Trà đen có rất nhiều tác động tích cực đến sức khoẻ, là một trong những đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.
Trong một cốc trà đen trung bình (237ml) chứa từ 47mg caffeine và cao chất có thể lên tới 90mg caffeine, gần bằng lượng caffeine trong 1 cốc cà phê có cùng thể tích (chứa khoảng 95mg caffeine).
Còn trà xanh chỉ chứa 20-45mg caffeine. Trà trắng thì chứa 6-60mg caffeine mỗi cốc 237ml. Chính vì vậy, nếu bạn muốn tỉnh táo, tập trung mà không muốn nạp quá nhiều caffeine vào cơ thể thì trà đen là sự lựa chọn hợp lý để thay thế cho cafe. Không chỉ vậy, trà đen còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Giảm cholesterol, tốt cho tim mạch
Trà đen chứa flavonoid, một nhóm chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp, nồng độ chất béo trung tính, cholesterol trong máu và ngăn chặn tình trạng thừa cân. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng theaflavin, một loại chất chống oxy hóa có trong trà đen, có thể làm giảm lượng cholesterol.
Uống trà đen đều đặn còn giúp hạn chế cholesterol "xấu" LDL, ngăn chặn sự hình thành mảng bám trong động mạch, qua đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, suy tim và đột quỵ. Một nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng việc uống trà mỗi ngày có thể giảm 8% nguy cơ bệnh tim và 10% nguy cơ đau tim so với những người không uống trà trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, một nghiên cứu khác đã phát hiện thấy rằng uống ba tách trà đen mỗi ngày trong nửa năm có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa tiểu đường
Một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ trà đen, trà xanh hay trà ô long có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh tiểu đường và những biến chứng liên quan. Các nhà khoa học nhận định rằng các loại trà này có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm viêm nhiễm trong cơ thể.
Theo một nghiên cứu khác vào năm 2017, việc uống trà đen sau khi tiêu thụ đường giúp kiểm soát đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường và cả những người không mắc bệnh. Dữ liệu trình bày trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu vào tháng 10 năm 2023 cho thấy rằng những người uống trà đen thường xuyên có thể giảm tới 53% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng quá trình oxy hóa trong trà đen tạo ra các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm, giúp cải thiện độ nhạy của insulin, nâng cao chức năng của tuyến tụy và có ảnh hưởng tốt đến vi khuẩn ruột. Uống trà đen còn liên quan đến việc tăng cường bài tiết glucose qua nước tiểu và giảm tình trạng kháng insulin, hỗ trợ việc quản lý lượng đường trong máu một cách hiệu quả hơn.
Cải thiện sức khoẻ đường ruột
Trong trà đen, các hợp chất polyphenol có khả năng thúc đẩy sức khỏe đường ruột bằng cách hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn tốt và ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn xấu. Ngoài ra, trà đen cũng có tính năng kháng khuẩn, có thể loại bỏ các vi sinh vật gây hại trong hệ tiêu hóa.
Ngăn ngừa một số loại ung thư
Trà đen là nguồn chứa chất chống oxy hóa phong phú, giúp trung hòa các gốc tự do và giảm tổn thương tế bào, từ đó làm giảm rủi ro mắc các bệnh mãn tính bao gồm cả ung thư. Cụ thể, polyphenol - một loại chất chống oxy hóa trong trà đen, được biết đến với khả năng làm giảm nguy cơ hình thành khối u. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà đen có thể hỗ trợ giảm nguy cơ một số loại ung thư như ung thư đường tiêu hóa, vú, buồng trứng, phổi và tuyến giáp.
Không chỉ vậy, trà đen còn có thể đóng góp vào việc tăng cường mật độ xương, làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp, cải thiện tâm trạng và khả năng tập trung, cũng như giúp phòng ngừa bệnh Parkinson.
Những lưu ý khi dùng trà đen
Do trà đen giàu caffeine, nên hạn chế tiêu thụ không quá 3 ly mỗi ngày và tránh uống gần giờ đi ngủ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây rối loạn nhịp tim hay nhức đầu. Những người có nguy cơ sỏi thận hoặc mắc bệnh thận mãn tính cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng trà đen, bởi lượng oxalat cao trong trà có thể tạo điều kiện cho sự hình thành của sỏi thận.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)