TS.BS Quan Thế Dân, hiện đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương cho biết, tỷ lệ tử vong của người béo phì cao hơn hẳn so với người bình thường.
TS.BS Quan Thế Dân chia sẻ tằng, khi vào tâm dịch điều trị, ông thấy đa số ca tử vong là thừa cân, béo phì.
Tiến sĩ Dân cho biết thêm, ông đã chứng kiến rất nhiều người béo phì tử vong vì Covid-19. "Lúc mới vào chỉ cần thở oxy nhẹ nhàng, nhưng chỉ mấy ngày sau phải thở oxy mức cao nhất, rồi phải đặt ống thở máy, rồi một vài ngày sau ra đi", TS Dân kể.
TS Dân cho rằng người béo phì bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong dịch Covid-19 và đã có nhiều thông tin đăng tải về vấn đề này.
Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Ghebreyesus đã nói "mối tương quan giữa béo phì và tỷ lệ tử vong do Covid-19 là rõ ràng và thuyết phục". Các thống kê cho thấy trong số 2,5 triệu người tử vong do Covid-19 thì có 2,2 triệu người là ở những nước có tỷ lệ người béo phì cao. Cụ thể hơn nữa, theo The Guardian, ở Anh, 80% bệnh nhân Covid-19 nằm trong phòng chăm sóc tích cực là thừa cân và béo phì. Ở Mỹ con số này thậm chí là 88%.
Theo TS Dân, đến nay cơ chế tử vong do Covid-19 đã dần dần lộ rõ, người tử vong vì Covid-19 chủ yếu do cơn bão cytokine xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với virus. Ở khoảng 80% người nhiễm Covid-19, hệ miễn dịch phản ứng vừa đủ để loại bỏ virus, và họ trải qua một đợt bệnh nhẹ nhàng.
TS Dân cho biết 20% người nhiễm còn lại biểu hiện khá nặng và cần nhập viện điều trị và một số trong đó đã không qua khỏi. Như vậy là cơn bão cytokine có liên quan chặt chẽ với tình trạng béo phì. Điều này trong y học đã biết từ lâu. Người béo phì là những người có rối loạn chuyển hóa, và ở những người này, hệ miễn dịch dễ bị rối loạn đáp ứng.
Không chỉ béo phì mà những người có rối loạn miễn dịch khác như tiểu đường, cushing, vẩy nến, lupus ban đỏ… cũng rất dễ tử vong khi nhiễm Covid-19. Vậy tại sao người béo phì lại dễ có phản ứng quá mức để trở thành cơn bão cytokine chết người?
Béo phì có nghĩa là tăng tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Từ mấy chục năm nay, giới y học đã thay đổi cách nhìn với mô mỡ. Tế bào mỡ (adipocyte), mô mỡ (adipose tissue) không còn chỉ biết đến như là những kho dự trữ năng lượng nữa, mà một nhận thức mới đã được đưa ra: mô mỡ được coi là những cơ quan nội tiết.
Những năm 1990, khoa học đã phát hiện ra mô mỡ tiết ra leptin, một hormone điều hòa chuyển hóa năng lượng, có tác dụng lên cả hệ dưới đồi. Tiếp theo, người ta phát hiện tiếp mô mỡ còn tiết ra rất nhiều các cytokine (còn gọi là các adipokines), trong số đó có những chất có hoạt tính gây viêm và phá hủy mạnh như IL6, TNFα. Các cytokine này chính là các thủ phạm gây nên cơn bão cytokine ở phổi của những người mắc Covid-19.
"Bình thường mô mỡ tiết ra lượng ít các cytokine, và cân bằng giữa các cytokin gây viêm và cytokin chống viêm (như adiponectin), nên cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch bị huy động, các khối mỡ khổng lồ trong cơ thể cũng bị đánh thức, và chúng đã sản xuất ra lượng cytokin vượt mức, gây hại cho cơ thể.
Thêm nữa, khi bị bệnh cơ thể có nhu cầu năng lượng cao, nhưng thường bị bỏ đói, khi đó các khối mỡ cũng bị huy động để ly giải triglyceride thành năng lượng, cũng sinh ra các chuyển hóa xấu. Vì vậy có lẽ những người bệnh nào được chăm sóc tốt, ăn uống đủ năng lượng, để cơ thể không cần phải đánh thức các mô mỡ, thì thường bệnh nhẹ hơn. Dù sao đây cũng là những giả thuyết, cần tiếp tục nghiên cứu thêm" – TS Dân nhấn mạnh.
Qua đó, TS Dân khuyến cáo việc giảm cân hoàn toàn cần thiết vì nếu có nhiễm Covid-19 thì cũng bị nhẹ hơn. Và tiến sĩ cũng gợi ý nên ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả những người thừa cân béo phì.
Một số lưu ý với người béo phì mắc Covid-19
Ngay cả đối với các tình trạng sức khỏe khác Covid, cân nặng cũng được xem là yếu nguy cơ đáng kể. Chẳng hạn, người bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp biến chứng khi mắc các vấn đề y tế. Nhưng trong nhiều trường hợp, một phần nguyên nhân là do thừa cân. Vì vậy, khi bạn điều chỉnh lối sống để giảm cân, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng giảm rất nhiều.
Tìm hiểu căn nguyên rõ ràng có thể giúp bác sĩ phát triển các chiến lược giúp bảo vệ bệnh nhân béo phì. Ví dụ, có nhiều cách để cải thiện độ nhạy insulin tương đối nhanh chóng thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thuốc.
Theo số liệu thống kê, cường độ tập thể dục của người dân không tăng trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng doanh số bán các sản phẩm rượu và đồ ăn nhanh lại tăng lên. Người bệnh béo phì có thể cần phải loại bỏ chocolate và đồ uống có đường để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng do nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, CDC khuyến cáo người béo phì mắc Covid cần:
Tiếp tục dùng thuốc điều trị các bệnh lý nền (nếu có).
Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ về dinh dưỡng và hoạt động thể chất, cũng như các biện pháp giãn cách xã hội và phòng ngừa nhiễm virus.
Liên hệ với cơ sở y tế gần nhất nếu lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình hoặc cảm thấy ốm, mệt mỏi.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)