Sống khoẻ

Lý do khiến âm đạo bị ngứa và cách phòng ngừa

Ngứa âm đạo có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và mỗi nguyên nhân được điều trị khác nhau. Ngứa âm đạo gây khó chịu nhưng thường không nghiêm trọng nhưng cần tìm nguyên nhân khiến âm đạo bị ngứa để phòng ngừa và điều trị.

1. Nguyên nhân gây ngứa âm đạo

1.1 Nhiễm trùng nấm men

Được coi là thủ phạm đầu tiên và rất phổ biến gây ngứa âm đạo, gây ảnh hưởng đến 3/4 phụ nữ tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ.

Nhiễm trùng nấm âm đạo không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, có nguy cơ nhiễm nấm âm đạo cao hơn vào thời điểm quan hệ tình dục. Cũng có một số bằng chứng cho thấy nhiễm trùng có thể liên quan đến tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục.

Thuốc có thể điều trị hiệu quả nhiễm nấm âm đạo. Nếu phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men tái phát 4 lần trở lên trong vòng một năm cần một đợt điều trị lâu dài.

1.2 Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể gây kích ứng và biểu hiện tiết dịch ngứa và có mùi nhẹ có triệu chứng ngứa âm hộ (liên quan đến âm đạo và âm hộ) bao gồm: Trichomonas, mụn rộp, mụn cóc sinh dục.

Với bệnh Trichomonas phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Để tránh tái phát, tất cả các cặp vợ chồng nên được điều trị cùng một lúc và có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.

Nếu không biết rõ tình trạng ngứa có phải do bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không nên đi khám bác sĩ để được xét nghiệm biết chính xác..

1.3 Dị ứng

Giống như một số chất kích thích có thể gây dị ứng mũi, điều tương tự cũng có thể xảy ra với âm đạo của phụ nữ. Đôi khi, đồ lót có chất liệu vải hoặc sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ như băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh có mùi thơm không phù hợp có thể dẫn đến cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong hoặc xung quanh âm đạo.

Xà phòng tắm hoặc xà phòng giặt có thể gây ra phản ứng trong âm đạo. Đó là lý do tại sao nên tránh thụt rửa sâu hoặc "làm sạch quá mức" âm đạo.

Vì vậy, khi nhận thấy rằng việc dùng một số sản phẩm vệ sinh có mùi thơm khiến âm đạo bị ngứa hoặc thậm chí bỏng rát, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và đến khám tại phòng khám chuyên khoa.

1.4 Nấm vùng bẹn

Nấm vùng bẹn đôi khi có thể là thủ phạm gây ngứa xung quanh âm đạo thường xảy ra do dùng chung khăn tắm hoặc đồ lót, nhưng trong trường hợp này nấm tập trung vào vùng bẹn. Cảm giác ngứa này thường ở xung quanh đùi và đáy quần, vì vậy nếu vết ngứa khu trú nhiều hơn ở bên trong âm đạo thì không phải do nấm gây ngứa bẹn.

Nhưng nếu nhận thấy bất kỳ vết mẩn đỏ hoặc kích ứng nào xung quanh bẹn mà không biến mất, nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

1.5 Thiếu nội tiết tố

Khi tuổi cao, các bộ phận khác nhau trên cơ thể bắt đầu trải qua những thay đổi. Đối với phụ nữ, việc thiếu estrogen có thể khiến da mỏng đi, đôi khi dẫn đến cảm giác khó chịu, ngứa hoặc tiết dịch. Điều này có thể xảy ra với phụ nữ khi họ trải qua thời kỳ mãn kinh và với một số phụ nữ đang cho con bú. Chất bôi trơn âm đạo hoặc một lượng nhỏ estrogen có thể giúp ích trong trường hợp này.

1.6 Kích ứng da trong hoặc xung quanh âm hộ

Âm đạo cũng không miễn dịch với các tình trạng da. Có một số tình trạng da có thể gây ra những thay đổi về da, chẳng hạn như làm trắng da và ngứa. Viêm da tiếp xúc hoặc viêm nang lông đều có thể xảy ra xung quanh âm đạo. Nếu nhận thấy da nổi mẩn đỏ, ngứa và thậm chí đau, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng da. Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng này có thể dùng thuốc mỡ steroid để điều trị.

1.7 Viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn phát triển khi vi khuẩn "tốt" và vi khuẩn "xấu" trong âm đạo xung đột với nhau. Âm đạo là một hệ sinh thái mỏng manh cần sự cân bằng, vì vậy nếu vi khuẩn nghiêng quá nhiều sang một bên, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn có một mùi riêng, vì vậy nếu nhận thấy mùi "tanh" nồng nặc ra từ âm đạo, kết hợp với ngứa và kích ứng, thì đây có thể là một dấu hiệu nhận biết bệnh. Cũng có thể nhận thấy khí hư có màu xám nhạt hoặc trắng. Mặc dù đối với một số phụ nữ, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể tự biến mất, nhưng trong một số trường hợp vẫn phải dùng một số loại thuốc kháng sinh.

2. Dấu hiệu ngứa âm đạo

Thỉnh thoảng ngứa âm đạo là bình thường nhưng nếu tái phát nhiều lần hoặc trở nên tồi tệ hơn, đó có thể là dấu hiệu nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng cần lưu ý là nếu âm đạo bắt đầu ngứa sau khi thay đổi thói quen chẳng hạn như sử dụng một số sản phẩm vệ sinh phụ nữ, hoặc xuất hiện những cơn ngứa bất ngờ.

Với những nguyên nhân có thể gây ngứa âm đạo, phụ nữ nên đi khám bác sĩ khi nhận thấy những tình trạng sau:

Nhận thấy những vết phồng rộp hoặc vết loét trên âm hộ

Cảm thấy đau ở âm đạo

Mẩn đỏ trong hoặc xung quanh âm đạo

Gặp khó khăn khi đi tiểu.

Đang bị đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục.

Đang nhận thấy dịch tiết âm đạo bất thường.

3. Làm thế nào để ngăn chặn ngứa âm đạo?

Tùy thuộc vào lý do khiến khiến phụ nữ bị ngứa âm đạo, nên không phải lúc nào cũng có một biện pháp điều trị cho tất cả phụ nữ. Vì vậy, cần đi khám chuyên khoa để bác sĩ tìm cách điều trị nào là tốt nhất.

Để giúp hạn chế tối đa tình trạng ngứa ngáy và khó chịu, người bệnh nên thực hiện theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và nên chăm sóc vùng kín bằng xà phòng và kem dưỡng da không mùi, tốt nhất dùng dung dịch vệ sinh không mùi có tính kiềm, thay quần áo ướt sau khi bơi hoặc tập thể dục, nên lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh và thay quần lót hàng ngày… Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc xịt hoặc thụt rửa âm đạo nào.

Nếu cảm thấy ngứa âm đạo, không quá hoảng sợ hay xấu hổ mà tự lắng nghe các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể, đến bệnh viện khám để giúp tìm ra nguyên nhân gây ngứa khi các triệu chứng trở nên dai dẳng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đừng trì hoãn việc khám vì bác sĩ có thể có giải pháp nhanh chóng.

Bách Nguyên (Theo songkhoe)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram