Vi khuẩn HP là nguyên nhân đầu bảng dẫn tới các bệnh về dạ dày, nhất là bệnh nan y. Có 2 loại thực phẩm có tính sát khuẩn tốt, có khả năng tiêu diệt loại vi khuẩn này.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày… Hiện tỷ lệ người Việt Nam nhiễm vi khuẩn này rất cao. Bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Việt Nam có khoảng 60-70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Riêng một nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.
Điều đáng nói là vi khuẩn HP rất dễ lây lan, ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh.
Do đó, vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung… PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, ở Việt Nam, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP.
Thậm chí có những trẻ bị nhiễm HP khi mới 2 tuổi, nguyên nhân do người mẹ thường có thói quen mớm thức ăn bón cho con. Do vậy, các thói quen ăn uống chung đụng ở trường lớp, hay là việc mớm cơm cho con, có thể sẽ mang vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ.
Vi khuẩn H.P – nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dạ dày
Có khoảng 80% người nhiễm vi khuẩn H.P không có triệu chứng cũng như không có biến chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị, có khoảng 10 – 20% người bị loét dạ dày tá tràng và thậm chí có người bị ung thư dạ dày.
Vi khuẩn H.P có thể gây ra các bệnh lý về dạ dày như là chứng khó tiêu chức năng, viêm cấp tính hoặc mạn tính niêm mạc dạ dày, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, u lympho B lớp niêm mạc dạ dày…
Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, mọi người không chỉ chịu đựng sự đau đớn, buồn nôn, chán ăn… đến từ thể xác mà còn gặp ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần và cuộc sống thường ngày.
Một số triệu chứng của nhiễm vi khuẩn HP thường thấy
Chứng ợ chua do trào ngược axit
Vi khuẩn Helicobacter pylori sống trong dạ dày nên sẽ kích thích tiết axit dịch vị khiến người bệnh có triệu chứng trào ngược axit, ợ chua.
Hôi miệng
Helicobacter pylori có thể gây khó tiêu cho dạ dày, thức ăn khi đi vào cơ thể nhưng không được tiêu hóa, cộng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày, ợ chua sẽ khiến miệng có mùi hôi "đặc biệt". Vi khuẩn H.P tồn tại trong khoang miệng khiến tình trạng hôi miệng ngày càng gia tăng.
Tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy nặng, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ nguyên do. Nếu là do vi khuẩn Helicobacter pylori ảnh hưởng đến dạ dày thì triệu chứng sẽ tái đi tái lại nhiều lần, cần được điều trị kịp thời.
2 loại thực phẩm tiêu diệt vi khuẩn HP hiệu quả
Mật ong
Mật ong có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và bồi bổ dạ dày. Mỗi ngày sử dụng một chút mật ong có thể đem tới tác dụng chống viêm niêm mạc dạ dày.
Đây là thực phẩm rất tốt để điều trị bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày, đồng thời có tác dụng ức chế các ảnh hưởng đến từ vi khuẩn Helicobacter pylori.
Đối với các bệnh ở dạ dày, dầu olive có thể giúp giảm thiểu triệu chứng bệnh. Thành phần chính của loại dầu này là Acid oleic (Omega-9) có tác dụng tăng cường khả năng tiêu hóa thức ăn. Chất polyphenol trong dầu olive cũng giúp tiêu diệt vi khuẩn HP gây ra các bệnh lý ở dạ dày, cải thiện tình trạng bệnh.
Chính vì vậy, sử dụng dầu olive mỗi ngày có thể cải thiện được sức khỏe đường ruột, dạ dày và hệ tiêu hóa nói chung.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)