Sống khoẻ

Chửa trứng có nguy hiểm không?

Mẹ bầu khi được chẩn đoán xác định mang thai trứng (hay còn gọi là chửa trứng) cần phải được xử trí càng sớm càng tốt để phòng biến chứng nguy hiểm.

1. Chửa trứng là gì?

Chửa trứng là một biến chứng trong đó một khối u bất thường hình thành bên trong tử cung. Trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch to nhỏ, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung lấn át sự phát triển của bào thai.

Trong một thai kỳ khỏe mạnh, nhau thai là cơ quan phát triển trong tử cung và nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển thông qua dây rốn. Với thai trứng, phôi không thể phát triển. Điều này dẫn đến mất thai, thường là do sảy thai.

ThS.BS. Lê Quang Dương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững - VietHealth cho biết, mặc dù điều này có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào nhưng các yếu tố nguy cơ liên quan bao gồm tuổi mẹ cao từ 35 tuổi trở lên, từng mang thai trứng, từng sảy thai từ hai lần trở lên và phụ nữ bị thiếu vitamin A.

Có hai loại thai trứng chủ yếu:

Thai trứng toàn phần: Đây là loại thai trứng do sự kết hợp của một trứng không chứa bất kỳ thông tin di truyền nào (trứng trống) với một tinh trùng bình thường. Do thiếu 23 nhiễm sắc thể từ mẹ nên phôi không thể phát triển thành thai nhi và sẽ phát triển thành thai trứng.

Thai trứng bán phần: Nó xảy ra khi nhau thai bất thường được hình thành cùng với phôi thai. Một trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, lúc này phôi sẽ có 69 nhiễm sắc thể thay vì 46 như thông thường, phôi có thể bắt đầu phát triển nhưng không thể sống sót hoặc chỉ có một phần thai, màng ối.

2. Các triệu chứng và nguyên nhân của chửa trứng

Lúc đầu, chửa trứng có thể có cảm giác giống như một thai kỳ bình thường nhưng hãy chú ý những dấu hiệu sau:

Chảy máu âm đạo có thể có cục máu đông.

Nồng độ hormone thai kỳ hoặc nồng độ hCG cao bất thường.

Buồn nôn và nôn.

Đau vùng chậu.

Thiếu máu.

Tăng huyết áp của tiền sản giật.

ThS.BS. Lê Quang Dương cũng cho biết, chửa trứng thường xảy ra do những bất thường trong nhiễm sắc thể có thể cản trở sự phát triển của phôi và dẫn đến sự phát triển của khối u. Ví dụ, đôi khi nhiễm sắc thể của mẹ có thể bị thiếu trong khi nhiễm sắc thể của người bố có thể bị nhân đôi. Trong một số trường hợp, trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng tạo ra ba bộ nhiễm sắc thể. Trong các trường hợp khác, chửa trứng là kết quả của việc trứng hoặc tinh trùng không hoàn hảo được thụ tinh.

3. Chửa trứng được chẩn đoán như thế nào?

Theo ThS.BS. Lê Quang Dương, phụ nữ mang thai khi đi kiểm tra sức khỏe, có thể phát hiện ra biến chứng thai kỳ hiếm gặp này trong lần siêu âm đầu tiên khoảng 8 đến 14 tuần. Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng siêu âm qua âm đạo. Để xác định loại chửa trứng, có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác như chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI.

Bác sĩ có thể phát hiện chửa trứng khi khám thai lần đầu trong khoảng 8 - 14 tuần mang thai.

Trong một số trường hợp, sau khi điều trị, các phần của thai trứng vẫn còn sót lại trong tử cung và tiếp tục phát triển. Điều này được gọi là tân sinh nguyên bào nuôi thai kỳ kéo dài (GTN) và thường xảy ra ở thai trứng hoàn toàn. Một dấu hiệu của GTN là nồng độ hormone hCG – một loại hormone thai kỳ – ở mức cao dù thai trứng đã được loại bỏ. Một số trường hợp khác, các mô thai trứng đi sâu vào lớp giữa của thành tử cung, gây chảy máu âm đạo. Tình trạng tăng sinh nguyên bào nuôi thai kỳ kéo dài thường được điều trị bằng hóa trị hoặc cắt bỏ tử cung.

Trong một số trường hợp rất hiếm, việc mang thai trứng toàn phần có thể gây ra một dạng ung thư gọi là ung thư biểu mô màng đệm. Ung thư biểu mô màng đệm hình thành trong tử cung và có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể và cần được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.

Các biến chứng tiềm ẩn khác của thai trứng bao gồm:

Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết).

Nhiễm trùng tử cung.

Sốc (huyết áp rất thấp).

4. Điều trị chửa trứng

Cắt bỏ tử cung: Đối với phụ nữ lớn tuổi (trên 40 tuổi) đã có gia đình, có con hoặc bệnh nặng tái phát mặc dù đã điều trị nội khoa tối ưu, cắt tử cung là lựa chọn điều trị được đề xuất tốt nhất.

Theo dõi nồng độ hCG: Trong một số trường hợp sau khi điều trị, một số mô còn sót lại còn sót lại trong khoang tử cung sau hút, nạo bỏ thai. Điều này tương quan với việc theo dõi hàng loạt nồng độ beta hCG, lý tưởng nhất là nồng độ này sẽ bắt đầu giảm sau khi điều trị. Trong phần lớn các trường hợp, các mô còn sót lại được điều trị thành công bằng phương pháp này. Tuy nhiên, một phần nhỏ các trường hợp sẽ tiến triển thành tân sinh nguyên bào nuôi thai kỳ.

Hút, nạo bỏ thai trứng: Khi nghi ngờ chửa trứng do các triệu chứng, nồng độ hCG hoặc siêu âm, thì phẫu thuật nong và nạo thường được thực hiện. Nó chỉ đơn giản bao gồm việc làm giãn ống cổ tử cung hút, nạo các chất trong tử cung để xác nhận chẩn đoán về mặt mô bệnh học và loại bỏ tất cả các mô nguyên bào nuôi về mặt điều trị.

Thuốc: Điều trị nội khoa thai trứng bao gồm:

Điều trị triệu chứng: Điều trị thiếu máu, dùng thuốc kháng giáp.

Thuốc chống ung thư: Các loại thuốc như methotrexate rất hữu ích trong điều trị u nguyên bào nuôi thai kỳ.

Acid folic: Bổ sung lượng acid folic cao.

5. Lời khuyên của bác sĩ

ThS.BS. Lê Quang Dương khuyên, sau chửa trứng, phụ nữ có thể mang thai hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nên đợi một thời gian, ít nhất sáu tháng đến một năm, trước khi cố gắng thụ thai lần nữa. Trong thời gian này, việc tái khám và theo dõi thường xuyên là rất quan trọng để đảm bảo rằng thai trứng đã được điều trị thành công và không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó xảy ra lần nữa.

Về phòng ngừa, không có nhiều cách để ngăn ngừa mang thai trứng nhưng chăm sóc trước sinh sớm, lối sống lành mạnh, tư vấn di truyền và kiểm tra thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ hoặc giúp phát hiện sớm.

Bách Nguyên (Theo songkhoe)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram