Đi bộ thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Lưu ý khi đi bộ cần đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật, lựa chọn trang phục phù hợp để việc tập luyện đạt hiệu quả tối ưu...
1. Những lợi ích của đi bộ
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, mỗi người nên tham gia luyện tập thể dục, thể thao với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Duy trì thói quen đi bộ đều đặn giúp tăng cường sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
Một số ích lợi có thể kể đến như:
- Hỗ trợ quá trình giảm cân: Với người thừa cân, béo phì, đi bộ cũng là hình thức tập luyện tuyệt vời để hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ trong cơ thể. Mỗi ngày, bạn đi bộ 30 phút trong liên tục 6 tháng, bạn có thể giảm được 5 đến 10% trọng lượng cơ thể. Để tăng cường hiệu quả giảm cân, cần kết hợp chế độ ăn kiêng phù hợp, có thể phối hợp đi bộ cùng các hình thức tập luyện khác để tăng cường đốt cháy calo.
- Tăng cường sức khỏe của xương: Đi bộ có thể giúp duy trì sức khỏe của xương và có khả năng làm giảm nguy cơ loãng xương. Ngoài ra, đi bộ còn giúp cải thiện sức mạnh cốt lõi, tăng khả năng ổn định và giữ thăng bằng để ngăn ngừa té ngã khi về già đi.
- Cải thiện tâm trạng: Một nghiên cứu đã cho thấy, những người trẻ tuổi thực hiện 10 phút đi bộ nhận thấy tâm trạng của họ khá lên đáng kể so với nhóm người chỉ ngồi một chỗ.
Đứng dậy và di chuyển giúp bạn loại bỏ cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, điều này có thể góp phần vào cảm giác chán nản tổng thể. Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy, thậm chí 5 phút đi bộ cũng giúp cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng trầm cảm.
- Thúc đẩy sức khỏe tim mạch: Đi bộ thường xuyên sẽ giúp tim hoạt động tốt hơn, đặc biệt là làm giảm lượng cholesterol.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Việc đi bộ mỗi ngày có thể giúp giảm tổng số cholesterol xuống 10%, giảm tới 30% nguy cơ mắc bệnh tim. Không những thế, những người đi bộ đều đặn 30 phút mỗi ngày, liên tục trong 4 tháng cũng được ghi nhận chỉ số huyết áp giảm rõ rệt.
- Tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh: Nghiên cứu đã cho thấy những người thường xuyên đi bộ có số lần bị cúm ít hơn so với những người không tập thể dục. Ngoài ra, nếu bị cúm, triệu chứng bệnh ở những người có tham gia vận động cũng nhẹ và nhanh khỏi hơn.
2. Cần lưu ý gì khi đi bộ?
Để duy trì thói quen đi bộ, bạn nên sắp xếp thời gian và lập kế hoạch vào một khoảng thời gian cố định trong ngày. Nếu quá khó để đi bộ trong 30 phút cùng một lúc, hãy thực hiện các đợt nhỏ đều đặn (10 phút), 3 lần mỗi ngày và tăng dần thành các đợt dài hơn.
Trước khi bắt đầu luyện tập, bạn cần thực hiện một số động tác để làm ấm cơ thể, giãn cơ trong khoảng 5 - 10 phút.
Khi đi bộ, đầu luôn thẳng, hướng về trước, lưng thẳng, hai tay cử động thoải mái theo nhịp sải chân. Nên bắt đầu đi chậm và sau đó tăng dần tốc độ đi mà bạn cảm thấy thoải mái. Thời gian đi bộ sẽ khác nhau ở người mới tập với người đã tập lâu dài và tùy vào thể lực của mỗi người. Đặc biệt, bạn phải duy trì thói quen tập luyện thường xuyên, đều đặn để mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất.
Nên lựa chọn trang phục phù hợp khi đi bộ. Tránh mặc quá nhiều lớp có thể làm tăng tiết mồ hôi và tăng nhiệt độ cơ thể, khiến bạn không thoải mái trong quá trình vận động. Hãy chắc chắn rằng đôi giày của bạn thoải mái, có hỗ trợ gót chân và vòm thích hợp. Thực hiện các bước nhẹ nhàng, dễ dàng và đảm bảo rằng gót chân của bạn chạm xuống trước các ngón chân.
Đối với những người cao tuổi, người mắc các bệnh lý xương khớp cần tham khảo hướng dẫn của bác sĩ trước khi luyện tập nhằm tránh các tác hại xấu có thể xảy ra đối với sức khỏe.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)