Nhiều chị em, trong đó có cả những phụ nữ trẻ tuổi sau sinh con bị khô âm đạo gây khó khăn trong chuyện phòng the. Vậy tình trạng này có tự hết không hay phải điều trị?
Khô âm đạo là do sản xuất hormone estrogen ở phụ nữ giảm. Điều này thường xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sau khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
Theo một nghiên cứu có tới 43 % phụ nữ gặp tình trạng khô âm đạo sau khi sinh con. Điều này khiến quan hệ tình dục trở nên đau đớn khiến nhiều chị em né tránh, ảnh hưởng tới sự gần gũi vợ chồng, thậm chí gây tâm lý căng thẳng. Vì sao khô âm đạo sau sinh?
1. Giảm sản xuất hormone gây khô âm đạo sau sinh
Estrogen và progesterone là hai loại hormone chính mà cơ thể phụ nữ sản xuất (trong buồng trứng). Chúng chịu trách nhiệm kích hoạt tuổi dậy thì bao gồm sự phát triển của cơ quan sinh sản bao gồm cả vú và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Khi những hormone này được sản xuất, chúng giúp hình thành lớp lót bên trong tử cung, nội mạc tử cung. Nếu trứng rụng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt không được tinh trùng thụ tinh thì việc sản xuất hormone sẽ giảm xuống, dẫn đến bong tróc lớp nội mạc tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ này lặp lại cho đến khi trứng được thụ tinh.
Khi trứng được thụ tinh, quá trình sản xuất hormone không hề chậm lại mà cứ tăng lên và lớp nội mạc tử cung biến thành nhau thai hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của em bé.
BS Nguyễn Thị Bích Thủy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong vòng 24 giờ sau khi sinh, cơ thể sản xuất estrogen và progesterone giảm về mức bình thường và điều đó dẫn đến nồng độ giảm đột ngột, khiến âm đạo bị khô. Bên cạnh đó, trong thời kỳ cho con bú, cơ thể người mẹ tiết ra hormone prolactin kèm theo stress, căng thẳng khi chăm sóc con nhỏ, gây ức chế estrogen.
Estrogen là một loại hormone quan trọng cũng được sản xuất khi phụ nữ bị kích thích. Điều này dẫn đến bôi trơn âm đạo để cho phép thâm nhập dễ dàng hơn. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, việc thiếu estrogen không chỉ khiến âm đạo khô mà còn gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa. Bổ sung estrogen phải theo lời khuyên của bác sĩ trước khi dùng.
Nồng độ estrogen ở nữ bình thường dao động từ 50 pg/ml tới 400 pg/ml. Nếu hàm lượng này thấp sẽ khiến vóc dáng, da, sinh lý nữ suy giảm.
2. Thay đổi sản xuất hormone tuyến giáp
BS. Nguyễn Thị Bích Thủy còn cho biết, ngoài ra, cơ thể người mẹ sau sinh chưa thể khỏe mạnh và hồi phục hoàn toàn. Một số sản phụ còn bị mất máu, vết thương ở vùng kín, ở bụng nếu sinh mổ chưa lành hoặc nguyên nhân thiếu hụt dinh dưỡng như vitamin B2 cũng làm ảnh hưởng đến khả năng tiết chất nhờn ở âm đạo. Điều này dẫn đến một số tình trạng như gây khô rát, xuất huyết, viêm nhiễm vùng kín... Ngoài ra, những người mắc một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tuyến giáp,... cũng dễ gặp tình trạng khô âm đạo.
Viêm tuyến giáp sau sinh là tuyến giáp bị viêm ở phụ nữ sau khi sinh. Tuyến giáp, giống như tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, là cơ quan quan trọng điều chỉnh quá trình trao đổi chất cùng với các chức năng khác của cơ thể. Tuyến giáp bị viêm có thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, dẫn đến bất kỳ hoặc hầu hết các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, khó ngủ, đánh trống ngực, run rẩy, lạnh, trầm cảm.
Cần lưu ý rằng, thông thường tuyến giáp sẽ ổn định lại trong vòng 2 năm sau khi sinh. Nếu mức độ tuyến giáp không ở mức bình thường, bác sĩ phụ khoa có thể cho dùng thuốc chẹn beta nếu tuyến giáp hoạt động quá mức…
Có một số các chất bổ sung tự nhiên có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường hoạt động của tuyến giáp nhưng làm theo chỉ định của bác sĩ là điều tốt nhất.
3. Điều gì xảy ra khi âm đạo bị khô?
Việc tiếp tục hoạt động tình dục bình thường trở nên khó khăn và đau đớn. Ngoài ra, do sản xuất estrogen giảm, nhiều chị em không hứng thú trong chuyện ấy. Điều này có thể làm tổn thương mối quan hệ của cặp đôi và cũng dẫn đến mối quan hệ căng thẳng càng làm giảm hứng thú với tình dục. Ngoài ra, việc cố gắng quan hệ tình dục trong tình trạng âm đạo khô thường dễ dẫn đến đau đớn và trong một số trường hợp, thành âm đạo có thể bị chảy máu hoặc viêm.
4. Điều trị khô âm đạo bằng các phương pháp không kê đơn
Chị em vẫn có thể có đời sống tình dục thú vị dù bị khô âm đạo sau sinh. Những lời khuyên sau đây đưa ra một số cách để nâng cao trải nghiệm tình dục sau sinh:
Chế độ ăn hợp lý: Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đủ chất, tăng cường các thực phẩm giúp cải thiện tình trạng suy giảm estrogen như đậu nành, các loại hạt, các loại đậu…
Uống nhiều nước: Duy trì thói quen uống nhiều nước giúp giữ cho làn da khăp cơ thể mềm mại và ngậm nước hơn.
Tập thể dục: Duy trì tập luyện thể dục thể thao phù hợp.
Tránh thụt rửa: Tránh sử dụng các sản phẩm như dung dịch vệ sinh phụ nữ có nồng độ acid cao để thụt rửa, làm sạch âm đạo. Nước ấm với xà phòng nhẹ sẽ đủ tốt để giữ cho âm đạo sạch sẽ.
Sử dụng chất bôi trơn: Nếu nhận thấy âm đạo khô, có thể thử dùng các loại thạch, kem hoặc chất bôi trơn gốc nước không cần kê đơn. Tốt nhất nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phụ sản khi có ý định sử dụng chất bôi trơn, kem bôi âm đạo.
Màn dạo đầu: Trao đổi với đối tác để dành thời gian cho màn dạo đầu cũng có thể giúp hưng phấn trước khi bắt đầu hành động thực sự.
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trường hợp đã thực hiện các cách nói trên mà vẫn không cải thiện, chị em nên gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám như kiểm tra lượng hormone và kê đơn thuốc phù hợp.
Luôn nói chuyện với bác sĩ nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn với cơ thể, nhất là khi các triệu chứng sau sinh vẫn tồn tại, nếu cơn đau không thể chịu đựng được. Nhiễm trùng, co thắt âm đạo (các cơn co thắt không tự chủ) cũng có thể gây đau khi giao hợp, vì vậy nên trao đổi với bác sĩ về những triệu chứng mà chị em đang trải qua.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)