có thể cắt đứt liên hệ với họ để tâp trung vào cuộc sống của chính bạn.
6 bước để rèn luyện tư duy tích cực
Sắp xếp suy nghĩ
Việc sắp xếp suy nghĩ sẽ giúp bạn kiểm soát những tư duy tiêu cực. Hãy tưởng tượng đầu óc của bạn là những trang giấy và suy nghĩ là những dòng chữ. Hãy liệt kê lên trang giấy: suy nghĩ của bạn, tình trạng của vấn đề và những cảm xúc kéo theo bởi suy nghĩ đó.
Hãy lấy ví dụ: đồng nghiệp của bạn rủ đi ăn trưa, điều gì sẽ hiện ra trong suy nghĩ của bạn đầu tiên? Chúng có thể là một trong những điều sau đây:
"Họ chỉ rủ mình đi cho có lệ thôi"
"Mình chả có câu chuyện gì hay ho để trò chuyện với họ"
"Nếu họ có cơ hội tìm hiểu mình, họ sẽ nhận ra mình tệ hại thế nào"
Và cứ thế những suy nghĩ tiêu cực lại tiếp tục hiện ra trong đầu bạn. Việc sắp xếp suy nghĩ và nhận thức được đâu là suy nghĩ tiêu cực là bước đầu tiên để bạn cải thiện chúng.
Kiểm tra niềm tin tiêu cực
Lấy ví dụ ở trên, khi đồng nghiệp rủ bạn đi ăn trưa, hãy viết ra một loạt những dự đoán thật cụ thể về trường hợp đó và hỏi bản thân: "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì"? Nó có thể là: "Tôi đi ăn trưa với đồng nghiệp, họ nhận ra tôi là người thật nhạt nhẽo vậy nên họ không rủ tôi đi ăn cùng nữa".
Bây giờ bạn hãy thử thách niềm tin tiêu cực đó của bạn. Hãy thử đi ăn trưa với đồng nghiệp và xem điều gì sẽ xảy ra. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra những gì bạn nghĩ về phản ứng của đồng nghiệp sẽ không hoàn toàn chính xác với những gì thực tế xảy ra. Nếu kết quả không tệ như bạn mong đợi, vậy bạn có sẵn sàng thử thách những niềm tin tiêu cực khác không?
Xác định đâu là tư tưởng tiêu cực
Một khi bạn đã thực hành bước một và hai, bạn sẽ có ý thức hơn khi những niềm tin tiêu cực xâm nhập vào tâm trí bạn. Khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, bạn sẽ ngay lập thức xác định: "Chà mình lại suy nghĩ ngớ ngẩn nữa rồi".
Việc xác định rõ ràng đâu là những tư tưởng tiêu cực sẽ giúp bạn hạn chế tác động của nó đến tâm trí.
Hãy nói "dừng lại"
Một trong những tác hại của suy nghĩ tiêu cực là nó tạo ra phản ứng dây chuyền dẫn đến hàng loạt những suy nghĩ tiêu cực khác. Từ ví dụ ở trên khi bạn cho rằng "Đồng nghiệp nghĩ mình là người nhạt nhẽo", nó sẽ dẫn đến suy nghĩ "Họ sẽ không bao giờ rủ mình ăn trưa nữa", "Họ sẽ nói xấu sau lưng mình", "Họ sẽ tìm cách để mình bị đuổi việc"… và hàng loạt những kết quả tiêu cực khác.
Khi những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu len lỏi vào tâm trí bạn, hãy nói "DỪNG LẠI". Việc nói lớn thành tiếng sẽ có tác động mạnh mẽ đến nhận thức. Nếu bạn đang ở một nơi công cộng hay văn phòng đông đúc, hãy hít thở sâu, cố gắng không nghĩ đến những cảm xúc tiêu cực và để chúng trôi qua.
Thử thách bản thân
Cố gắng không suy nghĩ một cách cực đoan như: "Chả có đồng nghiệp nào sẽ nghĩ mình vui tính"hay "Mọi người đều nghĩ tôi là kẻ ngốc".
Hãy thử thách bản thân. Bạn có thể tìm những bằng chứng trong thực tế để chống lại những định kiến tiêu cực trong đầu bạn. Ví dụ, hãy thử nghĩ về những kí ức tích cực như "Hôm thứ hai đồng nghiệp mới hỏi mình đi chơi cuối tuần có vui không?" hay "Sếp khen mình thật giỏi vì đã giúp ông ấy tính toán giấy tờ".
Biết ơn những điều nhỏ bé
Luyện tập cảm xúc tích cực mỗi ngày bằng cách quý trọng những điều bạn đang có. Đó có thể là những điều đơn giản như niềm vui từ công việc bạn đang làm, nói lời cảm ơn người đã mở cửa cho bạn hay sự hứng thú khi ăn một món ăn ngon. Bắt đầu ngày mới bằng một năng lượng tích cực sẽ khiến cho cả ngày của bạn tràn ngập niềm vui.
Khánh Chi (tổng hợp)