Ăn vài lát gừng tươi chấm muối, uống trà gừng hoặc chườm gừng nóng lên bụng có thể trị chứng đầy hơi khó tiêu, kích thích tiêu hóa.
Trong ngày Tết nếu ăn quá nhiều thức ăn chứa chất béo, tinh bột, đạm, nhiều gia vị, uống nhiều bia rượu, đồ ăn chứa chất ngọt, cộng với thói quen sinh hoạt thay đổi ăn ngủ mà không không có luyện tập, vận động khiến năng lượng dư thừa, thức ăn tiêu hóa chậm nên dễ phát sinh chứng đầy hơi, khó tiêu.
Triệu chứng thường được người bệnh mô tả là không có vị trí chính xác. Phần nhiều là cảm giác nặng nề, căng chướng, đầy tức hoặc lạnh vùng quanh rốn hoặc thượng vị. Có thể kèm theo ợ hơi, buồn nôn nhưng không nôn được, kèm khó chịu vùng sau xương ức.
Việc này xảy ra là do thức ăn lượng tinh bột, nhiều đạm ít chất xơ, nhiều đồ chiên xào, tồn lưu lâu mà không được truyền tống hấp thu, dẫn đến việc sinh nhiều hơi chướng bụng.
Khi bị đầy hơi, khó tiêu đơn thuần (không kèm triệu chứng toàn thân như sốt, tiêu chảy cấp…) thì không cần dùng thuốc uống. Thay vào đó, có thể dùng gừng tươi để chữa các chứng ăn không tiêu, nôn mửa, đau lạnh vùng bụng, giúp kích thích tiêu hóa.
Dưới đây là những cách dùng gừng tươi chữa đau bụng hiệu quả:
Ăn gừng tươi chấm muối
Lấy một củ gừng tươi còn vỏ, rửa sạch, bào lát, nhai với vài hột muối hột. Sau khoảng 10 phút lại nhấm nháp một chút nữa, ăn từ từ. Dùng khoảng 4-5 lát là bụng sẽ khỏe.
Bác sĩ lưu ý, để gừng dễ ăn, bớt hăng nồng, nên dùng gừng non. Sau khi rửa sạch ngâm sơ qua với nước ấm. Tuy nhiên, cách này tránh dùng cho trẻ nhỏ.
Theo lương y Vũ Quốc Trung cách trị tốt nhất đó là lấy một củ gừng nhỏ bằng ngón tay cái nướng lên rồi ăn chỉ nửa giờ sau sẽ mất không còn cảm giác này.
Nếu không thể ăn gừng nướng thì có thể thái lát gừng ra ngâm với nước ấm làm trà gừng. Tuy nhiên, lương y Trung cho rằng nếu dùng nhanh, hiệu quả an toàn nhất là gừng nướng lên rồi ăn như bình thường.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết theo đông y gừng có vị cay, tính ấm vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.
Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống. Đặc biệt, từ xa xưa các thầy thuốc đã biết sử dụng củ gừng để cải thiện tiêu hóa, nâng cao khả năng miễn dịch, giảm đau. Gừng là phương thuốc hữu hiệu chống lại virus cảm cúm với tính năng tăng cường hệ miễn dịch và giàu chất chống oxy hóa.
Trà gừng
Lấy một củ gừng tươi, rửa sạch, cạo vỏ, giã nhuyễn. Bỏ gừng vào ly nước sôi 200 ml, đậy nắp ủ trong khoảng 2 phút. Người bệnh uống trực tiếp lúc ấm hoặc pha thêm một chút đường, mật ong cho dễ uống. Uống từng ngụm từ từ cho đến hết. Để uống dài lâu, có thể nấu nhiều và để tủ lạnh, hâm nóng lại mỗi khi dùng.
Người bị đầy hơi, khó tiêu nên uống hai ly trà mỗi ngày cho đến khi hết bệnh. Uống trong và sau bữa ăn sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Túi chườm gừng nóng
Dùng khoảng 400 g gừng tươi rửa sạch, nghiền nhỏ, vắt lấy nước. Bã gừng cho vào nồi đun nóng, sau đó đổ ra một chiếc khăn mịn sạch bọc lại. Đợi cho bã nguội bớt, rồi đắp lên bụng, xoay vòng theo chiều kim đồng hồ toàn bụng. Khi bã gừng nguội, tiếp tục cho vào nồi, thêm chút nước gừng, đun nóng lên rồi đắp tiếp. Mỗi tối thực hiện một lần khoảng 30 phút sẽ giúp trị đầy hơi, khó tiêu đạt hiệu quả nhanh nhất.
Để giữ độ nóng lâu của túi chườm, nên dùng thêm 500 g muốt hạt trộn chung với gừng tươi giã nhuyễn. Ngoài đun nóng bằng nồi, có thể đem rang hoặc quay trong lò vi sóng.
Nếu lần đầu chườm túi gừng nóng, nên để nhiệt độ vừa ấm, và lót bằng một tấm vải mỏng, tránh bị phỏng rộp da.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)