Nhiễm virus Herpes Simplex thường được gọi là mụn rộp sinh dục hay Herpes sinh dục. Thông thường bệnh không có triệu chứng hoặc các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh liên quan đến tình dục khác.
1. Virus Herpes gây mụn rộp sinh dục
Virus Herpes Simplex được phân loại thành 2 loại: Virus Herpes Simplex type 1 (HSV-1) và Virus Herpes Simplex type 2 (HSV-2).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 3,7 tỷ người dưới 50 tuổi bị nhiễm HSV-1 trên toàn cầu. Ước tính khoảng 491 triệu người trong độ tuổi từ 15-49 bị nhiễm HSV-2. Hầu hết các trường hợp nhiễm Herpes ở miệng và sinh dục đều không có triệu chứng.
– HSV-2 hầu như chỉ lây truyền qua tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục với bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục, gây nhiễm trùng ở vùng sinh dục hoặc hậu môn (mụn rộp sinh dục). Nhiễm HSV-2 làm tăng nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV.
Cả hai nhiễm trùng HSV-1 và HSV-2 là suốt đời. Cả nhiễm trùng Herpes miệng và nhiễm trùng Herpes sinh dục hầu hết không có triệu chứng hoặc không được phát hiện nhưng có thể gây ra các triệu chứng mụn nước hoặc vết loét đau đớn tại vị trí nhiễm trùng, từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, chúng thường khó phát hiện và dễ lây lan khi một người có quan hệ tình dục.
Nhiễm trùng Herpes dễ lây nhất khi có các triệu chứng nhưng vẫn có thể lây truyền cho người khác khi người bệnh không có triệu chứng. Các mụn nước hoặc vết loét tại vị trí nhiễm trùng với mức độ từ nhẹ đến nặng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác ở vùng sinh dục.
3. Một số bệnh liên quan đến tình dục dễ nhầm lẫn với mụn rộp sinh dục
3.1. Viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm âm đạo do vi khuẩn là sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn bình thường trong âm đạo. Nó không được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Viêm âm đạo do vi khuẩn khá phổ biến ở phụ nữ đã và đang có hoạt động tình dục. Nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Giống như bệnh mụn rộp, viêm âm đạo thường không có triệu chứng. Đôi khi những triệu chứng không rõ ràng như tiết dịch âm đạo, đau, ngứa hoặc rát khi quan hệ tình dục. Phía ngoài âm hộ ngứa ngáy và khó chịu là điều mà nhiều người lầm tưởng với bệnh mụn rộp. Viêm âm đạo do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
3.2. Nhiễm nấm âm đạo
Cũng giống như viêm âm đạo, nhiều người bị nhiễm nấm âm đạo tái phát thường bị nhầm lẫn với mụn rộp sinh dục, nhất là khi chúng lây nhiễm ra phía ngoài âm hộ. Tuy nhiên, nhiễm nấm âm đạo có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn.
3.3. Nhiễm trùng roi Trichomonas
Nhiễm trùng roi Trichomonas là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giống như Herpes sinh dục và viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng roi thường không có triệu chứng. Khi nó có các triệu chứng, chúng cũng có thể bị nhầm với mụn rộp. Ví dụ ngứa, rát và đỏ ở vùng sinh dục, đi tiểu rắt và tiết dịch âm đạo. Nhiễm trùng roi có thể điều trị bằng thuốc.
3.4. Bệnh giang mai
Các triệu chứng ban đầu của bệnh giang mai (được gọi là giang mai nguyên phát) là một hoặc nhiều vết loét ở hoặc gần bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc trực tràng có thể bị nhầm với mụn rộp. Khi bệnh giang mai đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo (giang mai thứ phát), các triệu chứng có thể bao gồm phát ban trên da kèm theo nổi hạch và sốt.
Điều quan trọng là phải điều trị bệnh giang mai càng sớm càng tốt. Bệnh giang mai có thể được điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh.
4. Các biến chứng có thể xảy ra khi nhiễm Herpes sinh dục
4.1. HSV-2 và HIV
HSV-2 và HIV đã được chứng minh là có ảnh hưởng lẫn nhau. Nhiễm HSV-2 làm tăng nguy cơ nhiễm HIV mới khoảng 3 lần. HSV-2 là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở những người sống chung với HIV, xảy ra ở 60-90% người nhiễm HIV. Ngoài ra, những người nhiễm cả HIV và HSV-2 có nhiều khả năng lây truyền HIV cho người khác.
