Ngải cứu mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn loại rau này.
Lợi ích của ngải cứu đối với sức khỏe
Ngải cứu ngoài việc được dùng làm rau trong các bữa ăn hàng ngày còn là một cây thuốc chữa bệnh. Nó có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tăng tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng... Ngải cứu là thuốc bổ dành cho phụ nữ bị động thai, sảy thai liên tiếp...
Làm thuốc điều kinh
Một tuần trước khi đến ngày kinh dự kiến, chị em có thể lấy 6-12 gram ngải cứu (tối đa 20 gram) sắc lấy nước hoặc hãm với nước sôi như trà. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Cũng có thể sử dụng ngải cứu được nghiền thành bột (dùng 5-10 gram) hoặc dạng cao đặc (1-4 gram) để pha nước uống.
An thai
Phụ nữ mang thai có thể sử dụng ngải cứu với tác dụng an thai. Tuy nhiên, khi sử dụng nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ.
Trị mụn, mẩn ngứa
Lá ngải cứu tươi giã nát có thể dùng để đắp lên những vùng da bị mụn, mẩn ngứa khoảng 20 phút. Sau đó, rửa sạch da bằng nước mát.
Có thể dùng nước lá ngải cứu để tắm cho trẻ nhỏ bị rôm sảy.
Giúp máu lưu thông lên não
Lấy một nắm lá ngải cứu cắt nhỏ, đánh tan với 1 quả trứng gà và nêm hạt nêm, gia vị vừa đủ rồi đổ vào chảo chiên chín.
Trị suy nhược cơ thể, kém ăn
Lấy 250 gram ngải cứu, 2 quả lê, 20 gram câu kỷ tử, 10 gram đinh quy, 1 con gà ri hoặc gà ác đem hầm với 500ml nước. Chia thành 5 phần và ăn trong ngày, dùng trong khoảng 1-2 tuần.
Trị cảm cúm, ho, đau họng, đau đầu, đau dây thần kinh
Lấy 300gr ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp, 100gr lá bưởi (hoặc lá quýt, lá chanh) cho vào nồi nấu cùng 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống và dùng nước này để xông 15 phút.
Muối ngải cứu giảm mỡ bụng
Dùng 1kg muối rang với một bó ngải cứu to cho đến khi rau tỏa ra mùi thơm thì cho vào túi vải nhỏ dùng để chườm bụng. Chú ý không chườm khi ngải cứu rang muối còn quá nóng vì rất dễ bị bỏng da. Nên chờ cho ngải cứu nguội bớt và có nhiệt độ vừa phải. Hỗn hợp ngải cứu rang muối có tác dụng làm tan mỡ, mềm cơ bụng, giữ ấm, ngăn ngừa táo bón, các bệnh phụ khoa, đau lưng sau mang thai.
Những người không nên sử dụng ngải cứu
Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Ngải cứu là vị thuốc có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng. Vì vậy, những người đang bị rối loạn đường ruột cấp tính không nên sử dụng để tránh tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, những người bị sỏi thận cũng nên tránh sử dụng loại rau này.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
Mặc dù ngải cứu có tác dụng an thai nhưng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu chưa nên sử dụng loại rau này. Nguyên dân là do ngải cứu có chứa các chất có thể kích thích co bóp tử cung, nếu ăn nhiều sẽ dễ dẫng tới sảy thai.
Mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm hoặc máu nóng cũng nên tránh sử dụng loại rau này trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Người bị viêm gan
Trong ngải cứu có chứa các loại tinh dầu dễ bay hơi. Tinh dầu trong ngải cứu có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có thể gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách. Chất này có thể đi vào gan và làm rối loạn chuyển hóa tế bào gan, gây viêm gan cấp tính do trúng độc, viêm gan vàng da, làm to gan, nước tiểu đục... Người bị viêm gan sử dụng nhiều rau ngải cứu sẽ làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Rau ngải cứu tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây tác dụng phụ. Các chuyên gia khuyến cáo, người bình thường cũng chỉ nên sử dụng loại rau này 1-2 lần/tuần. Dùng quá nhiều ngải cứu có thể gây ra ngộ độc, thậm chí làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây co giật, tê liệt...
Bách Nguyên (Theo songkhoe)