Ngày càng nhiều người trẻ bị loãng xương, thoái hóa khớp bởi thói quen ăn uống vô tội vạ kèm theo sinh hoạt hàng ngày không khoa học. Một khi đã gặp vấn đề về xương khớp, tất cả mọi sinh hoạt sẽ đều bị ảnh hưởng.
Hãy chú ý tới xương khớp ngay từ khi còn trẻ để không hối hận khi về già, trẻ nhỏ thì càng phải quan tâm hơn. Theo thống kê từ nhiều bệnh viên, bệnh nhân mắc bệnh xương khớp ngày càng tăng, đặc biệt độ tuổi thì gồm cả thanh niên với những vấn đề về cột sống, vai gáy.
Chuyên gia đã chỉ ra rằng, xương khớp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí bị bào mòn nếu bạn có thói quen ăn uống như sau:
Ăn mặn
Ăn mặn khiến thận làm việc quá tải để bài tiết muối dư thừa ra khỏi cơ thể, và canxi cũng bị đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Những người ăn mặn có nguy cơ bị loãng xương cao hơn hẳn so với người ăn nhạt, đặc biệt ở độ tuổi mãn kinh.
Ngoài ra, chế độ ăn uống nhiều muối kéo dài còn gây tăng huyết áp, suy thận hoặc bệnh thận mãn tính.
Thường xuyên uống nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga sẽ khiến trẻ nhỏ giảm khả năng hấp thụ canxi và magie cần thiết cho xương phát triển do chứa lượng photpho cao, xương sẽ phát triển kém, kết cấu xương lỏng lẻo. Nếu con nhỏ bị nghiện loại nước này thì trẻ sẽ còi xương, chậm lớn và thậm chí hỏng xương nếu uống quá nhiều nước ngọt có ga.
Ngoài ra, đồ uống có ga chỉ giúp giải khát, còn tác hại mà nó để lại nếu uống quá nhiều còn gây béo phì, tiểu đường, huyết áp cao.
Nếu bạn là một người nghiện cà phê và uống trên 3 cốc cà phê mỗi ngày thì nguy cơ loãng xương sẽ rất cao, do cà phê làm giảm khả năng hấp thụ canxi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 100mg caffeine bạn tiêu thụ thì sẽ mất 6mg canxi, và hãy thử tính một ngày 3 cốc cà phê thì bạn sẽ mất đi bao nhiêu lượng canxi.
Tồi tệ hơn, caffein khi kết hợp với đường sẽ gây tác hại mạnh hơn gấp nhiều lần.
Thay vì uống cà phê để tỉnh táo thì hãy chọn trà, bởi trà giúp giảm nguy cơ loãng xương và những vấn đề về xương khớp đã được chứng minh.
Sô cô la
Sô cô la cũng là một món ăn dễ gây nghiện và nếu ai đã thích ăn thì thường sẽ ăn rất nhiều. Thực tế, sô cô la có chứa flavonol và canxi, nhưng đồng thời lại chứa oxalat ức chế hấp thu canxi và đường, tăng nguy cơ loãng xương vì lượng canxi có trong sô cô la gần như không hề được hấp thụ.
Vì vậy, hãy ăn sô cô la ở mức vừa phải, không ăn nhiều hơn 1 lần/tuần để bảo đảm xương chắc khỏe, cơ thể dẻo dai. Hãy để ý đến trẻ nhỏ vì đây là món ngọt khoái khẩu của rất nhiều trẻ em khiến chúng bị còi xương, loãng xương, sâu răng nếu thường xuyên ăn.
Rượu bia
Rượu bia giống như một con sâu trong cơ thể bạn, càng uống nhiều xương sẽ càng bị bào mòn nhanh. Do lượng cồn trong rượu, bia có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tái tạo xương.
Nếu bạn uống nhiều hơn nửa lít rượu mỗi ngày, khả năng hấp thu canxi từ ruột sẽ giảm rõ rệt khiến xương mỏng, dễ gãy và lâu lành. Ngoài ra, uống rượu thường xuyên cũng ảnh hưởng tới gan, thận, thần kinh, bệnh tim mạch và ung thư.
Chế độ ăn nhiều đường, thịt
Một chế độ ăn gồm đường, chất béo, thịt đỏ và ngũ cốc tinh chế như bột mì trắng và bánh mì có vẻ không hại như rượu hay cà phê nhưng thực tế thì cũng hại không kém.
Đường và tinh bột tinh chế là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng, phá vỡ lớp men răng và gây sâu răng.
Hãy cân bằng chế độ ăn uống với rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, ăn các loại hạt thay vì bánh ngọt, hay kẹo.
Bách Nguyên (Theo Suckhoegiadinh)