Chia sẻ

3 ngày đẹp nhất để rút tỉa chân nhang, bao sái bát hương

Có 3 ngày đẹp nhất sau ngày 23 tháng Chạp để bao sái bát hương, lau dọn bàn thờ, gia chủ nên thực hiện theo để hưởng lộc.

Những ngày đẹp nhất để dọn bàn thờ đón Tết Quý Mão 2023

Dọn dẹp, trang hoàng lại bàn thờ và rút tỉa chân nhang trong bát hương là một trong những công việc mà các gia đình cần thực hiện để chuẩn bị đón Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, đây là nơi trang trọng, linh thiêng nhất trong nhà nên khi dọn dẹp cũng cần phải có những sự chuẩn bị kỹ càng, nhất là về việc chọn thời gian để dọn dẹp bàn thờ.

Theo những chuyên gia về phong thuỷ, trong năm Nhâm Dần 2022 sẽ có ba ngày tốt để lau dọn bàn thờ, chuẩn bị cho năm mới Quý Mão 2023. Các ngày đó cụ thể là những ngày như sau:

– Ngày 24 tháng Chạp (tức là ngày 15/1/2023 dương lịch): đây là một trong những ngày tốt để dọn dẹp bàn thờ tổ tiên để có được một năm mới hạnh phúc, mọi điều thuận lợi, như ý. Trong ngày này, những giờ nên chọn để dọn dẹp bàn thờ là giờ Mão (5 giờ đến 7 giờ), giờ Ngọ (11 giờ đến 13 giờ), giờ Mùi (13 giờ đến 15 giờ), giờ Dậu (17 giờ đến 19 giờ).

– Ngày 26 tháng Chạp (tức ngày 17/1/2023 dương lịch): đây là một ngày hoàng đạo, rất tốt cho việc lau dọn bàn thờ bởi ngày này có thần linh phù trợ, sẽ tăng thêm vận khí cho gia chủ. Ngày này có thể lựa chọn các khung giờ như sau để lau dọn bàn thờ: giờ Thìn (5 giờ đến 7 giờ), giờ Ngọ (11 giờ đến 13 giờ), giờ Mùi (13 giờ đến 15 giờ), giờ Tuất (19 giờ đến 21 giờ)

– Ngày 28 tháng Chạp (ngày 19/1/2023 dương lịch): đây cũng là một trong những ngày tốt để dọn bàn thờ, đem đến những niềm vui, tài lộc và may mắn cho gia đình. Trong ngày này, những khung giờ tốt nhất để tiến hành lau dọn bàn thờ đó chính là: giờ Mão (5 giờ đến 7 giờ), giờ Tỵ (9 giờ đến 11 giờ), giờ Thân (15 giờ đến 17 giờ), giờ Tuất (19 giờ đến 21 giờ)


Bàn thờ là nơi linh thiêng, nơi trang nghiêm nhất trong nhà nên khi lau dọn bàn thờ chúng ta cần phải hết sức cẩn thận, nhẹ nhàng. Chúng ta có thể áp dụng những bước dưới đây khi lau dọn bàn thờ chuẩn bị cho ngày Tết.

Bước 1: Chuẩn bị

Trước khi lau dọn bàn thờ cần dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, mở hết tất cả các cửa trong nhà và chuẩn bị hoa quả, bình bông. Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị một bát rượu trắng cùng một củ gừng để nguyên vỏ và giã nát với một chiếc khăn sạch, chúng ta sẽ giã nát gừng rồi đổ rượu vào, sau đó ngâm khăn sạch vào trong hỗn hợp rượu gừng đó ít nhất là 30 phút trước khi lau dọn bàn thờ.

Bước 2: Thắp hương xin phép thần linh, tổ tiên trước khi dọn dẹp

Trước khi dọn dẹp bàn thờ chúng ta cần phải thắp một nén hương và khấn để xin phép gia tiên, các vị thần linh để được dọn dẹp bàn thờ. Sau khi hương tàn hết thì mới được bắt đầu công việc dọn dẹp

Bước 3: Hạ những đồ cần lau dọn xuống vào lau dọn bàn thờ

Trên bàn thờ sẽ thường có những đĩa để đặt đồ cúng, bình hoa, lọ cắm hương, các loại cốc, chén, hũ rượu hay một số gia đình sẽ có những hũ đựng muối, gạo, nước,… Cần hạ những đồ này xuống để rửa sạch và tiến hành lau dọn bàn thờ. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng tuyệt đối không được hạ bát hương hay di chuyển, xê dịch bát hương trên bàn thờ. Đương nhiên cũng không được dốc, đổ bát hương ra bởi theo quan niệm thì làm như vậy sẽ khiến cho phần âm bị động, ảnh hưởng xấu đến gia chủ.

