Tiêu dùng

Kịch bản phục hồi nào cho ngành du lịch sau Covid-19?

Ngày 28/10, Talk show Nguy cơ phối hợp thực hiện bởi VnExpress và S-World, đã lên sóng với sự góp mặt của ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group.

Khách mời có 27 năm kinh nghiệm phát triển ngành du lịch Việt Nam, là người tiên phong trong việc đưa các hoạt động du lịch mạo hiểm vào 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia với thương hiệu Buffalo Tours, nổi tiếng với thương vụ nhượng quyền cho Tập đoàn Flight Center Travel vào năm 2018. Thiên Minh Group (TMG) còn được biết đến với các thương hiệu du lịch – khách sạn – nhà hàng nổi tiếng tại Việt Nam như iVIVU, chuỗi Victoria Hotels & Resorts, chuỗi nhà hàng Spice Việt, Hải Âu Aviation,…

Và người dẫn chương trình là bà Nguyễn Phi Vân, Chuyên gia nhượng quyền, Doanh nhân và Nhà đầu tư thiên thần.


Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group

Khách mời có những chia sẻ về các khó khăn mà ngành du lịch Việt Nam đang và sẽ đối mặt trong giai đoạn tái tạo sau Covid-19, và nhận định về các kế hoạch phát triển du lịch bền vững, từ đó đúc kết được nhiều bài học bổ ích cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong quá trình tái thiết nền du lịch Việt sau đại dịch.

Ngành du lịch Việt Nam vực dậy từ "nỗi đau" Covid-19

Là một người có kinh nghiệm lãnh đạo và làm việc hơn 20 năm trong ngành du lịch, khách mời của Talkshow Nguy Cơ tập 18 – Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group cũng nhận định rằng, cơn "đại hồng thủy" Covid-19 càn quét trong 2 năm vừa qua đã để lại cảnh "hoang tàn" chưa từng có trong vòng 50 năm phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, ngành du lịch thế giới sụt giảm tối thiểu đến 80% trong thời gian vừa qua, hàng trăm triệu người lao động bị mất việc làm. Việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người dân toàn cầu.

Ông Trần Trọng Kiên cho biết, trong nước ước tính đã mất đi ít nhất 80% các công ty du lịch, 50% khách sạn phải đóng cửa, khoảng 2 triệu người mất công ăn việc làm. Trong vòng 18 tháng qua, doanh thu toàn ngành đã sụt giảm trên 60%, số khách giảm trên 40% trong năm ngoái. Trong vòng 3 tháng qua, hầu như Việt Nam không còn hoạt động du lịch. Ông cho biết thêm, doanh thu dự kiến của Tập đoàn Thiên Minh vào năm 2020 là 3000 tỷ, trong đó lợi nhuận khoảng 300 tỷ, nhưng do ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch, doanh thu thực tế sụt giảm còn có 656 tỷ và lỗ gần 350 tỷ. Số nhân viên cũng giảm từ  2000 người xuống còn 1300 người ở thời điểm hiện tại. Đây là lần đầu tiên ông chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu và số người lao động trong suốt gần 27 năm phát triển của Tập đoàn Thiên Minh. Tuy nhiên, trong khó khăn lớn nhất lịch sử, ông Trần Trọng Kiên không hề từ bỏ hy vọng.


Cơ hội mở cửa sớm với kịch bản mới cho du lịch Việt Nam

Để có thể sớm đưa ngành du lịch Việt Nam trở lại đường đua, ông Trần Trọng Kiên nêu ý kiến, Chính phủ cần có một lộ trình mở cửa rõ ràng dựa trên những hiểu biết tốt nhất mà Việt Nam có được, cùng những bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang sẵn sàng để có thể mở cửa được trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam có điều kiện tương đối cao về mặt vận hành nhưng vẫn chưa sẵn sàng về chính sách cũng như truyền thông. Ông Trần Trọng Kiên hy vọng Nghị định 138 của Chính phủ vừa ban hành ngày 1/10 sẽ mang "niềm vui Giáng sinh" đến sớm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các thông tin về việc mở cửa trở lại được công bố sớm thì doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn là quyết định "mì ăn liền" nay thông báo, mai mở cửa.

