Sống khoẻ

‘Vùng kín’ có mùi khi nào thì nên đi khám?

Nhiều chị em khi thấy vùng kín có mùi nhưng nghĩ vệ sinh vùng kín cẩn thận và đặt thuốc sẽ hết. Tuy nhiên, có một số loại bệnh do vi trùng gây ra rất nguy hiểm. Vậy khi nào vùng kín “có mùi” thì phải đi khám?

1. Chớ nên coi nhẹ viêm phụ khoa

Sau khi khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị P.T (32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 tuần, chị thấy ngứa ở vùng kín, dịch âm đạo cũng ra nhiều, chị định đến viện khám nhưng chị bạn thân nói đó biểu hiện đó là bình thường, không nhất thiết phải khám, đến viện vừa mất thời gian chờ đợi vừa tốn kém. Một tuần sau đó, chị thấy bệnh trầm trọng hơn nên đi khám. Bác sĩ cho biết chị bị viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas.

Còn chị B.H (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì ngại ngùng chia sẻ, cách đây khoảng 1 tuần vùng kín chị có biểu hiện ngứa ngáy, sưng tấy, dịch âm đạo có màu xanh, vàng nhưng cũng ngại đi khám nên nghe theo bạn bè đi mua thuốc về dùng. Nhưng sau dùng thuốc bôi nửa tháng, bệnh không có dấu hiệu khỏi, chị mới đi khám. Tại bệnh viện, sau thăm khám, bác sĩ cho biết bị viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas. Chị B.H ân hận khi nghe bác sĩ nói vì tự dùng thuốc không đúng bệnh nên dẫn đến bệnh nặng hơn.

Theo Ths.BSCKII Nguyễn Thị Thu Phương - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nôi, bệnh trùng roi đường sinh dục nữ hay gọi là viêm âm đạo do trùng roi là một bệnh viêm đường sinh dục tiết niệu thường gặp ở phụ nữ do một loại ký sinh trùng đơn bào là trùng roi (Trichomonas vaginalis) gây nên.

Thời gian giữa việc tiếp xúc với ký sinh trùng và nhiễm trùng (thời gian ủ bệnh) được cho là dao động từ 5 đến 28 ngày. Ngay cả khi không có triệu chứng, thì cả vợ lẫn chồng vẫn có thể lây nhiễm bệnh.

2. Nguyên nhân viêm âm đạo do trùng roi

Bệnh trùng roi sinh dục lây qua quan hệ tình dục là chủ yếu, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Ngoài ra bệnh còn có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt bị nhiễm trùng roi. Người mẹ mang thai bị trùng roi có thể lây cho trẻ khi sinh qua đường tự nhiên.

Tỷ lệ nữ bị bệnh nhiều hơn nam gấp 10 lần. Quan hệ tình dục không được bảo vệ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng roi. Ở phụ nữ, ký sinh trùng lây nhiễm ở phần bên ngoài của bộ phận sinh dục (âm hộ), âm đạo, lỗ tử cung (cổ tử cung) và lỗ tiểu (niệu đạo).

3. Triệu chứng viêm âm đạo do trùng roi

Hầu hết khi mới bị nhiễm Trichomonas không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể phát triển theo thời gian. Khi bị mắc bệnh trùng roi âm đạo, lúc đầu mới bị bệnh, triệu chứng thể hiện cấp tính như ngứa ngáy nhiều ở âm đạo, âm hộ, khí hư ở âm đạo chảy ra nhiều, có dịch mủ vàng hoặc xanh, nặng mùi, âm đạo bị đau như kim châm, sưng đỏ, viêm tấy, có nhiều nơi bị loét. Đau khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục. Khó chịu ở vùng bụng dưới.

Sau đó bệnh chuyển sang bán cấp và mạn tính, tình trạng viêm kéo dài, cơn ngứa liên tục không dứt. Trùng roi phát triển khiến cho pH âm đạo mất cân bằng. Dịch tiết ngày càng nhiều, dính, thậm chí có thể ăn mòn vải quần lót. Lúc này, khí hư còn có thể có mùi tanh. Người bệnh không chỉ đau khi quan hệ tình dục mà còn cảm thấy rát, buốt khi đi tiểu tiện.

Bệnh trùng roi âm đạo nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời thì tình trạng viêm âm đạo kéo dài lâu ngày có thể gây nên các biến chứng như viêm buồng trứng, vòi trứng làm cho bệnh nhân đau đớn, có hiện tượng bị rong kinh; cổ tử cung cũng có thể bị viêm loét, đau, ngứa, niêm mạc sưng đỏ.

Vô sinh cũng là một biến chứng thường gặp do trùng roi tiết ra chất nhầy, tạo thành nút bao bọc và bít kín cổ tử cung, ngăn cản không cho tinh trùng xâm nhập vào để thụ tinh nên không thể thụ thai được. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây nên biến chứng viêm nhiễm đường tiết niệu với biểu hiện lâm sàng rõ hoặc không rõ. Ở một số trường hợp người phụ nữ bị bệnh trùng roi âm đạo, khi đi tiểu thường thấy đau buốt, có chất dịch mủ và tìm thấy ký sinh trùng trong nước tiểu.

4. Ðiều trị và phòng bệnh viêm âm đạo do trùng roi

Chị em nên đi khám phụ khoa khi có dấu hiệu viêm, tốt nhất nên đi khám 6 tháng/ lần.

BS Thu Phương cho biết, để điều trị bệnh trùng roi âm đạo có hiệu quả cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm, điều trị cho cả vợ lẫn chồng vì bệnh có thể lây từ vợ sang chồng và ngược lại; Đồng thời trong thời gian điều trị tuyệt đối không được giao hợp để hạn chế điều kiện và cơ hội lây truyền. Người mắc nhiễm trùng roi cần tuân thủ theo điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng tránh bị mắc bệnh trùng roi âm đạo, phụ nữ cần:

Duy trì mối quan hệ 1 vợ 1 chồng, sống chung thủy;

Sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh

Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt, đặc biệt là khăn tắm với người khác.

Nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh;

Tăng cường các điều kiện, tiện nghi vệ sinh cho phụ nữ ở gia đình, nơi học tập, lao động và công tác;

Thăm khám thường xuyên để chủ động ngừa lây truyền bệnh;

Tránh dùng các dung dịch, xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH cân bằng;

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, không thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo, lau rửa từ trước ra sau (từ âm đạo ra hậu môn), vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục

Nên mặc đồ lót thoáng mát, chọn chất liệu cotton hoàn toàn và nên giặt riêng để tránh không bị lây nhiễm bệnh từ người khác.…

Bách Nguyên (Theo songkhoe)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram