Màu sắc kinh nguyệt của phụ nữ có thể chỉ ra các tình trạng sức khỏe khác nhau. Những thay đổi về màu sắc trong kỳ kinh có ý nghĩa gì và khi nào cần đi khám?
Trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể thải mô và máu từ tử cung qua âm đạo. Chất dịch đẫm máu này thay đổi từ màu đỏ tươi đến màu nâu sẫm hoặc đen, tùy thuộc vào thời gian lưu lại trong tử cung đủ lâu sẽ phản ứng với oxy (oxy hóa). Máu đã có thời gian oxy hóa sẽ có màu sẫm hơn.
Sự thay đổi nội tiết tố và tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc, kết cấu của máu kinh nguyệt.
1. Máu kinh nguyệt màu đen
Máu đen có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối chu kỳ kinh nguyệt do máu bị oxy hóa trong quá trình thoát ra khỏi tử cung và âm đạo. Do đó, tùy vào thời gian hành kinh kéo dài mà màu sắc kinh nguyệt có sự thay đổi, chuyển sang các màu như nâu, nâu sẫm, sau đó chuyển sang màu đen.
Nếu kinh nguyệt màu đen ngày đầu hoặc ngày cuối kỳ hành kinh thì không cần quá lo. Bởi nguyên nhân đa phần là do thời gian này, máu kinh xuất ra chậm và cần nhiều thời gian để tống xuất ra khỏi cơ thể nên màu sắc có thể thay đổi từ màu đỏ bình thường sang màu nâu hoặc đen.
Còn nếu có khí hư màu đen trước kỳ kinh nguyệt thì đó có khả năng là do phần máu còn sót lại ở kỳ hành kinh trước được cơ thể đẩy ra ngoài nhờ cơ chế tiết dịch. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt màu đen đi kèm với những triệu chứng bất thường thì tốt nhất nên đi khám vì để loại trừ một bệnh lý nào đó.
2. Máu kinh nguyệt màu nâu hoặc đỏ sẫm
Giống như máu đen, màu nâu hoặc đỏ sẫm là dấu hiệu của máu cũ và có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối kỳ kinh. Máu màu nâu hoặc đỏ sẫm không có thời gian oxy hóa lâu như máu đen và xuất hiện với nhiều sắc thái khác nhau.
Mang thai: Máu màu nâu hoặc đốm đôi khi cũng có thể là dấu hiệu sớm của thai kỳ mà các bác sĩ gọi là ra máu báo thai.
Dịch tiết màu nâu hoặc đốm khi mang thai có thể chỉ ra sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung, đó là trứng đã thụ tinh làm tổ trong ống dẫn trứng thay vì tử cung. Điều quan trọng đối với những phụ nữ bị ra máu hoặc chảy máu âm đạo khi mang thai là phải đi khám ngay lập tức.
Sản dịch sau sinh: Chảy máu sau sinh là hiện tượng dịch tiết ở đường âm đạo trong thời kỳ hậu sản. Dịch tiết này bao gồm máu, mô chảy ra từ niêm mạc tử cung và vi khuẩn. Dịch tiết âm đạo màu đỏ sẫm hoặc nâu. Chảy máu sau sinh không phải là nguyên nhân gây lo ngại và là cách cơ thể đẩy máu và mô dư thừa ra khỏi tử cung.
Chảy máu sau sinh thường bắt đầu với máu đỏ tươi và sau đó chuyển sang màu sẫm hơn khi dòng chảy giảm dần. Theo thời gian, chất thải sẽ nhạt màu hơn về số lượng và màu sắc.
Thời gian của sản dịch thay đổi tùy theo từng người nhưng nó thường biến mất trong vài tháng đầu sau khi sinh. Những phụ nữ bị chảy máu nhiều sau khi sinh có nguy cơ là một biến chứng nguy hiểm nên đi đến bệnh viện ngay lập tức.
Không phải tất cả phụ nữ đều trải qua tình trạng chảy máu sau khi sinh con. Phụ nữ cũng có thể có kinh nguyệt không đều sau khi sinh do thay đổi nồng độ hormone.
3. Kinh nguyệt màu đỏ tươi
Máu đỏ tươi chứng tỏ máu tươi và dòng chảy ổn định. Một kỳ kinh có thể bắt đầu với hiện tượng chảy máu màu đỏ tươi và sẫm màu hơn vào cuối kỳ kinh. Một số phụ nữ ra màu đỏ tươi trong suốt thời kỳ kinh nguyệt.
Đốm hoặc chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu. Sự phát triển ở niêm mạc tử cung, được gọi là polyp hoặc u xơ cũng có thể gây chảy máu nặng bất thường. Hiếm khi chảy máu đỏ tươi là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
4. Kinh nguyệt màu hồng
Sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố có thể làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, điều này dẫn đến lượng máu ra ít hơn và có màu hơi hồng trong kỳ kinh nguyệt.
Quan hệ tình dục thô bạo có thể tạo ra những vết rách nhỏ ở âm đạo hoặc cổ tử cung. Máu từ những vết rách này dễ lẫn với dịch âm đạo và thoát ra khỏi cơ thể dưới dạng dịch tiết màu hồng.
Các nguyên nhân khác gây ra máu kinh màu hồng có thể bao gồm:
Giảm cân quá mức;
Chế độ ăn uống không lành mạnh;
Thiếu máu;
Mang thai.
Khi mang thai, dịch tiết màu hồng chứa mô và xảy ra cùng với chuột rút cần đề phòng dấu hiệu sảy thai. Điều quan trọng đối với những phụ nữ bị chảy máu âm đạo khi mang thai là phải khám.
5. Máu màu cam
Máu trộn với dịch cổ tử cung cũng có thể có màu cam. Máu cam hoặc dịch tiết ra nhiều khi là dấu hiệu của nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm trichomonas. Phụ nữ có máu màu cam nên kiểm tra các triệu chứng nhận biết khác, chẳng hạn như ngứa âm đạo, khó chịu và tiết dịch có mùi hôi.
Mặc dù máu hoặc dịch tiết màu cam không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng nhưng nên đi khám để được đánh giá triệu chứng.
6. Máu màu xám
Dịch tiết màu xám thường là dấu hiệu của bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn, một tình trạng xảy ra do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong âm đạo.
Các triệu chứng khác của viêm âm đạo do vi khuẩn bao gồm:
Ngứa trong và xung quanh âm đạo;
Mùi âm đạo có mùi hôi, tanh;
Đi tiểu nóng rát, đau đớn.
Phụ nữ có triệu chứng viêm âm đạo do vi khuẩn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Các bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn.
Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là khác nhau và máu có thể thay đổi màu sắc cũng như độ đặc trong một kỳ kinh hoặc các chu kỳ không giống nhau. Vì vậy, phụ nữ nên tìm hiểu hiện tượng kinh nguyệt khi nào là bình thường và điều gì là dấu hiệu bệnh để có thể đi khám kịp thời.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)