Nhiễm HSV-2 ở những người nhiễm HIV (và những người bị suy giảm miễn dịch khác) có thể có biểu hiện nặng hơn và tái phát thường xuyên hơn. Trong bệnh HIV tiến triển, HSV-2 có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn nhưng hiếm gặp như viêm màng não, viêm thực quản, viêm gan, viêm màng phổi, hoại tử võng mạc hoặc nhiễm trùng lan tỏa.
4.2.Herpes sơ sinh
Mụn rộp ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với HSV (HSV-2 hoặc HSV-1) ở đường sinh dục của mẹ trong khi sinh. Herpes ở trẻ sơ sinh rất hiếm, xảy ra ước tính khoảng 10 trong số 100.000 ca sinh trên toàn cầu, nhưng là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tàn tật thần kinh lâu dài hoặc tử vong.
Phụ nữ bị mụn rộp sinh dục trước khi mang thai có nguy cơ lây truyền HSV sang con của họ là rất thấp. Nguy cơ mắc bệnh mụn rộp ở trẻ sơ sinh là cao nhất khi người mẹ bị nhiễm HSV lần đầu tiên vào cuối thai kỳ, do mức độ HSV trong đường sinh dục cao nhất trong giai đoạn đầu bị nhiễm.
4.3.Tác động tâm lý xã hội
Các triệu chứng của mụn rộp sinh dục tái phát có thể gây đau đớn và nhiễm trùng có thể dẫn đến sự kỳ thị của xã hội và tâm lý xa cách. Những yếu tố này có thể có tác động quan trọng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ tình dục. Tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết những người bị mụn rộp thích nghi với việc sống chung với nhiễm trùng.
5. Làm thế nào ngăn ngừa sự lây lan của HSV?
Herpes sinh dục có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus. Một số loại thuốc kháng virus được sử dụng hiện nay có thể giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các triệu chứng nhưng không thể chữa khỏi nhiễm trùng.
Những người nhiễm HSV sẽ mang virus trong suốt phần đời còn lại của họ. Ngay cả khi nó không biểu hiện các triệu chứng, virus vẫn sẽ tiếp tục sống trong các tế bào thần kinh. Một số người có thể bị bùng phát thường xuyên. Những người khác sẽ chỉ trải qua một đợt bùng phát sau khi họ nhiễm virus, và sau đó virus có thể không hoạt động.
Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh mụn rộp, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp để tránh lây nhiễm virus hoặc ngăn truyền HSV sang người khác.
Thực hành tình dục an toàn: Chung thủy với 1 bạn tình để tránh nguy cơ lây nhiễm mụn rộp sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Sử dụng bao cao su phù hợp và đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ lây lan mụn rộp sinh dục. Tuy nhiên, bao cao su chỉ bảo vệ một phần vì HSV có thể được tìm thấy ở những khu vực không được bao cao su che phủ.
Nếu bạn đang trải qua đợt bùng phát HSV-1, hãy cân nhắc thực hiện một số bước phòng ngừa: Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác. Không dùng chung bất kỳ vật dụng nào có thể truyền virus, chẳng hạn như cốc, khăn tắm, quần áo, đồ trang điểm hoặc son dưỡng môi. Không quan hệ tình dục bằng miệng, hôn hoặc bất kỳ loại hoạt động tình dục nào khác trong thời gian bùng phát bệnh. Rửa tay thật sạch và bôi thuốc bằng tăm bông để giảm tiếp xúc với vết loét.
Những người nhiễm HSV-2 nên tránh bất kỳ hình thức sinh hoạt tình dục nào với người khác trong thời gian bùng phát.
Phụ nữ mang thai có các triệu chứng của bệnh mụn rộp sinh dục nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Việc ngăn ngừa nhiễm Herpes sinh dục mới đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong giai đoạn cuối của thai kỳ vì đây là lúc nguy cơ mắc Herpes ở trẻ sơ sinh cao nhất. Phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm HSV có thể phải dùng thuốc để ngăn virus lây sang em bé.
Những người có các triệu chứng gợi ý nhiễm HSV cũng nên được làm xét nghiệm tầm soát HIV.
Bách Nguyên (Theo suckhoedoisong)