Với những đồ khác trên bàn thờ (ngoại trừ bát hương), khi lau dọn cần phải hạ xuống chứ không được để trực tiếp trên bàn thờ để lau dọn. Và sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ thì dùng khăn sạch đã ngâm trong hỗn hợp rượu gừng từ trước để lau lại toàn bộ đồ thờ. Ở một số nơi thì người ta thay hỗn hợp rượu gừng bằng một loại nước thơm thảo mộc thường hay bày bán ở các cửa hàng bán đồ cúng, đồ vàng mã để lau dọn bàn thờ. Trong quá trình lau dọn này cần làm một cách chuyên tâm, tỉ mỉ, thành tâm. Những đồ thờ cúng khi hạ xuống cũng cần phải được đặt ngay ngắn, chỉnh tề, không được vứt lung tung.

Bước 4: Rút tỉa chân hương

Sau khi lau dọn cần rút tỉa chân hương để làm gọn, làm đẹp lại bát hương để chuẩn bị đón một năm mới. Trước khi thực hiện điều này cần phải rửa sạch hai tay bằng hỗn hợp rượu gừng. Cần dùng một tay giữ chặt để cố định bát hương, rút tỉa từng chân hương sao cho còn lại số chân hương là 1/3/5/7/9. Thông thường người ta sẽ thường để lại 5 chân hương ở bát thần linh, còn các bát hương khác sẽ để lại ba chân. Những chân hương đã được rút tỉa sau đó cần phải hoá đi và đem tàn tro thả trôi sông.

Sau khi rút tỉa chân hương, cần dùng khăn khô sạch để lau sạch những tàn tro sót lại trên bàn thờ cũng như những lớp tàn tro bám quanh miệng của bát hương. Sau đó, cần lấy một chiếc khăn sạch ngâm trong rượu gừng để lau lại bát hương cũng như toàn bộ ban thờ. Đến đây về cơ bản là đã hoàn thành các công việc cần làm khi dọn dẹp bàn thờ

Bước 5: Đặt lại các đồ cúng ở trên ban thờ

Sau khi hoàn thành xong công việc lau dọn, cần phải đặt lại những đồ cúng trên bàn thờ để hoàn thành. Với những nhà trên bàn thờ có hũ gạo, muối, nước thì cần phải thay mới. Sau đó, sẽ khấn để báo cáo tổ tiên, thần linh là đã xong việc và mời các Ngài trở về.

Những nguyên tắc cần nhớ khi lau dọn bàn thờ

Việc lau dọn bàn thờ là một công việc đòi hỏi phải thật khéo léo, tỉ mỉ và thành tâm. Khi lau dọn bàn thờ bên cạnh các bước làm ở trên thì cũng cần phải ghi nhớ các nguyên tắc dưới đây để có thể dọn dẹp, trang hoàng lại bàn thờ một cách tốt đẹp nhất.

Tuyệt đối tránh việc làm đổ vỡ những vật dụng ở trên bàn thờ

Những đồ được dùng để đặt trên bàn thờ luôn là những đồ được coi là linh thiêng; và sự cẩn trọng để không làm vỡ những vật này được coi là cách để con cháu thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên, để thể hiện sự cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc dọn dẹp bàn thờ. Bên cạnh đó, theo quan niệm của ông bà ta từ xưa đến nay, việc làm đổ vỡ những đồ thờ cúng này là báo hiệu của những điềm không may mắn sẽ xảy đến với gia chủ. Thông thường thì việc làm đổ vỡ đã là điều không tốt lành, nên việc đồ thờ cúng bị vỡ sẽ càng khiến cho gia đình thêm lo lắng về những thứ xui rủi có thể xảy đến bất ngờ.

Dùng nước sạch, nước thảo dược để lau dọn bàn thờ

Các gia đình nên sử dụng nước ấm, hoặc nước nóng để lau dọn bàn thờ. Nếu như cẩn thận hơn có thể dùng nước được đun sôi để lau dọn bàn thờ. Sau đó, gia chủ nên sử dụng rượu gừng hoặc loại nước thơm đun từ thảo mộc (thường là năm loại quế, hồi, gỗ vang, đinh hương, bạch đàn) để vệ sinh, làm sạch những món đồ thờ cúng và cả bàn thờ.

Tránh tuyệt đối việc xê dịch bát hương

Từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn coi bát hương như một sợi dây liên kết nơi trần thế với cõi âm. Bởi vậy mà việc dịch chuyển bát hương nếu không cẩn thận sẽ khiến cho sợi dây ấy bị đứt, gây ra những điều xui rủi, tai ương cho gia đạo. Bên cạnh đó, khi di chuyển sẽ khiến cho bát hương bị “động”, bát hương có thể bị chệch ra khỏi hướng tốt và khiến cho gia đình gặp phải những thứ không thuận lợi trong cuộc sống, công việc, học tập… Trong trường hợp bất khả kháng hoặc gặp phải sự cố làm xê dịch, cần phải đặt bát hương về đúng với vị trí ban đầu và phải sám hối.

Bách Nguyên (TH)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram