Chè thập cẩm là thức ăn vặt quen thuộc không chỉ với người lớn, người già mà trẻ con cũng đều yêu thích. Chè thập cẩm được sự kết hợp bởi nhiều nguyên liệu mà hương vị có thể thay đổi đôi chút theo khẩu vị của gia đình để trở nên hấp dẫn, phong phú hơn. Bạn có thể kết hợp các loại nguyên liệu khác nhau ngọt ngon, thanh mát, thêm chút đá lạnh thì rất mát gan mát ruột. Chè thập cẩm có thể ăn quanh năm và đặc biệt được yêu thích vào những ngày hè nóng bức, khô hanh.
Bạn có thể kết hợp các loại nguyên liệu khác nhau ngọt ngon, thanh mát, thêm chút đá lạnh thì rất mát gan mát ruột. Chè thập cẩm có thể ăn quanh năm và đặc biệt được yêu thích vào những ngày hè nóng bức, khô hanh.
Nguyên liệu
200gr đậu đỏ
2 củ vừa khoai lang
¼ củ khoai môn
200gr bột báng
100ml nước cốt dừa
Đường (khoảng 200gr)
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đậu đỏ đãi sạch, ngâm trong nước lạnh khoảng 5-6 tiếng để đậu được nở mềm, dễ nấu hơn.
Bột báng rửa sạch, ngâm trong 30 phút trước khi nấu.
Khoai lang, khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng vuông vừa ăn, ngâm với nước muối loãng cho tới khi hết mủ nhựa và không bi thâm. Sau đó, rửa lại khoai một lần nữa.
Lá dứa (vài lá nếu có) rửa sạch, bó lại.
Bước 2: Nấu bột báng
Bây giờ, bạn chuẩn bị một chậu nước sạch, cho bột báng cùng ít nước vào nồi luộc trong 15-20 phút cho đến khi chuyển sang màu trắng trong suốt cho chín. Trong lúc đó bạn nhớ đảo đều để bột không dính vào đáy nồi, bị cháy.
Vớt bột báng đã chín ra rổ, thả ngay vào tô nước lạnh, dùng đũa khuấy nhẹ nhàng, đợi 10 phút thì vớt ra.
Bước 3: Nấu chè đậu đỏ
Vớt đậu đỏ ra khỏi chậu ngâm cho vào nồi, đổ xâm xấp mặt đậu rồi đem đi đun đến khi chín mềm. Sau đó, nêm đường và vani vào cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Bước 4: Nấu chè khoai môn, khoai lang
Cho khoai lang và khoai môn và lá dứa vào nồi nước đun cho tới khi khoai chín mềm, nêm đường vừa ăn rồi tắt bếp. Bạn lưu ý nên chỉ đun khoảng 10-15 phút là được.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức chè thập cẩm
Ăn chè thập cẩm ngon bạn có thể cho thêm đá bào vào, rắc dừa tươi nạo sợi, nước cốt dừa.
Khánh Chi