Không chỉ thanh mát, bổ dưỡng, rau mồng tơi còn là "vũ khí" bí mật giúp tăng cường sinh lý nam, mang lại làn da rạng rỡ và ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
Nhiều lợi ích chữa bệnh từ rau mồng tơi mà bạn có thể chưa biết
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái thuộc Viện Y học phóng xạ và Ung bướu quân đội, rau mồng tơi thường được biết đến với công dụng nhuận tràng, giúp chữa táo bón. Tuy nhiên, rau mồng tơi còn có nhiều tác dụng chữa bệnh khác mà không phải ai cũng biết.
Các nghiên cứu hiện đại đã xác nhận rằng rau mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, bao gồm vitamin A, vitamin C, canxi, sắt và chất xơ.
Trong mỗi 100g rau mồng tơi có chứa 2,9g chất xơ, một lượng khá cao so với các loại rau khác như rau cải bó xôi (2,4g/100g) và rau diếp (1,6g/100g).
Đặc biệt, rau mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất nhầy pectin có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo, chống béo phì, phù hợp cho người có mỡ và đường huyết cao.
Rau mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất nhầy pectin có tác dụng nhuận tràng
- Tăng cường sức đề kháng: Rau mồng tơi giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, sắt, canxi… giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tổng thể và tăng cường quá trình trao đổi chất.
- Giảm cân: Rau mồng tơi chứa ít calo, nhiều chất xơ và nước, giúp tạo cảm giác no và hỗ trợ quá trình giảm cân. Tuy nhiên, để giảm cân hiệu quả, cần kết hợp chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện đều đặn.
Ngoài rau mồng tơi, nên bổ sung đủ loại rau xanh, củ quả, trái cây, đạm thực vật, đạm động vật ít béo như cá nạc, thịt nạc, hải sản và chất béo tốt để có thể giảm cân lành mạnh.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Ngoài vitamin và khoáng chất, rau mồng tơi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoids và carotenoids, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và chống lão hóa tim mạch.
Hơn nữa, rau mồng tơi chứa acid folic, giúp bảo vệ tim mạch và tăng cường sức đề kháng. Các khoáng chất thiết yếu như kẽm, magie, natri, kali… trong rau mồng tơi cũng giúp cải thiện sức khỏe tim.
- Giải độc, thanh nhiệt: Rau mồng tơi có tác dụng thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố, giảm nhiệt, từ đó hỗ trợ điều trị các bệnh như mụn nhọt, rôm sảy, lở loét miệng lưỡi…
Rau mồng tơi có tác dụng thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố, giảm nhiệt
Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng) chia sẻ rằng rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, đi vào năm kinh chính: tâm, can, tỳ, đại tràng, và tiểu tràng. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiếp cốt chống đau, và hoạt tràng.
Rau mồng tơi được sử dụng để chữa các bệnh như táo bón, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện khó, đái nhỏ giọt, kiết lỵ, ít sữa, tắc sữa, và di tinh. Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, mồng tơi còn giúp dễ sinh.
Không chỉ phổ biến ở Việt Nam, rau mồng tơi còn được sử dụng ở nhiều nước khác. Tại Trung Quốc, toàn cây được dùng để trị lỵ, viêm bàng quang, viêm ruột thừa và chữa các vết thương ngoài da. Ở Ấn Độ, lá mồng tơi được dùng để điều trị bệnh lậu và viêm quy đầu, còn dịch lá lại dùng để trị mày đay và táo bón, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Tại Thái Lan, lá mồng tơi được dùng để chữa bệnh nấm đốm tròn, hoa dùng trị nấm lang ben, và rễ có tác dụng nhuận tràng và điều trị gàu.
Trong y học cổ truyền, mồng tơi được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh:
- Đau nhức khớp do phong thấp: Sử dụng 50-100g rau mồng tơi, móng chân giò hầm với nước có ít rượu, ăn hàng ngày.
- Nhuận tràng, chống táo bón: Nấu canh từ 50g rau mồng tơi, 50g rau đay và 1-2 củ khoai sọ, ăn trong ngày.
- Tiểu tiện không thông suốt, nhỏ giọt: Sắc 70-100g rau mồng tơi tươi, uống thay trà.
- Ngực bồn chồn, đầy tức: Sắc 60g rau mồng tơi lấy nước đặc, thêm chút rượu trắng, uống ấm.
- Mụn nhọt: Giã hoặc xay nhuyễn lá mồng tơi, trộn ít muối, đắp lên mụn.
- Say nắng: Giã nát lá mồng tơi, đắp lên thái dương và trán, dùng vải bó lại.
- Đẹp da: Giã nát lá mồng tơi non, lấy nước cốt, thêm ít muối, thoa lên da trước khi đi ngủ.
- Lợi sữa: Phụ nữ sau sinh ăn rau mồng tơi để tăng sữa.
- Trĩ: Giã nhuyễn lá mồng tơi, đắp vào chỗ bị trĩ.
- Tráng dương cho người yếu sinh lý: Nấu canh rau mồng tơi, rau ngót, rau má với lòng gà hay vịt, ăn vài lần trong tuần.
- Chữa di mộng tinh: Nấu rau mồng tơi, đậu nành, và lạc với xương lợn, ăn nóng.
- Chữa khí hư, suy nhược: Ninh nhừ gà ác với rau mồng tơi và đậu đen, ăn cả nước và cái, tuần 1-2 lần.
Rau mồng tơi không chỉ là món ăn ngon mà còn là vị thuốc quý, được áp dụng rộng rãi trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)