Bên cạnh các tiềm năng nội tại, Việt Nam cũng có thể học hỏi từ các khuyến cáo của tổ chức như Liên Hiệp Quốc, các nước châu Âu, Anh, Mỹ và đặc biệt là Singapore và Thái Lan. Theo đó, quan trọng nhất là vai trò chủ trì của Chính phủ, phải có tổ công tác đặc biệt. "Hội đồng tư vấn đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch sẽ chủ trì trong việc mở cửa này vì nó liên quan tất cả các bộ, ngành khác." Tiếp theo, vấn đề dịch tễ là một trong những điều kiện tiên quyết đánh giá mức độ an toàn để mở cửa. Cuối cùng, phải có nền tảng tiêm chủng tốt, tỷ lệ tiêm chủng trên 70% thì các nước nói trên mới mở cửa. Một bài học khác mà Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore là năng lực xử lý sự cố về y tế như số bệnh viện, số giường ICU, lượng oxy, độ sẵn sàng. Cụ thể hơn, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là trong ngành du lịch như mở các khoản vay giải cứu từ 1 đến 5 triệu SGD, hỗ trợ đến 30% tiền thuê mặt bằng tư nhân, miễn phí thuê mặt bằng do nhà nước sở hữu hoặc quản lý, hỗ trợ lương thông qua các chương trình hỗ trợ việc làm và tiền lương…


Ông Trần Trọng Kiên cũng tự tin nhận định Việt Nam, Nhật Bản và Singapore là 3 nước sẽ có sự phục hồi tốt nhất trong năm 2022. Để có được cơ hội này, Việt Nam cần đầu tư vào 2 việc: chính sách của Chính phủ và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam. Ông hy vọng năm 2022 sẽ là cột mốc đánh dấu sự "trở lại và lợi hại hơn xưa" của ngành du lịch Việt Nam và chúng ta sẽ nằm trong Top 50 các quốc gia có năng lực cạnh tranh lớn nhất thế giới.

Chân dung khách hàng mới – Mô hình mới – Thời đại mới

Nếu lấy được đà phục hồi hậu Covid-19, du lịch Việt Nam sẽ có gương mặt như thế nào trong bức tranh du lịch tương lai xa hơn? Câu trả lời về một nền du lịch bền vững với những đối tượng du lịch mới có thể là một lựa chọn tối ưu. Trả lời cho câu hỏi của host Nguyễn Phi Vân về đối tượng du lịch mới sau khi xem báo cáo của SingapoReimagine Global Conversations (Đối thoại toàn cầu Tái hình dung Singapore), ông Trần Trọng Kiên cho biết Tổng cục Du lịch Singapore là một tổ chức rất năng động và là một đối thủ cho ngành du lịch Việt Nam học hỏi. Họ đã tạo ra những khái niệm mới trong việc phân chia đối tượng hành khách trong lĩnh vực du lịch bền vững.

Ông Trần Trọng Kiên nhận định, Việt Nam luôn là một điểm nhấn hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Trong giai đoạn phát triển sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam cần định vị phát triển bền vững là định hướng quan trọng trong tất cả các chiến lược phát triển du lịch. Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo chiến lược mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký tháng 1 năm 2020, phát triển bền vững là tiền đề cực kì quan trọng cho phát triển tương lai. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Kiên cũng lưu ý, "tùy theo từng giai đoạn phát triển, có những sản phẩm của Việt Nam chưa đủ bền vững, chưa tuân thủ các quy định về 4 trụ cột về môi trường, bảo tồn, người dân địa phương và biến đổi khí hậu – trái đất". Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích hoặc những điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động du lịch bền vững. Singapore là một ví dụ trong việc Chính phủ khuyến khích và chế tài rất cao để buộc tất cả các doanh nghiệp tham gia vào ngành du lịch một cách bền vững và hệ thống nhất. Trong đó, để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững về du lịch và toàn diện trên cả quốc gia, chính phủ Singapore đã giới thiệu Kế hoạch Singapore Green Plan 2030, trong đó thiết lập các mục tiêu "phủ xanh" 80% tất cả các tòa nhà vào năm 2030 như một phần cam kết trong Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris. Cụ thể, Bộ Môi trường bền vững trực thuộc chính phủ Singapore tập hợp nỗ lực của các cơ quan khác nhau, nhằm hướng tới một số mục tiêu chính như trồng thêm 1 triệu cây xanh, tăng gấp bốn lần sản lượng năng lượng mặt trời vào năm 2025, giảm 30% chất thải được đưa đến bãi chôn lấp đến năm 2030.

Linh An

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram